Hồi đi học, một thầy giáo của tôi nói vui, mà sau này khi đi dạy, tôi cũng hay nhắc lại với các sinh viên. Thầy nói rằng, “phải” làm nghề giáo bởi vì kiếp trước kém tu, bởi mỗi lần thông báo thầy bị bệnh, lớp được nghỉ là học sinh ở dưới vỗ tay rần rần, không biết mừng vì thầy bệnh hay mừng vì nghỉ học…
Học sinh trao đổi bài học với nhau – Đây là phương pháp học để hiểu, để biết. Ảnh: N.Trinh |
Lẽ dĩ nhiên, chẳng ai mừng thầy ốm, nhưng niềm vui được nghỉ học là có ở hầu hết người đi học. Như vậy có thể thấy, nhu cầu học và học thật ở đây của một số người chưa thật cao. Khi đặt vấn đề dạy thật và học thật, nhiều người cho rằng vai trò chủ động ở người dạy, tức là có dạy thật thì mới học thật. Điều đó hoàn toàn đúng. Thế nhưng, cũng cần nói về vai trò chủ động học thật của người học, bởi nếu người dạy cố gắng dạy thật mà người học không chịu hoặc không chú tâm học thật thì vấn đề đó chỉ đạt được một nửa, mà một nửa đó thực ra không còn ý nghĩa nữa. Như vậy, học thật phải là một tâm thế, một cố gắng, trên hết là một nhu cầu của người học. Có mấy vấn đề cần quan tâm của việc học thật.
Thứ nhất, người học phải xác định bản thân mình học để làm gì. Nói mục tiêu giáo dục, triết lý giáo dục là cần thiết nhưng đó là vấn đề vĩ mô, của nhiều người, còn với bản thân từng người thì phải tự xác định rằng mình học để làm gì?
Với học sinh, thường cha mẹ hay định hướng cho con rằng học để sau này có nghề nghiệp, có công ăn việc làm, tự nuôi sống bản thân và gia đình… Đó là một mục đích rất thiết thực. Cũng có người dạy con, học để sau này làm “ông nọ bà kia”, mở mày mở mặt, rạng danh dòng tộc. Đó cũng là một mục đích tốt. Đôi khi, có học sinh được cha mẹ dạy rằng học để nối nghiệp (tốt, thành công) của gia đình, phát triển nó hơn nữa. Nói chung, các bậc cha mẹ đều chú trọng dạy cho con mục đích học tập một cách cụ thể, tích cực. Đó là một hành trang tinh thần quan trọng để cho con học tập.
Nhưng có vẻ những mục đích đó khá lớn, nhất là với học sinh THCS. Cần cho các em có một mục đích sát thực hơn nữa. Đó là học để có kiến thức mà kiến thức là chìa khóa mở mọi cánh cửa của cuộc sống. Muốn có nghề nghiệp, có công việc, có địa vị… tuyệt đại đa số phải qua học tập (trừ những người được thừa hưởng các điều đó có sẵn của cha mẹ hoặc có may mắn bất ngờ nào đó). Không học thật thì không có kiến thức, mà không có kiến thức thì không thể giải quyết được vấn đề thực tế của bản thân và gia đình.
Học thật là một nhu cầu của người học. Tức là học cho chính bản thân người học. Chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT đã đặt ra quan điểm “lấy người học làm trung tâm” cũng xuất phát từ đây. Học không phải chỉ để thi, không phải cho nhà trường, cho ngành giáo dục, mà chính là cho sự phát triển nhiều mặt của người học. Vì vậy không lý gì chỉ kêu gọi dạy thật mà bản thân người học không chịu học thật; cũng như phải giúp người thầy dạy thật thì phải giúp người học có điều kiện học thật! |
Thứ hai, người học cần nhận thức rõ để học thật thì bản thân mình làm gì. Xác định được mục đích rồi thì người học cũng cần nhận thức được trách nhiệm của mình để có thể thâu thái được kiến thức một cách thực sự, chứ không phải để vượt qua các kỳ thi. Ở đây có vấn đề về động cơ học tập và phương pháp học tập. Nếu học để mai thi thì có thể cố nhớ (bằng cách học thuộc lòng hoặc các mẹo nào đó có thể nhớ được), nhưng nếu học để hiểu, để biết thì không chỉ có nhớ mà phải đào sâu suy nghĩ, tìm những thông tin, kiến thức liên quan để làm đầy đặn một kiến thức đã biết, để làm nền tảng cho nhận thức về một vấn đề nào đó. Như vậy, để làm được điều này, người học phải kết hợp nghe giảng, đọc sách giáo khoa, tìm hiểu ở các tài liệu liên quan, thực hành, ôn luyện… Nhiều người đã nhắc đến “cây tư duy” để xâu chuỗi các kiến thức đã học theo một hệ thống. Đó là một phương pháp rất khoa học và tích cực. Nhưng vẫn còn nhiều phương pháp khác mà tùy theo vấn đề, theo sức học và theo điều kiện cụ thể để áp dụng. Hiện nay, internet đã phổ biến, cũng là một công cụ để người học có thể tích lũy kiến thức một cách đầy đủ và thực chất, có thể dùng sau khi hoàn tất các kỳ thi.
Thứ ba, sự tác động ngược lại từ việc học thật để làm việc dạy thật rõ nét hơn. Ở góc độ này, một học sinh giỏi, đặt ra nhiều vấn đề hóc búa hoặc sáng tạo, hẳn buộc người thầy cũng phải thay đổi phương pháp giảng dạy để không bị trò đó làm cho tụt hậu. Việc dạy và học xét cho cùng là một quan hệ hai chiều, dù trên thực tế hiện nay, chiều từ thầy sang trò chiếm ưu thế tuyệt đối nhưng không có nghĩa là không có chiều ngược lại. Một học sinh khi trả bài, phát biểu, thảo luận… có những ý mới, sâu sắc, phong phú hoặc khi đặt những câu hỏi thông minh, nâng cao thì hầu như luôn tác động đến việc tìm hiểu, học tập của người đứng lớp, không phải chỉ để giải đáp vấn đề của học sinh đặt ra mà còn để giữ hình ảnh của người thầy. Do vậy, khi người học đã cố gắng và có phương pháp học thật hữu hiệu thì người dạy cũng không thể dạy không thật, không thể dạy hình thức và đánh giá hình thức.
Do đó, việc “học lẫn nhau”, “tác động lẫn nhau” giữa thầy và trò không chỉ ở kiến thức mà còn phương pháp, động lực, sự quyết tâm. Làm thầy một học sinh siêng học, có nhiều ý tưởng cũng là một sự “bồi bổ” cho người thầy đó. Khi học sinh đã học thật và có kết quả thực tế tích cực thì sẽ truyền tinh thần đó cho người dạy để bản thân người dạy phải nỗ lực dạy thật, không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng tâm huyết, sự đam mê.
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)