Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhức nhối nạn xâm hại tình dục trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ em ở ĐBSCL có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao nhất nước (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Thời gian vừa qua có nhiều vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em đặc biệt là xâm hại tình dục. Để tìm ra những giải pháp cho vấn đề này, ngày 2-12, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức Hội thảo bảo vệ quyền của người chưa thành niên trong quá trình tố tụng hình sự với sự tham gia của các đại biểu đến từ các bộ, ban ngành liên quan.
Trẻ ngơ ngác trước “yêu râu xanh”
Chỉ có 75% học sinh nữ và 25% học sinh nam biết phản đối một cách thụ động khi bị quấy rối, lạm dụng tình dục (TD). Và thực tế nhiều em lúc đầu phản đối nhưng sau đó lại trở thành tòng phạm. Đó là kết quả khảo sát của gần 320 học sinh lớp 10, 11 của 3 trường tại Hà Giang, Quảng Ninh và TP.HCM đã tham gia khảo sát “Phòng chống quấy rối, lạm dụng TD và nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cho học sinh THPT”. TS. Trịnh Thị Bích Liên, phụ trách Phòng Phụ nữ Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: “Tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, tình trạng quấy rối, xâm hại TD trẻ em nói chung và trẻ vị thành niên nói riêng đang ngày một gia tăng. Nhưng điều đáng báo động là các em vẫn còn thiếu hiểu biết về vấn đề này”. Mặt khác, ở tuổi 16-18, cả trẻ em nam và nữ đều bắt đầu có xúc cảm thân thể tương đối rõ, có ám ảnh về TD, nhưng các em lại rất thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, khi bị quấy rối, lạm dụng TD thì không biết phòng vệ. Trong khi, phần lớn “yêu râu xanh” lại là người hàng xóm của bé gái (chiếm 54,8%), tiếp theo là người không quen biết với gia đình và trẻ (35,5%), sau đó là bạn cùng trang lứa cùng học, cùng tuổi (12,9%) và có cả người trong gia đình bé gái (9,7%). Theo TS. Liên, lý do của tình trạng trên là ngay cả cha mẹ, như thầy cô giáo cũng thiếu nhận thức về những nguy cơ này, thậm chí không nghĩ đến chuyện dạy trẻ phòng tránh. Trong khi đó, ở độ tuổi vị thành niên, “Những chuyện đau buồn, rủi ro các em đều giấu kín. Khi bị ép buộc quan hệ TD thì có đến 70% trẻ chưa bao giờ nói điều đó với ai, chỉ rất ít (khoảng 10%) nói với mẹ hoặc thầy cô giáo”, chị Liên cho biết.
Những con số đau lòng
Theo ông Lê Văn Minh, Vụ Thống kê – Tổng hợp, Tòa án Nhân dân tối cao, trong thời gian từ 1-1-2009 đến 30-9-2010, chỉ tính riêng các vụ án xâm hại trẻ em theo các tội danh tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự mà Tòa án Nhân dân đã xét xử là 1.921/2.120 vụ án với 2.206/2.459 bị cáo phải giải quyết. Trong số này, nhóm tội xâm phạm về TD chiếm tỷ lệ cao nhất 95%. Báo cáo của Bộ Công an cũng thấy rõ điều này. Đại tá Nguyễn Chí Việt, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết 6 tháng đầu năm 2010 phát hiện 704 vụ xâm hại trẻ em. Trong đó có tới 255 vụ hiếp dâm trẻ em, 146 vụ giao cấu với trẻ em. Đặc biệt, theo Đại tá Việt, ở khu vực phía Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ trẻ em bị xâm hại TD lớn nhất cả nước. Ông cho biết, ở một số trại giam có tỷ lệ đối tượng hiếp dâm lên đến 70%. Qua kinh nghiệm và hồ sơ vụ án, Đại tá Việt cho rằng nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau lòng ở khu vực này phần lớn đều liên quan đến uống rượu.
“Tình dục” đang trẻ hóa
Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng cho thấy, số lượng trẻ em bị xâm hại TD có xu hướng tăng nhanh và độ tuổi bị xâm hại ngày càng thấp. Cụ thể, năm 2005, cả nước có 200 em bị xâm hại TD nhưng đến năm 2008, con số này đã là 1.427 em. Như vậy, chỉ sau 3 năm, số lượng trẻ bị xâm hại TD đã tăng gấp hơn 7 lần. Năm 2009, con số này giảm xuống còn 833 em nhưng tới năm 2010 lại tiếp tục tăng, ước tính là 900 em. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải Hữu (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, đó chỉ là con số trình báo còn thực tế lớn hơn nhiều do các vụ xâm hại bị che giấu do tâm lý mặc cảm của gia đình nạn nhân hoặc sự dàn xếp thỏa thuận giữa hai bên. Kết quả khảo sát trẻ em bị xâm hại TD, khu vực có số trẻ bị xâm hại nhiều nhất là 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, từ năm 2009 đến tháng 6-2010, cho thấy số trẻ dưới 6 tuổi chiếm 13,5%, từ 6 đến dưới 13 tuổi chiếm 37,2%, từ 13 đến 16 tuổi chiếm 49,3%.
Ở một góc độ khác, trẻ em ngày nay rành rẽ thế giới mạng từ sớm, mẫu giáo đã biết vào Google tìm game chơi, vào tiểu học có thể chat thành thạo, lên cấp 2 đã rành rẽ Facebook, Twitter… Và những điều ở trường hỏi thầy không giải đáp được, ở nhà hỏi bố mẹ không trả lời được, các em vào “mạng” là có ngay, kể cả hình ảnh và phim minh họa. Hậu quả xấu đem lại là tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên của ta vào hàng cao nhất thế giới. Các vụ án cưỡng dâm, hiếp dâm ở tuổi vị thành niên, các bệnh lây truyền qua đường TD như HIV/AIDS gia tăng. Sống thử trước hôn nhân khá phổ biến. Sử dụng sextoy, búp bê TD, thủ dâm bừa bãi tổn hại sức khỏe, gây bệnh tật… Theo nhận xét của Google, tỷ lệ truy cập vào các website TD ở nước ta là cao nhất thế giới. Bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng trầm trọng là do Việt Nam còn thiếu những quy định pháp lý cụ thể về vấn đề này. “Thời gian qua, Việt Nam đã có thêm rất nhiều bổ sung tốt cho hệ thống pháp luật nhưng mới ở mức chung. Cần cụ thể, chi tiết hóa các khái niệm bạo lực, xâm phạm trẻ em, đặc biệt là với những hành vi ở dưới mức vi phạm chưa được quy định rõ ràng, ví dụ như việc khiêu dâm trước mặt trẻ thì có là xâm hại hay không…”. Bà Loan cho rằng, khi có những quy định cụ thể, người dân sẽ phải ý thức hơn về các hành vi của mình đối với trẻ để tránh vi phạm pháp luật.
Quấy rối, lạm dụng TD gây ra hậu quả khác nhau với từng trẻ, có thể gây ra sự xáo trộn tâm lý tạm thời như: xấu hổ, sợ hãi, lo lắng, không tin tưởng vào người lớn… hoặc dẫn đến những hậu quả lâu dài như trẻ sẽ sống thu mình hay gây gổ quá mức, lạm dụng rượu hay ma túy, bỏ nhà… Trẻ cũng có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, bị ám ảnh, rối loạn tâm thần và tự sát.
Nghiêm Huê

Trung tâm CSAGA đã xây dựng một bộ tài liệu hướng dẫn về phòng chống, quấy rối, lạm dụng TD cho học sinh THPT. Tài liệu gồm 12 bài giảng nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về giới tính, TD, quấy rối, lạm dụng TD và 5 bài nhằm trang bị những kỹ năng phòng chống quấy rối, lạm dụng TD. Theo TS. Trịnh Thị Bích Liên, dự kiến chương trình sẽ được áp dụng trong nhà trường từ năm học 2011 – 2012. Và để tránh những câu chuyện đau lòng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu thì việc giáo dục giới tính với một cái nhìn nghiêm túc về vấn đề này không bao giờ là quá muộn…

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)