Bẩm sinh với khiếm khuyết chỉ có một chân, cha lại bỏ đi ngay từ nhỏ nhưng cô bé Nguyễn Lệ Quỳnh Như Ý (học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Hụê, huyện Hóc Môn, TP.HCM) lại có một nghị lực phi thường để vượt lên nghịch cảnh và số phận. Em luôn giành kết quả cao trong học tập và lạc quan trong cuộc sống.
Như Ý chạy xe đạp mua đồ cho bà ngoại |
Nụ cười như những đốm lửa sáng, chưa bao giờ tắt trên môi em. Dù chỉ có một chân nhưng Như Ý có thể tự mình làm được mọi việc, ngay cả đạp xe đi học.
Tuổi thơ bất hạnh
Tôi tìm đến nhà Như Ý trong một chiều ngoại thành Sài Gòn mưa. Con đường đất lấm lem dẫn vào căn nhà lợp mái tôn tuềnh toàng nằm sâu trong hẻm. Cô bé Như Ý đang ngồi chơi cùng bà ngoại, thấy có khách lễ phép khoanh tay chào.
Khi tôi đến, chỉ có bà ngoại của Như Ý ở nhà, mẹ em đi làm chưa về. Bà Trần Thị Mỹ – bà ngoại Như Ý – đã gần 60 tuổi, hàng ngày chỉ ở nhà nội trợ chăm cháu. Một mình mẹ Như Ý với lương công nhân ba cọc ba đồng, cáng đáng cả một gia đình. Hỏi về hoàn cảnh của cháu ngoại, bà Mỹ xúc động nói: “Ba mẹ Như Ý lấy nhau không hôn thú, thương rồi dọn về ở vậy thôi. Năm 2007, con gái tôi sinh ra Như Ý chỉ có một chân. Ba nó thấy vậy cũng bỏ mẹ con nó luôn”.
Những ngày đó, bà Mỹ nói, chỉ cần nhìn thấy cháu là bà khóc. Những lời đàm tiếu, lời ra tiếng vào, người ta nói nên cho cháu đi. Con gái tôi lúc đó gần như gục ngã. “Chăm một đứa trẻ lành lặn đã khó, chăm một đứa trẻ bẩm sinh chỉ một chân lại càng khó. Nhiều đêm tôi khóc thương cháu đến ướt gối, sao trời lại đày đọa một đứa nhỏ làm chi. Khi Như Ý được 3 tuổi, gửi nhà trẻ mà không nơi nào dám nhận vì các bé khác nhìn thấy Như Ý đều khóc thét”, bà Mỹ kể.
Không có tình cảm của ba, mẹ lại làm công nhân, mỗi ngày đều đi từ sớm, tăng ca đến tối muộn mới trở về, bà ngoại lại già yếu, Như Ý sớm ý thức được hoàn cảnh nên dù chỉ có một chân nhưng cô bé tự mình làm được hầu hết mọi việc. “Như Ý không chịu ngồi yên một chỗ đâu. Cứ nhảy lò cò quanh nhà, từ quét nhà, phụ bà nấu cơm đến chăm sóc cá nhân đều không phiền ai làm giúp. Ngay cả việc đi học cũng đòi tự chạy xe đạp đi. Nhiều hôm Như Ý còn mướn xích lô chạy quanh xóm đưa trẻ con đi chơi”, bà Mỹ cười, nói.
Cô bé cũng không hề chạnh lòng trước những lời trêu ghẹo của bạn bè. Bà Mỹ kể rằng, nhiều lần bạn bè ghẹo kêu Như Ý cụt chân, tôi thì buồn thúi ruột gan mà nó cứ cười cười. Hỏi con có buồn không, nó nói mắc gì con phải buồn.
Mơ làm cô giáo
Chỉ tay về phía những tấm giấy khen dán trang trọng trên tường, bà Mỹ hồ hởi khoe rằng, con bé coi vậy mà học giỏi lắm, chưa khi nào khiến ông bà ngoại và mẹ phải buồn phiền.
Như Ý và bà ngoại |
“Em biết mẹ làm công nhân không có nhiều tiền, em lại chỉ có một chân không giúp nhiều được cho mẹ. Em nghĩ mình phải cố gắng để học thật giỏi, sau này làm cô giáo nuôi mẹ, nuôi ông bà ngoại”, Như Ý chia sẻ. |
Cô Lê Thị Ngọc Ánh (giáo viên chủ nhiệm lớp của Như Ý) cho biết mọi người thực sự khâm phục nghị lực của cô bé. Dù một chân nhưng Như Ý có ý thức học tập rất cao, chưa bao giờ em đi học muộn chứ đừng nói đến việc nghỉ học. “Như Ý là học sinh giỏi nhiều năm liền. Ở lớp, em rất hòa đồng với bạn bè. Nhiều hôm còn giành việc với bạn, nhảy lò cò lên lau bảng. Chưa hết, Như Ý còn chơi nhảy dây giỏi hơn cả các bạn nữa”, cô Ánh cho hay.
Nếu không tận mắt thấy Như Ý lò cò nhảy một chân đi thật nhanh và thoăn thoắt chạy xe đạp, tôi cũng không thể tin rằng cô bé một chân này lại nghị lực đến thế. Như Ý nói rằng, em cũng không biết mình thích nghi như thế nào với việc đi một chân. Ngay từ khi ý thức được, em đã thấy mình chỉ có một chân nên đã quen với điều đó và không lấy đó làm chạnh lòng, buồn tủi. Thậm chí, Như Ý còn coi đó là điểm khác biệt của mình. “Nhìn thấy các bạn có đôi chân lành lặn chạy nhảy em cũng thích lắm. Nhưng một chân, em cũng có thể chạy nhảy và học tập được như các bạn”, cô bé hồn nhiên chia sẻ. Hỏi về ba, Như Ý tỏ ra mạnh mẽ, nghiêm nghị: “Em không muốn kể về ba, không muốn ba về với mẹ, cũng không muốn ở với ba. Em sẽ tự thay ba chăm sóc mẹ”.
Nói về ước mơ sau này, Như Ý bật mí em muốn trở thành một cô giáo dạy toán để dạy những bạn nghèo như mình. “Em biết mẹ làm công nhân không có nhiều tiền, em lại chỉ có một chân không giúp nhiều được cho mẹ. Em nghĩ mình phải cố gắng để học thật giỏi, sau này làm cô giáo nuôi mẹ, nuôi ông bà ngoại”, Như Ý cho biết.
Yến Hoa
Bình luận (0)