Nhân viên điều dưỡng luôn thiếu tại các bệnh viện |
Lượng thí sinh (TS) đăng ký dự thi ngành điều dưỡng hàng năm là rất lớn. Nhu cầu nhân lực của ngành này ở xã hội cũng cao. Tuy nhiên, việc đào tạo thời gian qua vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
“Khát” điều dưỡng viên trình độ ĐH
Cả nước hiện có 11 trường ĐH, 20 trường CĐ đào tạo ngành điều dưỡng. Ở hệ trung cấp, ngành này còn được đào tạo tại nhiều cơ sở khác. Ngoài các trường công lập, Bộ còn giao chỉ tiêu đào tạo ngành này cho các trường dân lập. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, số cán bộ y tế bậc đại học (trong đó có cả điều dưỡng) ra trường hàng năm vào thời điểm 2015 vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của các cơ sở y tế công lập và tư nhân; kể cả trong điều kiện lý tưởng là tất cả học viên ra trường đều đi làm và được tuyển dụng đồng đều giữa các vùng miền. Như vậy, khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo hiện nay còn xa mới đạt được nhu cầu phát triển xã hội, nhất là với đội ngũ cán bộ y tế có trình độ ĐH trở lên.
Ở khu vực bệnh viện, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ cần đạt 2,5/1 đến 3,5/1, tuy nhiên con số này ở nước ta mới chỉ đạt 1,7/1. Càng ở bệnh viện tuyến trên, con số này lại càng thấp gây nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, để phát triển nhân lực y dược, đáp ứng nhu cầu xã hội, nước ta phấn đấu năm 2015 đạt tỷ lệ 20 điều dưỡng từ trung cấp trở lên/10.000 dân và năm 2020 đạt tỷ lệ 25 điều dưỡng.
Rộng cơ hội cho người học
Nhu cầu nhân lực lớn nên cơ hội học tập và việc làm cho người học ngành này cũng rất rộng mở. Mới đây, Trường ĐH Duy Tân vừa được Bộ GD-ĐT cấp phép tuyển sinh và đào tạo ngành điều dưỡng. Theo ông Lê Nguyên Bảo (Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Duy Tân), nhu cầu nhân lực ngành điều dưỡng khu vực miền Trung và Tây Nguyên hiện rất cao. Tuy nhiên, tại khu vực này, các đơn vị đào tạo cử nhân điều dưỡng lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây là năm đầu chiêu sinh, nhưng trường sẽ chú trọng giảng dạy bằng tiếng Anh nhằm hướng đến mục tiêu đào tạo đội ngũ SV sau khi ra trường có thể tham gia xuất khẩu lao động. Các ngành khác tại trường thường lấy TS đạt trên điểm sàn từ 1-2 điểm. Tuy nhiên, ngành điều dưỡng, trường dự kiến mức điểm chuẩn khoảng 18 – 19 và có thể đây sẽ là ngành có điểm chuẩn cao nhất tại trường.
Ở hệ CĐ, Trường CĐ Phương Đông hàng năm cũng cung cấp một lượng điều dưỡng viên rất lớn cho khu vực miền Trung. Ông Lê Ngọc Nguyên (Trưởng phòng đào tạo) cho biết, mỗi năm trường đào tạo khoảng 1.000 SV ở cả 2 hệ CĐ và trung cấp (TC) tuy nhiên, con số TS đăng ký vào ngành này thường lớn hơn rất nhiều. Cũng theo ông Nguyên, được đào tạo tại một khu vực rất “khát” nhân lực nên phần lớn SV của trường khi tốt nghiệp không khó để kiếm được việc làm.
Với các trường lớn như ĐH Y dược TP.HCM, mấy năm gần đây, tỷ lệ chọi ngành điều dưỡng luôn dẫn đầu “top” ngành đào tạo. Năm 2008, tỷ lệ chọi là 1/59; năm 2009, tỷ lệ này lên đến 1/65. Điều này cho thấy mức độ quan tâm của người học với ngành này là rất đáng kể. Tuy nhiên, cũng do nhu cầu của người học và của xã hội lớn dẫn đến tình trạng nhiều trường “dồn” hầu hết chỉ tiêu cho ngành điều dưỡng gây mất cân đối trong việc bố trí ngành nghề đào tạo. Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Chiến nêu cụ thể, tại kỳ thi tuyển sinh năm 2009, Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật Phương Nam dành 2.272/2.600 chỉ tiêu được giao để đào tạo ngành điều dưỡng và dược trong khi trường có đến 11 ngành đào tạo. Tương tự, Trường CĐ Nguyễn Tất Thành “ưu tiên” dành 6.000/8.346 chỉ tiêu được giao để đào tạo ngành điều dưỡng và dược mặc dù tổng số ngành đào tạo của trường lên đến 12.
M.T
Bình luận (0)