Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhu cầu học tiếng Anh vẫn cao!

Tạp Chí Giáo Dục

Mong muốn có thể nói tiếng Anh giỏi để ra trường kiếm được việc làm tốt, nhiều sinh viên đã không ngần ngại bỏ ra một số tiền lớn đầu tư cho những khóa học tiếng Anh. Thế nhưng, ngay việc vượt qua các kỳ thi ở trường ĐH cũng khiến nhiều sinh viên “toát mồ hôi”.

Rất ít sinh viên được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ

Không đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh

Kể từ năm học 2012-2013, quy định của Bộ GD-ĐT yêu cầu áp dụng chuẩn đầu ra về tiếng Anh cho sinh viên ĐH các khối không chuyên ngữ. Ghi nhận tại nhiều trường ĐH cho thấy đa số sinh viên phải trải qua nhiều lần sát hạch, ôn luyện mới đạt được số điểm tối thiểu cần thiết.

Trong kỳ thi chuẩn đầu ra với sinh viên cơ sở 2 của Trường ĐH Thủy lợi tháng 9 mới đây, chỉ 174/450 (38%) sinh viên đạt mức điểm tối thiểu tương đương trình độ A2. Trước đó, kết quả sát hạch năng lực tiếng Anh chuẩn đầu ra ở Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tháng 5 vừa qua cho thấy tỷ lệ đạt chuẩn chỉ ở mức 22%. Còn tại Viện ĐH Mở Hà Nội, đại diện trường cho biết mỗi năm có 6 đợt đánh giá, nhưng tính trung bình, tỷ lệ đậu mỗi đợt chỉ đạt khoảng 30%. Nhiều sinh viên thi-đi-thi-lại hơn chục lần mới đạt.

ThS. Lâm Thị Hòa Bình, Phó trưởng khoa Tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết nền tảng kiến thức kém từ thời học phổ thông là nguyên nhân lớn nhất khiến các sinh viên trượt môn học này. Bên cạnh đó, môi trường tiếp xúc cũng là nguyên nhân khiến các em ngày càng yếu trong kỹ năng giao tiếp tiếng Anh. Việc dễ dàng bỏ cuộc khi phải vất vả học lại từ đầu vì đa phần các em đều mất gốc khiến sinh viên các ngành không chuyên ngữ không thể giao tiếp tiếng Anh. Theo ThS. Lâm Thị Hòa Bình, một nguyên nhân khách quan nữa khiến việc học tiếng Anh của sinh viên gặp khó khăn là các em không có điều kiện tiếp xúc với giáo viên bản ngữ.

Anh Nguyễn Đức Dũng (sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), dù học đến năm thứ 7 vẫn chưa thể cầm được tấm bằng tốt nghiệp trong tay chỉ vì nợ môn tiếng Anh. Anh Dũng đã thi-đi-thi-lại nhiều lần nhưng vẫn không đạt chuẩn đầu ra ở mức B1 (tương đương 4.5 điểm IELTS, 450 điểm TOEFL và 45 điểm TOEFL iBT). Hiện anh vẫn đang miệt mài tại các lớp ôn luyện tiếng Anh để mong có thể lấy được bằng tốt nghiệp trong năm học này.

Vung tiền cho các lớp tiếng Anh

Thời gian qua, Ngọc Thành (sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Điện lực) cuống cuồng đi đăng ký học thêm tiếng Anh cùng vài người bạn trong lớp. Để theo trọn một khóa tiếng Anh, Thành phải bỏ ra 2,5 triệu đồng cho khóa học 3 tháng tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. “Em học để mong qua được các kỳ thi tại trường và hơn nữa là có thể tốt nghiệp được. Đồng thời, em cũng mong có được vốn tiếng Anh tốt để sau này có thể xin được một công việc yêu thích”, Ngọc Thành chia sẻ.

Để tiết kiệm chi phí, sinh viên có thể tự học tiếng Anh tại nhà thông qua các trang mạng trực tuyến hay tự tìm hiểu tài liệu để học tập. Điều quan trọng nhất là sinh viên phải xác định được mục tiêu và quyết tâm học tập.

Theo học tại một trung tâm tiếng Anh được 2 khóa, Đặng Thị Thắm (sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, hiện trình độ tiếng Anh của bạn cũng chỉ dừng ở mức cơ bản. Nhưng việc vượt qua được kỳ thi tại trường là điều hoàn toàn có thể. Nếu theo học thêm vài khóa nữa thì hy vọng vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên chi phí học tiếng Anh rất đắt đỏ.

Với hai khóa học tiếng Anh ở trung tâm đã ngốn hết của Thắm gần 5 triệu đồng. “Nói là đi học thêm tiếng Anh nên hàng tháng bố mẹ gửi thêm tiền”, Thắm nói.

Nếu bỏ tiền ra học thêm vài khóa tiếng Anh chỉ để vượt qua được các kỳ thi ở trường thì sau cùng sinh viên cũng sẽ không hiểu gì… về tiếng Anh cả. “Học một khóa, vài khóa xong rồi để đấy, không có môi trường rèn luyện hàng ngày hoặc sinh viên không chịu ôn luyện thường xuyên thì cũng sẽ trở về con số không”, Thắm chia sẻ.

Một giáo viên tại một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội chia sẻ, rất nhiều sinh viên đến học tại trung tâm với vốn tiếng Anh gần như chưa biết gì hoặc là… lập lờ. “Không hiểu suốt những năm học phổ thông các bạn ấy học ngoại ngữ như thế nào mà những câu chào hỏi thông dụng cũng nói ấp úng. Học tiếng Anh tại trung tâm là điều tốt, nhưng nếu theo học tại trung tâm mà sinh viên không có ý thức học thì cũng bằng thừa”, vị giáo viên này nói.

Giáo viên này cũng khuyên, để tiết kiệm chi phí, sinh viên có thể tự học tiếng Anh tại nhà thông qua các trang mạng trực tuyến hay tự tìm hiểu tài liệu để học tập. Điều quan trọng nhất là sinh viên phải xác định được mục tiêu và quyết tâm học tập.

Bài, ảnh: Yến Hoa

 

Bình luận (0)