Nhà trường và ngành giáo dục tìm hiểu mới vỡ lẽ: Nhân mùa hội Kỳ Yên, những người xa quê từ khắp nơi trở về vui chơi. Tan hội, họ túa đi các nơi làm ăn. Rất nhiều HS cũng quyết định bỏ học để đi theo những người này tìm việc làm giúp đỡ gia đình. Khi nhà trường hay tin HS nghỉ học, đến nhà vận động trở lại lớp thì mới biết các em không còn ở địa phương!
Vận động là chính
Hiện nay, Sở GD-ĐT Bạc Liêu đang tiến hành kiểm tra tình hình HS bỏ học ở các trường để có hướng khắc phục. Ông Trác Văn Đây, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu, cho biết: “Để ngăn chặn tình trạng bỏ học của HS, chúng tôi đã chỉ đạo nhà trường cố gắng rà soát, tìm hiểu hoàn cảnh từng HS và gia đình để vận động đưa các em trở lại trường lớp”.
Tương tự, ở Quảng Ngãi, trước tình trạng HS bỏ học ngày càng gia tăng, chính quyền địa phương và ngành giáo dục cũng chọn cách vận động các em trở lại trường là chính.
Ông Thái Văn Đồng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, trăn trở: “Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng giáo dục trực thuộc cùng nhà trường tăng cường phối hợp với gia đình và các tổ chức xã hội kiểm tra, theo dõi, quản lý HS chặt chẽ hơn. Khi phát hiện HS nghỉ học, giáo viên nhà trường và cán bộ phòng giáo dục phải trực tiếp đến nhà động viên phụ huynh và các em trở lại trường”.
Khi tình trạng HS bỏ học lên mức báo động, cơ quan chức năng địa phương thường tìm cách vận động các em trở lại trường. Một nhà giáo tâm huyết ở An Giang băn khoăn: “Hầu như ngày nào giáo viên cũng đến từng nhà HS vận động phụ huynh cho các em trở lại trường, rồi trao tặng dụng cụ học tập, miễn giảm học phí…
Những biện pháp tức thời đó cũng đã phát huy hiệu quả phần nào nhưng chỉ mới giải quyết được phần ngọn của vấn nạn HS bỏ học. Để giải quyết tới nơi tới chốn vấn đề này, cần phải có cả một chương trình hành động dài hơi, trong đó việc khuyến học, khuyến tài và giải quyết an sinh xã hội là trọng tâm”.
Hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần
Các địa phương cũng nhìn nhận rõ việc vận động HS bỏ học trở lại trường lớp là hết sức gian nan và không mấy kết quả nên đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất cho các em nhằm ngăn chặn tình trạng này ngay từ khi nó chưa xảy ra.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, để khắc phục tình trạng HS bỏ học, ngành đã có giải pháp kéo giảm HS yếu kém; tăng cường sự hỗ trợ của cộng đồng giúp các em có hoàn cảnh khó khăn; tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của gia đình, xã hội đối với việc học; nâng cao chất lượng dạy và học, cải thiện điều kiện học tập cho HS; nghiên cứu “mềm hóa” chương trình học phù hợp với từng đối tượng HS, từng vùng; kiên quyết không để xảy ra tình trạng HS “lên lớp non” và nhanh chóng giải quyết dứt điểm tình trạng “ngồi nhầm lớp”…
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu Trác Văn Đây cho rằng một trong những biện pháp cần làm ngay là thống kê cụ thể số HS yếu kém để nhà trường có kế hoạch kèm cặp, phụ đạo.
“HS nào nhà xa trường, đi học khó khăn hoặc hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không đủ điều kiện đến lớp, ngành sẽ phối hợp với hội khuyến học và chính quyền địa phương hỗ trợ kịp thời quần áo, sách vở, xe đạp… Về phía nhà trường cũng phải thực hiện nghiêm túc các khoản thu, các chính sách miễn giảm học phí để động viên HS tiếp tục đi học. Ban đại diện cha mẹ HS và các đoàn thể cũng cần vào cuộc sâu hơn, phát huy tốt hơn nữa vai trò tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc học đến từng phụ huynh và HS” – ông Đây nhìn nhận.
Bỏ học để… lập gia đình !
Theo Sở GD-ĐT Đắk Lắk, kết thúc học kỳ 1 năm học 2009-2010, toàn tỉnh có 3.833 HS các cấp bỏ học, phần lớn ở bậc THPT và THCS.
Nguyên nhân chính khiến HS bỏ học chủ yếu là do gia đình và các em chưa xem trọng việc học hành, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, học sa sút và không theo nổi chương trình. Trong đó, đáng chú ý là có nhiều HS bỏ học để… lập gia đình! Tình trạng HS bỏ học để cưới vợ, lấy chồng cũng xảy ra ở nhiều nơi. Sở GD-ĐT Bạc Liêu cho biết vào mùa cưới, việc học của nhiều HS nữ ở tỉnh này bị bỏ ngang vì phải… lấy chồng theo quyết định của gia đình! L.Hồ – K.Châu
|
Bình luận (0)