Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhức nhối bạo lực gia đình

Tạp Chí Giáo Dục

ThS. tâm lý Võ Thị Tường Vy trao đổi với học sinh về tâm lý lứa tuổi
Buổi nói chuyện chuyên đề “Nói không với bạo lực gia đình” do Hội quán Các bà mẹ tổ chức mới đây đã cho thấy, hành vi bạo lực gia đình xuất phát từ những người đã có quãng tuổi thơ “sống chung” với bạo lực hoặc ảnh hưởng bởi trò chơi bạo lực, phim ảnh kích động.
Bạo lực vì game
Bà Lê Thị Ngọc Dung, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, trẻ có tuổi thơ sống trong hoàn cảnh bạo lực hoặc là nạn nhân của bạo lực, có hành vi bạo lực cao hơn nhiều so với trẻ sống trong môi trường gia đình êm ấm, hòa thuận. Trẻ sinh ra và lớn lên trong một gia đình thiếu vắng sự yêu thương, chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên thì có thể sinh ra tổn thương tâm lý và dẫn tới những phản ứng bạo lực, gây gổ, thù hằn ở trẻ. Cũng theo bà Dung, nguy cơ bạo lực đối với trẻ em xuất phát từ quan hệ bạn bè, gia đình như bị bạn ức hiếp, bị cha mẹ dọa đánh… Khi trẻ bị uất ức, dồn nén lâu ngày sẽ là nguyên nhân dẫn đến không kiểm soát được hành vi của mình.
Một nguyên nhân nữa khiến trẻ hung hăng, có cách hành xử bạo lực với người xung quanh là những hình ảnh kích động, bạo lực từ phim ảnh, các trò chơi trực tuyến. “Các em còn bị tác động mạnh bởi phim ảnh bạo lực, game online bạo lực, kích động rồi dần sống theo nhân vật bạo lực”, bà Dung khẳng định. Trường hợp em Trịnh Thanh Tú (1990) ngụ Bàu Bàng, Bình Dương là một ví dụ. Tú bỏ dở việc học khi vừa hoàn thành chương trình lớp 6. Thời gian này Tú lao vào trò chơi điện tử như con thiêu thân. Bị ảnh hưởng từ trò chơi bạo lực, lần về nhà được cha mẹ khuyên bảo, Tú đáp trả bằng tay, chân khiến cha mẹ phải nhiều lần chạy kêu cứu. Những lúc say xỉn, Tú còn đánh cả mẹ và đứa em trai khuyết tật đến chấn thương nặng.
ThS. tâm lý Võ Thị Tường Vy (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cảnh báo: “Chính những tổn thương trong các em từ việc bị chửi mắng, áp lực học tập, điểm số… dẫn đến chán nản, mệt mỏi, từ đó bộc phát những lời nói, hành vi thiếu kiểm soát. Hơn nữa, một nguyên nhân khác dễ ngăn chặn mà chính người lớn chúng ta không mấy quan tâm đó là các em đang độ tuổi “nổi loạn”, có xu hướng tự khẳng định mình và thể hiện hình ảnh của mình bằng các hành vi gây hấn, bạo lực.
Hình thức phạm tội nặng nhất
BS. Lê Minh Công, Bệnh viện Tâm thần TW2 cho biết, tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng nặng nề nếu hành vi bạo hành mang tính lịch sử gia đình, nghĩa là cha mẹ bị bạo hành và để lại di chứng, thương tích hoặc con cái bị chính cha mẹ bạo hành. Con số trẻ tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình ngày một tăng, nguyên nhân chủ yếu là do áp lực về tâm lý mà bản thân trẻ không được trang bị kỹ năng cũng như không có ai đồng hành vượt qua sang chấn tâm lý ấy.
TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM chia sẻ: “Nếu coi bạo lực trẻ em là hành vi vô nhân đạo nhất thì cũng phải coi đó là một hình thức phạm tội nặng nhất vì đã làm tổn thương đến tinh thần và thể chất của một bộ phận chủ nhân tương lai của đất nước. Tuy nhiên, khi trừng phạt những hành vi bạo hành trẻ em cần phân biệt nó với những hành vi giáo dục con cái theo quan niệm “thương cho roi cho vọt”. Nếu đánh đồng hai khái niệm này và lạm dụng pháp luật, tức là yếu tố luật pháp can thiệp quá nhiều vào quan hệ gia đình thì hậu quả của nó có thể là làm tổn thương những giá trị văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam”.
Trước thực trạng bạo lực gia đình ngày càng tăng, bà Dung cho rằng các bậc phụ huynh cần được trang bị kiến thức về tâm lý lứa tuổi, từ đó có những kỹ năng hỗ trợ con vượt qua cú sốc tâm lý. Làm chủ cảm xúc, nhận thức đúng vấn đề sẽ giảm nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.
Bài, ảnh: Trần Anh
Hành vi bạo lực có thể đi tù
Theo luật sư Trần Thảo Uyên (Đoàn luật sư TP.HCM) thì hành vi cố ý có thể gây tổn hại hoặc có khả năng tổn hại về thể chất, tinh thần… của một thành viên với thành viên khác trong gia đình được xem là hành vi bạo lực gia đình. Khi bị bạo hành, nạn nhân có thể trình báo tại UBND hoặc công an phường (xã), yêu cầu xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Bị hại cũng có thể liên hệ hội phụ nữ, các điểm tham vấn tại địa phương nhờ can thiệp cũng như hỗ trợ các thủ tục pháp lý.Nếu hành vi bạo lực chưa gây hậu quả nghiêm trọng và chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chỉ bị xử phạt hành chính (phạt tiền và các biện pháp ngăn chặn khác) với mức phạt tiền từ 100.000-2.000.000 đồng. Đối với hành vi có tính chất nghiêm trọng, cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự theo điều 104 Bộ luật Hình sự, về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác. Hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn nếu cấu thành tội hành hạ người khác theo điều 110 hay tội bức tử – điều 100 của Bộ luật Hình sự. 
 
 

Bình luận (0)