Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhựa xuất khẩu: “Rụt rè” trước thị trường Nhật

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, năm 2010, Nhật Bản dẫn đầu danh sách gần 55 thị trường trên thế giới nhập khẩu và tiêu thụ các sản phẩm nhựa Việt Nam. Thế nhưng, 255 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, chiếm tỷ trọng 24,7% năm 2010, vẫn còn là con số quá nhỏ so với nhu cầu nhập khẩu khoảng 8 tỷ USD sản phẩm nhựa hằng năm ở Nhật.

Chỉ biết đứng nhìn

Nhật Bản được đánh giá là thị trường rất tiềm năng, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) nhựa Việt Nam chỉ biết đứng nhìn vì thị trường này có nhiều quy định khắt khe về chất lượng hàng hóa.

Dây chuyền sản xuất nhựa Đại Đồng Tiến

Tại hội thảo “Tư vấn xuất khẩu sản phẩm nhựa sang thị trường Nhật Bản” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức, nhiều DN có chung nhận định: tỷ trọng xuất khẩu của các sản phẩm nhựa Việt Nam vào thị trường Nhật còn quá khiêm tốn.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật, DN Việt cần phải đầu tư lớn về công nghệ. Mặc dù gần đây các DN đã chịu khó đầu tư để mở rộng sản xuất, nghiên cứu cải tiến mẫu mã, song phần lớn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Nhật thể hiện đặc biệt rõ ở các quy định về độ an toàn cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, giá cả cũng là một rào cản khi đưa sản phẩm vào thị trường Nhật. Ông Đào Quang Lợi, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, giải thích, hơn 80% nguồn nguyên liệu sản xuất của ngành nhựa phải nhập khẩu, nên chi phí chiếm đến 10 – 15%, cao hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Vì thế, DN Việt Nam cũng khó có được lợi thế về giá thành phẩm. Ngay bản thân các DN Nhật, hằng năm các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng của họ đều đầu tư một khoản kinh phí khá lớn nhằm giảm tối đa chi phí sản xuất, đồng thời tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
Theo đó, lợi nhuận không chỉ có được từ sản xuất, mà còn từ việc đẩy mạnh các yếu tố đáp ứng được nhu cầu của thị trường (nguyên liệu thô, sáng tạo, mẫu mã…).
Ngách nhỏ vào đường lớn
Hiện nay, sản phẩm nhựa xuất khẩu sang thị trường Nhật gồm: bao bì đóng gói (chiếm 50%), PA (nhựa dẻo) và nhựa sản xuất đồ văn phòng chiếm 35%, đồ dùng khác chiếm 15%. Thế nhưng, số liệu này bao gồm cả giá trị xuất khẩu từ các nhà máy của Nhật tại Việt Nam như Panasonic, Canon…
Điều này cho thấy, các DN Việt Nam vẫn chưa phát huy hết thế mạnh, cần phải có cái nhìn linh hoạt hơn về một chiến lược thâm nhập thị trường Nhật lâu dài.
Bà Kiều Hải Anh, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty Nhựa OPEC, cũng cho biết, hiện tại, công ty đã đầu tư hệ thống máy móc có thể đáp ứng những yêu cầu từ phía thị trường Nhật, nhưng vẫn chưa tìm được đối tác và xác định mẫu mã hàng hóa.
Liên quan đến vấn đề này, ông Fumio Koyama, cố vấn cao cấp của JICA, tư vấn: “Điều quan trọng các DN nhựa Việt Nam cần chú ý là phải thiết lập cho được Phòng Marketing và Phòng Nghiên cứu thị trường. Đây là điều kiện tiên quyết mà các DN trong ngành nhựa cần đáp ứng.
Cả nước có khoảng 1.064 DN nhựa đang hoạt động có vốn từ 500 triệu đồng trở lên, chủ yếu tập trung ở phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An chiếm 80%, còn 15% còn lại là ở miền Bắc và miền Trung. Nhu cầu về nguyên liệu sử dụng cho ngành nhựa trung bình 2,2 triệu tấn/năm gồm các loại như PE, PP, PS…, chưa kể đến hàng trăm loại hóa chất phụ trợ khác. Trong khi đó, khả năng đáp ứng nguyên liệu trong nước mới chiếm khoảng 15%, còn lại 85% nguyên liệu buộc phải nhập khẩu.

DN Việt Nam cần có chiến lược đầu tư công nghệ hiện đại, nghiên cứu chất lượng, mẫu mã sản phẩm và đừng quên khảo sát các thị trường tiềm năng. Bởi vì, yếu tố mẫu mã, chất lượng sản phẩm luôn được khách hàng Nhật đặt lên hàng đầu”.

Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 175.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển ngành nhựa.
Theo đó, nguồn vốn này sẽ dành cho đầu tư xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ và phát triển nguồn nhân lực cho ngành nhựa.
Theo ông Đào Quang Lợi, DN Việt Nam có thể đầu tư xuất khẩu mặt hàng bao bì, thứ đến là phân khúc về nhựa công nghiệp, chủ yếu là các sản phẩm ống nhựa, mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, với Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), ngành nhựa cũng được hưởng khá nhiều ưu đãi, mức thuế đã hạ từ khá cao xuống chỉ còn khoảng 3% tùy vào chủng loại sản phẩm. 
LÊ LOAN / DNSG

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)