Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), nhiều hoạt chất, hóa chất tồn dư trên nông sản thực phẩm đã bị phát hiện; đa số các mẫu thịt, phụ phẩm động vật được kiểm tra đều nhiễm khuẩn vượt mức cho phép…
Tại hội thảo “Đảm bảo an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 12/11, Cục Thú y cho biết: Tình trạng nhiễm khuẩn trong các mẫu thịt gia súc, gia cầm vẫn rất đáng lo ngại.
Cụ thể, sau 4 đợt thanh kiểm tra tại 11 tỉnh-thành, chiếm tỉ lệ lớn trong số 820 mẫu thịt, phụ phẩm động vật thanh tra thu thập không đạt về E.coli và Salmonella; nhiều mẫu phát hiện dư lượng kháng sinh Tetracycline cao hơn mức cho phép. Đặc biệt, đã phát hiện chất tồn dư Salbutamol, một chất từ lâu đã bị cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.
Thiếu an toàn trong mỗi bữa ăn của người dân vẫn đang là nỗi nhức nhối (Ảnh minh họa: T.Trầm)
Bên cạnh đó, tình trạng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng cũng đang diễn ra ở mức báo động. Trong 9 tháng qua, Việt Nam đã nhập gần 70.000 tấn thịt, phụ phẩm đông lạnh. Trong đó có gần 800 tấn thịt, phụ phẩm bị ô nhiễm vi sinh vượt quá giới hạn cho phép, có nhiều tạp chất, buộc phải tái xuất. Điển hình là hàng trăm tấn thịt đông lạnh nhập khẩu hết hạn sử dụng của công ty Vinafood do Chi cục Thú y TPHCM phát hiện ngày 16/7; 6 tấn thịt gà xay nhập khẩu hết hạn sử dụng, gần 27 tấn thịt bò và gà xay đông lạnh của Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam bị nhiễm khuẩn E.Coli và Coliform từ 2,4-10 lần cho phép… do Chi cục Thú y Bình Dương phát hiện ngày 14/8…
Cũng tại hội thảo, đại diện Cục quản lý nông lâm sản tiếp tục đưa ra những thông tin buồn: Trong quá trình kiểm tra, giám sát VSATTP thời gian qua, thanh tra đã phát hiện nhiều vi về phạm về an toàn nông sản thực phẩm; đã phát hiện nhiều hoạt chất, hóa chất tồn dư trên nông sản thực phẩm vượt ngưỡng cho phép.
Trước những mối hiểm họa đe dọa sức khỏe của xã hội, ông Nguyễn Văn Thuận, Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản đề nghị phải tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề trong quản lý các sản phẩm rau, thịt và thủy sản nội địa. Đối với sản phẩm rau nhất thiết phải chấn chỉnh việc sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách cho nông dân. Cùng đó cần sự vào cuộc của nhiều Bộ liên quan như: Y tế, Công thương…
Về các sản phẩm thịt ông Thuận nhận định, phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra giám sát đối với các cơ sở nhập khẩu sản phẩm đông lạnh và không thể để tình trạng không ít lò mổ mất vệ sinh vẫn ngang nhiên hoạt động như hiện nay.
P. Thanh- M. Anh/Dan tri
Bình luận (0)