Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhức nhối nạn nạo phá thai ở giới trẻ: Bài 1: Nỗi đau theo suốt cuộc đời

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa và Gia đình, mỗi năm nước ta có khoảng 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai (NPT), trong đó 20% ở lứa tuổi vị thành niên. Riêng tại TP.HCM, nơi tập trung số lượng các bạn trẻ sinh sống và học tập đông đảo nhất hiện nay cũng là nơi có số lượng công nhân và học sinh, sinh viên NPT nhiều nhất cả nước. Nguyên nhân vì đâu?
“Tại anh tại ả, tại cả đôi bên”
Lặn lội từ Nghệ An vào Sài Gòn để báo cho T. (sinh viên năm 3 Trường ĐH Kinh tế) biết mình đã có thai, H. được T. “quẳng” vào phòng nghỉ và… bỏ mặc ở đó suốt mấy ngày. Hoảng sợ, H. chỉ biết ngậm ngùi khóc và muốn chết đi cho rồi. Cuối cùng, T. cũng xuất hiện nhưng ngay lập tức anh chàng lạnh lùng đưa ra quyết định cho số phận “đứa con” của hai người: “bỏ đi chứ còn gì nữa, mình là sinh viên lấy gì mà nuôi”. H. và T. yêu nhau đã 5 năm. Dịp về quê ăn tết cùng gia đình, T. đã “đánh cắp” đời con gái của H. Đến khi T. vào Sài Gòn học, H. mới biết mình đang mang giọt máu của anh. Giờ đây, trước quyết định như “đinh đóng cột” của T., H. không còn cách nào khác là “giải quyết” cái thai, dù cô cảm thấy vô cùng cay đắng. Khi mọi chuyện dường như đã lắng xuống, T. mới tâm sự: “Dẫn người yêu vào bệnh viện làm chuyện đó xong, mình sợ quá không dám nhìn mặt H. nữa. Sau khi dẫn cô ấy về nơi trọ, mình “trốn” luôn, không dám đến nhà nghỉ đó nữa mà chỉ gọi điện cho cô bạn thân của hai đứa cũng ở trong này đến chăm sóc cho cô ấy. Mình rất hiểu những mất mát của cô ấy, nhưng chuyện học còn dở dang, làm sao dám nghĩ đến việc đèo bòng vợ con…”.
Một ca nạo phá thai. Ảnh: I.T
Biết bao cô gái đã lâm vào hoàn cảnh như H. và họ phải một mình chịu đựng nỗi đau. Cứ tưởng với những lỗi lầm như vậy, các cô gái trẻ, đặc biệt là giới sinh viên sẽ tránh lặp lại, nhưng thực tế không phải vậy. Không ít người dại dột phải đi phá bỏ lần hai, lần ba, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Trong vai một người đồng cảnh ngộ, tôi ngồi tâm sự với C. (SV năm 2, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) trong lúc chờ đến lượt “giải quyết hậu quả” tại hành lang Bệnh viện Từ Dũ. C. cho biết mình đi phá thai lần này đã là lần thứ 3. Hỏi lý do, C. chỉ trả lời ngắn gọn: “Em thương anh ấy quá chị ơi!”. Nhìn gương mặt còn trong sáng, ngây thơ của C., tôi không khỏi ngậm ngùi.
Bác sĩ Dương Phương Mai, Trưởng phòng Kế hoạch Bệnh viện Từ Dũ cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2009, bệnh viện đã tiến hành 18.741 ca nạo phá thai, trong đó số lượng người chưa lập gia đình chiếm hơn 80%.
Một lần phạm sai lầm để rồi phải chịu nỗi đau tinh thần suốt cả cuộc đời. N.H, sinh viên năm 2 Trường ĐH Văn Hiến đêm nào cũng giật mình tỉnh dậy và khóc. Cô thường xuyên gặp ác mộng, thấy tà áo trắng của bác sĩ chuẩn bị cướp đi đứa con trong bụng của mình. “Em đã giết con mình, em là người có tội”. Và cứ thế, đã hơn một tháng kể từ khi vứt bỏ đứa con, đêm nào cô cũng khóc. Nỗi đau đó có lẽ sẽ theo cô mãi mãi.
NPT có phải là giải pháp tối ưu?
Tước bỏ đi mạng sống của chính đứa con mình, các nữ sinh viên không chỉ phải chịu nỗi đau về thể xác mà còn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Mặc dù hiện nay NPT được thực hiện với nhiều phương pháp và công nghệ tiên tiến hơn nhưng không phải ca NPT nào cũng đạt an toàn tuyệt đối.
Bước chân vào bệnh viện để tiến hành NPT, các bác sĩ thường đưa cho người phụ nữ một bản cam kết trong đó ghi những vấn đề có thể gặp phải trong và sau khi NPT để họ ký cam kết. Trong quá trình NPT, có thể gặp các tai biến do dùng thuốc gây mê, gây tê hoặc dị ứng thuốc, đau choáng, xuất huyết âm đạo, thủng tử cung… Ngoài ra, họ có thể gặp những biến chứng như rong huyết, băng huyết, nhiễm trùng, sót nhau, sót thai, dính buồng tử cung… Cùng với nỗi đau về tinh thần, ở bệnh viện về gần cả tuần rồi mà L. (SV Đại học Hồng Bàng) vẫn cảm thấy mệt mỏi, cả thân người không thể lê dậy nổi. Hễ ngồi dậy là cô thấy choáng váng nhưng cũng không dám nhờ bạn cùng phòng đưa đến bệnh viện vì sợ mọi người biết cô vừa đi phá thai về. Nằm ở nhà dưỡng bệnh mà đầu óc cô không thoát khỏi lo lắng, không biết có bị biến chứng gì, có bị vô sinh hay không…
Hiện nay, nguy cơ vô sinh ở NPT không còn nhiều nhưng những trường hợp này vẫn có thể xảy ra. Nguyên nhân chính dẫn đến vô sinh, theo bác sĩ Dương Phương Mai là do nhiễm trùng tử cung, phần phụ như viêm mạc tử cung, viêm nhiễm vòi trứng mà không xử lý kịp thời. Chị N.D, lấy chồng hơn 5 năm mà vẫn chưa có con. Bố mẹ chồng sốt ruột, liên tục hối thúc hai vợ chồng phải đến bác sĩ này, bác sĩ nọ. Nghe ở đâu có phương thuốc đông y nào hay là hai ông bà lại tìm bằng được để mua về cho con dâu uống mong có đứa cháu vui cửa vui nhà. Thật ra, hai anh chị đã giấu gia đình một “bí mật”. Hồi còn yêu nhau, anh đã lỡ làm chị mang thai và buộc phải tước bỏ đứa bé vì cả hai đang là sinh viên. Sợ gia đình, bạn bè biết chuyện nên hai người không dám vào bệnh viện lớn, chỉ đến một trung tâm nhỏ để giải quyết. Chẳng may, được mấy ngày về nhà, chị bị băng huyết phải đến bệnh viện, và cuối cùng bác sĩ kết luận chị có nguy cơ bị vô sinh. Đau khổ, dằn vặt, chị ngất lên ngất xuống mấy ngày trời. Những tưởng ra trường hai người sẽ chia tay, nhưng anh là một người sống có trách nhiệm. Cưới chị xong, anh tìm mọi cách chạy chữa cho vợ nhưng kết quả dường như trở nên vô vọng… Đây không chỉ là trường hợp riêng chị mà còn rất nhiều bạn trẻ khác đang phải đối mặt.
Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)