Một cảnh kẹt xe trên xa lộ Hà Nội (Q.9). Ảnh: Quốc Quân |
Bộ Giao thông Vận tải vừa dự báo về nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách, việc lựa chọn chủng loại phương tiện hợp lý cũng như các chi tiêu khai thác phương tiện trong tương lai. Từ đó, xác định được nhu cầu phương tiện vận tải của các chuyên ngành vận tải đến năm 2020.
Hạn chế tốc độ tăng trưởng xe máy
Năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân của phương tiện đường bộ trên toàn quốc là 13-17%/năm, trong đó xe con dưới 9 chỗ là 13-18%/năm, xe khách trên 10 chỗ là 16-22%/năm và xe tải là 12-14%/năm. Từ năm 2011-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của phương tiện đường bộ trên toàn quốc là 7-12%/năm, trong đó xe con dưới 9 chỗ là 5-14%/năm, xe khách trên 10 chỗ là 6-12%/năm và xe tải là 8-10%/năm. Với tình hình này, cần hạn chế tốc độ tăng trưởng xe máy và kiểm soát sự gia tăng xe con cá nhân, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Trong năm 2010 khống chế tăng trưởng xe máy dưới 7%/năm (theo hướng giảm dần) và xe con 10-15%/năm; từ năm 2010 trở đi, tại các đô thị lớn, không phát triển xe máy mà phát triển mạnh vận tải công cộng. Đường sắt đến năm 2010, cần bổ sung 110 đầu máy khổ 1.000mm, 20 đầu máy khổ 1.435mm, 10 đoàn DMU, 800 toa xe khách và 1.800 toa xe hàng; đến năm 2020, nhu cầu bổ sung là 200 đầu máy khổ 1.000mm, 50 đầu máy khổ 1.435mm, 10 đoàn DMU, 2.100 toa xe khách và 10.000 toa xe hàng và đầu máy, toa xe phục vụ các tuyến đường sắt cao tốc. Nâng tổng trọng tải đội tàu biển Việt Nam trong năm 2010 lên 3 triệu DWT, bao gồm: 0,25 triệu DWT tàu chở hàng rời, 1 triệu DWT tàu chở hàng bách hóa, 0,5 triệu TEU tàu container, 0,3 triệu DWT tàu dầu sản phẩm và 0,8 triệu DWT tàu dầu thô; đến năm 2020 là 4,7 triệu DWT, bao gồm: 0,45 triệu DWT tàu chở hàng rời, 1,8 triệu DWT tàu chở hàng bách hóa, 0,9 triệu TEU tàu container, 0,5 triệu DWT tàu dầu sản phẩm và 0,8 triệu DWT tàu dầu thô. Năm 2010, tổng sức kéo yêu cầu của đội tàu sông Việt Nam là 3,6 triệu CV, tổng trọng tải là 3,3 triệu TPT và tổng số ghế khách là 0,32 triệu ghế. Năm 2020, tổng sức kéo yêu cầu là 5,4 triệu CV, tổng trọng tải là 4,9 triệu TPT và tổng số ghế khách là 0,48 triệu ghế. Đường hàng không Việt Nam khai thác đội máy bay gồm 63 chiếc các loại, trong đó Vietnam Airlines vận dụng 46 chiếc và tỷ lệ máy bay sở hữu 60%. Năm 2020, tăng gấp đôi đội máy bay lên khoảng 120 chiếc cho toàn quốc, trong đó Vietnam Airlines khai thác 90 chiếc và tỷ lệ máy bay sở hữu là 70%.
Đảm bảo an toàn giao thông đô thị
Việc định hướng chung về cơ sở hạ tầng giao thông đô thị được Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên phát triển đồng bộ với các công trình kỹ thuật hạ tầng khác để hình thành kết cấu hạ tầng đô thị hợp lý, hoàn chỉnh, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội của các thành phố. Đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông đô thị đến năm 2020 phải đạt 15-25% tổng diện tích đô thị bao gồm cả giao thông tĩnh và động. Phát triển đa dạng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng để đảm bảo trật tự – an toàn giao thông đô thị và bảo vệ môi trường. Xây dựng hệ thống vận tải khối lượng lớn cho thủ đô Hà Nội và TP.HCM, bao gồm các phương thức: tàu điện mặt đất, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm…Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng cần tập trung xây dựng các đường hướng tâm, các đường vành đai, các trục chính đô thị, các nút giao cắt lập thể, phát triển hệ thống giao thông tĩnh và cơ sở hạ tầng phục vụ xe buýt. Đồng thời triển khai gấp một số tuyến tàu điện ngầm, tàu điện mặt đất và đường sắt trên cao cho Hà Nội và TP.HCM.
Song song với việc phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là các phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, đảm bảo tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng ở các thành phố lớn đạt 25-30% trong năm 2010 và 50-60% vào năm 2020, cần đẩy mạnh công tác duy trì, củng cố và nâng cấp mạng lưới giao thông hiện có theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn, đảm bảo cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Tập trung mở đường mới đến trung tâm các xã, cụm xã chưa có đường, các khu vực kinh tế trọng điểm, các nông, lâm trường, các tụ điểm công nghiệp nông thôn. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng kinh tế khó khăn, giai đoạn đầu tối thiểu phải có đường ô tô cho xe cơ giới 2 bánh, sau đó mở rộng tiếp cho xe cơ giới 4 bánh. Tiếp tục xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn liên hoàn đến các thôn xã; gắn kết mạng lưới giao thông nông thôn với mạng lưới giao thông quốc gia. Từng bước xây dựng hệ thống cầu chui, cầu vượt tại các giao cắt giữa đường cao tốc, quốc lộ, đường địa phương và nông thôn đảm bảo an toàn giao thông. Đối với đồng bằng sông Cửu Long, kết hợp giữa giao thông đường bộ và giao thông đường thủy, giữa giao thông với thủy lợi để hình thành các tuyến đường bộ đến các ấp, xã, các cụm dân cư tập trung đảm bảo yêu cầu tồn tại chung với lũ, khai thác thế mạnh về giao thông đường thủy; cải tạo và xây dựng hệ thống cầu, cống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; từng bước thay thế cầu khỉ bằng cầu thép định hình khổ rộng 1,5; 3,2 và 4m. Sử dụng vật liệu tại chỗ là chính, tiến tới tăng tỷ lệ đường được trải nhựa, đảm bảo đi lại được quanh năm. Phát triển phương tiện vận tải cơ giới nhỏ phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Giá thành vận tải phù hợp với mức sống của đa số dân cư.
Như Thủy
Bình luận (0)