Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Nhức nhối “điểm đen” TNGT: Kỳ 1: Xóa ít, mọc nhiều

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hàng rong bủa vây, lượng xe cộ lưu thông đông đúc khiến “điểm đen” ở ngã tư An Sương khó xóa
TP.HCM có mật độ dân cư đông  kéo theo lưu lượng xe cộ đông đúc khiến cho tình hình giao thông phức tạp. Tình trạng vi phạm ATGT, TNGT, đặc biệt ở các “điểm đen” thường gây thương vong về người và tài sản. Nhưng thật nghịch lý là “điểm đen” cứ xóa chỗ này lại mọc chỗ kia.
Tăng về số lượng
Sau nhiều năm tập trung thực hiện những giải pháp nhằm khắc phục nhưng cái vòng luẩn quẩn về tình trạng giao thông phức tạp vẫn chưa được cải thiện triệt để.
Đó là lý do mà Năm ATGT 2012 ra đời, để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác bảo đảm trật tự ATGT một cách bền vững. Trong năm ATGT này, một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra là xóa các “điểm đen” về TNGT. Hệ quả của Năm ATGT 2012 cho thấy đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này đã được minh chứng bằng các số liệu cụ thể. Năm 2013, toàn TP xảy ra gần 5.100 vụ TNGT, làm chết 773 người, bị thương hơn 4.500 người. So với cùng kỳ 2012, giảm lần lượt là 1.806 vụ, 46 người chết và 1.921 người bị thương.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu ứng tích cực thì “điểm đen” về TNGT lại tăng lên. Theo Ban ATGT TP, tính từ thời điểm của năm 2011, TP đã xóa được 11 “điểm đen” trong tổng số 14 điểm hiện có vào thời điểm đó, thì 21 “điểm đen” mới lại mọc lên, nâng tổng số “điểm đen” trên địa bàn TP là 24 điểm trên 23 tuyến đường. Tính đến thời điểm 2013, TP lại xuất hiện thêm 4 “điểm đen” mới nâng tổng số lên 28. Trong 6 tháng đầu năm 2014, 7 “điểm đen” được xóa, kéo giảm xuống còn 21 điểm. Nhưng cũng trong thời điểm này lại phát sinh thêm 4 “điểm đen” TNGT mới, nâng tổng số “điểm đen” trên địa bàn TP lên con số 25.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
4 “điểm đen” TNGT mới được phát hiện trong nửa năm qua là khu vực cầu vượt Cây Gõ – Hồng Bàng và giao lộ Hồng Bàng – Hoàng Lê Kha (quận 6), giao lộ quốc lộ 1 – đường nhánh R4 (quận Thủ Đức), vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2). Tại 4 “điểm đen” trên chỉ trong 6 tháng đã xảy ra 7 vụ TNGT, làm 8 người chết, 5 người bị thương. Trong đó có 3 vụ xe máy va chạm với xe container, hai vụ giữa xe máy và xe ô tô, 1 vụ va chạm giữa xe máy và xe buýt, 1 vụ va chạm giữa xe máy và người đi bộ.
Theo Ban ATGT TP, trong tổng số vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn TP.HCM thì những vụ tai nạn tại các “điểm đen” thường chiếm đến 50-70% số vụ. Nguyên nhân chủ yếu do người tham gia giao thông điều khiển phương tiện quá tốc độ, tránh và vượt sai quy định, say rượu bia, xử lý tình huống kém. Ngoài ra còn do một số nguyên nhân như số lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn, kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, cung đường có vòng cua gấp, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường bát nháo, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao…
Bên cạnh những “điểm đen” TNGT mới này, 5 “điểm đen” cũ đáng phải kể đến cùng nằm trên một tuyến đường là các “điểm đen” hiện trên quốc lộ 1 từ Hồ Ngọc Lãm đến ngã tư An Sương. Khoảng cách giữa hai điểm này chỉ dài 13km, nhưng trong 3 năm qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khiến 13 người tử vong. Trong đó, “điểm đen” có nhiều trường hợp thương vong nhất là đoạn giao lộ quốc lộ 1 – quốc lộ 22 (ngã tư An Sương) khiến 4 người tử vong và 1 người bị thương.
Lý giải về tình trạng “điểm đen khó xóa”, ông Nguyễn Văn Tuy, một người dân ngụ gần cầu vượt An Sương bức xúc: “Mỗi ngày lòng lề đường tại giao lộ này ít nhất cũng có đến 20 xe hàng rong, xe ôm, chưa kể những hộ dân tận dụng hết vỉa hè để bán xe máy, bán thức ăn, xe nước mía… cộng thêm mật độ xe cộ lúc nào cũng đông đúc, người lưu thông lại kém trong việc giữ khoảng cách an toàn khi lưu thông, nên chuyện va quẹt xảy ra thường ngày. “Điểm đen” vì thế mà chẳng thể xóa được”.
Theo quan sát của chúng tôi thì bức xúc của ông Tuy là có cơ sở. Vào lúc 13 giờ ngày 22-10, tại chân cầu vượt An Sương cho dù có 3 CSGT trực làm nhiệm vụ, nhưng ở các hướng lưu thông khu vực gần chân cầu vẫn có nhiều trường hợp lưu thông ngược chiều, xe ôm dừng đậu đón khách và phần lòng lề đường bị lấn chiếm bởi cơ man nào là xe hàng rong với đủ loại hàng kinh doanh như nước ngọt, bánh mì, hồng dòn… ngay bên cạnh tấm bảng hình chữ nhật màu xanh với dòng chữ trắng có nội dung: “Khu vực nghiêm cấm buôn bán, đậu xe”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Trưởng ban ATGT TP.HCM, 70% số vụ TNGT tại các “điểm đen” là do ý thức của người tham gia giao thông gây ra. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan về một số bất cập của hạ tầng giao thông hoặc tổ chức giao thông.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)