Theo các chuyên gia lao động, nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành kinh tế – dịch vụ luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, chiếm 80,34% ở quý 2 năm 2021 và dự kiến sẽ tăng mạnh sau đó.
Người lao động phỏng vấn tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên mới đây
Nhóm ngành kinh tế – dịch vụ chiếm 61,42% tổng nhu cầu nhân lực
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong quý 2 năm 2021, nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 18,92% tổng nhu cầu lao động, tuyển dụng chủ yếu lao động đã qua đào tạo, chiếm 85,55%; trong đó trình độ ĐH trở lên là 18,66%, CĐ 21,91%, TC 21,09% và sơ cấp 23,89%. Cụ thể, nhu cầu nhân lực được phân bổ ở các nhóm ngành nghề như sau: Ngành cơ khí chiếm 5,89% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như kỹ sư cơ khí, công nhân hàn, kỹ sư vận hành máy tiện, thợ phụ inox, kỹ sư tự động hóa, nhân viên gia công cơ khí, thiết kế cơ khí… Ngành điện tử – công nghệ thông tin chiếm 4,95% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm là kỹ sư điện tử, kỹ sư phát triển phần cứng, kỹ thuật viên bảo trì điện tử, kỹ sư kiểm tra sản phẩm điện tử, lập trình máy vi tính, kỹ sư lập trình ứng dụng, công nhân lắp ráp thiết bị điện tử, chuyên viên quản trị hệ thống… Ngành chế biến lương thực – thực phẩm chiếm 4,52% tổng nhu cầu nhân lực, tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chiếm 63,21%, tập trung ở các vị trí việc làm như công nghệ thực phẩm, nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm, thợ chế biến thực phẩm, kỹ sư dinh dưỡng, công nhân sản xuất đồ uống… Ngành hóa chất – nhựa cao su chiếm 3,56% tổng nhu cầu nhân lực, tuyển dụng lao động tập trung ở các vị trí việc làm như nhân viên đứng máy khuôn nhựa, kỹ sư hóa dược, công nhân sản xuất nhựa bao bì, nhân viên sản xuất khuôn ép nhựa…
Đặc biệt, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM dự báo trong thời gian tới, nhu cầu nhân lực ở 9 ngành kinh tế – dịch vụ chiếm tỷ lệ cao với 61,42% tổng nhu cầu nhân lực lao động. Theo đó, nhân lực tuyển dụng chủ yếu ở nhóm ngành này là lao động đã qua đào tạo (chiếm 84,27%), trong đó trình độ ĐH trở lên chiếm 12,67%, CĐ 28,43%, TC 31,04% và sơ cấp 12,13%. Cụ thể, ngành thương mại chiếm 25,35% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như nhân viên bán hàng, chuyên viên kinh doanh, giám sát cửa hàng, trưởng nhóm kinh doanh, nhân viên hỗ trợ kinh doanh…; ngành vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng chiếm 3,37% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như tài xế, nhân viên kho, điều phối vận tải, nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu…; ngành du lịch chiếm 4,47% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như nhân viên hướng dẫn viên du lịch, nhân viên buồng phòng, nhân viên điều hành tour, phục vụ nhà hàng, bếp trưởng…; ngành bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin chiếm 5,62% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như nhân viên bưu chính, nhân viên dịch vụ sửa chữa máy tính, kỹ sư viễn thông; ngành tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm chiếm 5,84% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như chuyên viên tư vấn tín dụng, giao dịch viên, chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân, nhân viên tư vấn bảo hiểm, nhân viên thu hồi nợ, chuyên viên thẩm định tín dụng; ngành kinh doanh tài sản – bất động sản chiếm 5,07% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như chuyên viên kinh doanh dự án đầu tư, nhân viên kinh doanh bất động sản, quản lý dự án bất động sản…; ngành dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ, nghiên cứu và triển khai chiếm 7,21% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như nhân viên chăm sóc khách hàng, tổng đài viên, tư vấn khách hàng, cộng tác viên thông tin – dịch vụ khách hàng…; ngành giáo dục và đào tạo chiếm 3,59% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như giảng viên tiếng Anh, giáo viên mầm non, tư vấn tuyển sinh, trợ giảng, chuyên viên phòng đào tạo, giảng viên kiến trúc…; ngành y tế chiếm 0,9% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế, kỹ thuật viên xét nghiệm…
Cần có nhiều giải pháp để thu hút học sinh vào trường nghề
Kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chiếm 85,72% tổng nhu cầu nhân lực lao động, tập trung ở một số nhóm ngành nghề như: Tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; công nghệ thông tin; kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng; kỹ thuật điện – điện lạnh – điện công nghiệp – điện tử; marketing; quản lý điều hành; dịch vụ vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng; y – dược; kế toán – kiểm toán… Trong đó, nhu cầu nhân lực trình độ ĐH trở lên chiếm 22,19%, CĐ 17,04%, TC 21,42%, sơ cấp 25,07%.
Theo khảo sát tại các sàn giao dịch việc làm trên địa bàn TP.HCM mới đây, nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ sơ cấp, TC và CĐ do các trường nghề đào tạo luôn chiếm tỷ trọng cao nhất. |
Theo khảo sát tại các sàn giao dịch việc làm trên địa bàn TP.HCM mới đây, nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ sơ cấp, TC và CĐ do các trường nghề đào tạo luôn chiếm tỷ trọng cao nhất. Ông Trần Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, chuyên gia dự báo nhân lực) khẳng định, nhu cầu lao động ở các trình độ nói trên luôn cao gấp 3 lần nhu cầu lao động trình độ ĐH. “Thống kê tình hình nhân lực năm 2020 của TP.HCM cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo chiếm đến 85,6%; trong đó nhóm trình độ CĐ là 17,62%, TC 21,56%, sơ cấp 25,52% và trình độ ĐH trở lên chỉ chiếm 20,9%”, ông Tuấn dẫn chứng.
Theo ông Tuấn, để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong giai đoạn tới cần có nhiều giải pháp để thu hút học sinh vào trường nghề. Trong đó, giải pháp phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào các trường nghề được xem là một giải pháp tốt. Hiện nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào trường nghề ngày một tăng, điều này chứng minh công tác phân luồng đạt hiệu quả, có niềm tin nơi xã hội.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sang (Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên) cho rằng những năm gần đây, nguồn lao động qua đào tạo được các doanh nghiệp, công ty quan tâm, đặc biệt là lao động kỹ thuật. Thống kê cho thấy nguồn cung luôn cao hơn nhu cầu, tuy nhiên lao động phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn và kỹ năng hội nhập mới có cơ hội cạnh tranh trong thị trường lao động.
Bài, ảnh: Trần Tri
Bình luận (0)