Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhức nhối tệ nạn ở chốn tôn nghiêm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bài 2: Cướp giật, móc túi, dịch vụ “chặt” “chém” vào mùa

Lợi dụng người hành hương đổ về chùa vào dịp đầu năm, bọn trộm cướp ngày càng tung hoành. Ảnh: Thanh Tú

Vào những ngày đầu năm, lợi dụng chốn đình, chùa… đông người, bọn trộm cướp khắp nơi đổ về những nơi này “hành nghề”, từ móc túi đến cướp giật. Các dịch vụ ăn theo tại khu vực này cũng đua nhau “chặt” “chém” khiến nhiều người dân đến chốn tôn nghiêm nhưng luôn mang tâm trạng thấp thỏm lo âu…
Cảnh giác trộm, cướp
Tay ôm đứa nhỏ, chị hớt hải chạy hết chỗ này đến chỗ khác để mong tìm lại chiếc giỏ sách vừa bị bọn “hai ngón” cuỗm mất. Chạy quanh quẩn một vòng chị đành ngồi bệt xuống đường khóc lóc. Hỏi mới biết chị tên Hồng Phượng, nhà ở khu phố 4, P. Phước Long B, chị vừa gửi xe tính vào chùa Một Cột (Q. Thủ Đức) thắp nhang đầu năm nơi cửa Phật, vừa để chiếc giỏ sách xuống để trở tay bồng đứa nhỏ, rờ xuống thì túi đã bị mất. Trong túi có chiếc điện thoại mới mua hơn 2 triệu và gần 3 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều giấy tờ cá nhân. Cũng như chị Phượng, anh Vũ Thành Minh (28 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh), người anh đầm đìa mồ hôi, đi tìm bảo vệ chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3) để báo mất bóp. Anh cho biết: “Đầu năm đi chùa cầu an, chưa thắp được nén nhang đã bị mất của. Tôi có ngờ đâu mình lại bị mất cắp ở nơi tôn nghiêm thế này, mặt khác chùa này thường có lực lượng an ninh bảo vệ rất tốt nên không đề phòng, thiệt xui quá”.
15 giờ ngày 5-2, tại công an phường 1, Q. Bình Thạnh, anh T.V.M (30 tuổi) với nét mặt bất thần vào trình báo với công an phường vì vừa bị bọn cướp giật mất chiếc máy hình ngay tại cổng Lăng Ông Bà Chiểu. “Tôi thấy xung quanh khu vực Lăng Ông tình trạng sách bói toán, rồi người chơi bài tràn lan trên vỉa hè, rất nhếch nhác trước cửa lăng, tính chụp mấy tấm hình. Không ngờ vừa rút máy hình ra chưa kịp chụp thì bị một tên chạy xe gắn máy từ phía sau trờ tới giật rồi rồ ga chạy mất. Tôi chỉ còn biết truy hô nhưng cũng không ăn thua gì”, anh M. cho biết. Anh Trung, người chạy xe ôm lâu năm tại khu vực Lăng Ông chia sẻ: “Tại đây nạn cướp giật diễn ra hàng ngày, nhất là vào những ngày đầu năm nhiều người đến Lăng Ông thắp nhang. Bọn cướp giật chủ yếu là dân nghiện hút hay sống lang thang làm liều nên các lực lượng an ninh cũng rất khó bắt”.
Tại chùa Bà (Bình Dương), nạn móc túi với hình thức ngày càng tinh vi, phức tạp và hoạt động có tổ chức. Anh Thăng Bình, nhà quận 3 TP.HCM, vào khai báo với ban tổ chức chùa Bà vì bị kẻ gian móc túi lấy bóp. “Tôi biết vào ngày 14 -15 (âm lịch) chùa Bà đông người nên tranh thủ đi trước. Nhưng tôi chưa kịp thắp nhang thì phát hiện bóp đã bị móc”, anh Bình phân trần. Một nhân viên trong ban tổ chức lễ hội vừa ghi thông tin của anh vào tờ giấy có sẵn vừa nói. “Hiện nay chùa Bà rất nhiều người hành hương đổ về đây, lợi dụng sự sơ hở của khách nhiều nhóm móc túi đã “ra tay”. Giờ cao điểm cứ khoảng nửa tiếng là có người đến trình báo bị kẻ gian móc túi”.
Theo ban tổ chức lễ hội chùa Bà (Bình Dương) vừa qua lực lượng an ninh đã bắt được một băng nhóm trộm, tạm trú tại một khách sạn ở thị xã Thủ Dầu Một, đang móc túi khách hành hương. Cơ quan công an đã thu giữ đồ “hành nghề” và nhiều tang vật khác. Đây chỉ là một trong số nhiều băng nhóm trộm cắp chuyên nghiệp từ nơi khác đến chùa Bà “hành nghề” vào mùa lễ hội này. Ngoài ra khu vực chùa Bà Tây Ninh, tình trạng chen lấn mua vé đi cáp treo lên núi, khiến tình trạng móc túi thừa cơ ra tay, không ít khách thập phương dở khóc dở cười vì bị bọn xấu lấy hết tiền bạc.
“Chặt” “chém” ở khu vực đình, chùa…
Vào những ngày rằm tháng giêng này, trước cổng hay những con đường dẫn vào chùa, đình, miếu… xuất hiện nhiều điểm giữ xe ôtô, xe gắn máy, dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống sẵn sàng “chặt đẹp”; các điểm kinh doanh nhang đèn, hàng mã cũng thừa cơ… hét giá lên cao. Khiến người hành hương hướng Phật chỉ biết bấm bụng cam chịu…
Chị Đoàn Thị Ngọc Lan – du khách ở quận 9, TP.HCM phàn nàn: “Đi chùa Bà Đen vào đầu năm đã trở thành thông lệ của gia đình tôi, nhưng chưa năm nào lại gặp nhiều cảnh bực mình như năm nay. Gửi xe ô tô thì 30 ngàn đồng/một chiếc, mua nhang đèn, bông hoa vào cúng Bà thì giá… trên trời. Khổ nhất vẫn là cảnh chạy theo chèo kéo, năn nỉ, không được thì văng tục. Không mua thì sợ bị gây sự. Mua thì được người nọ lại mất người kia cũng dễ xảy ra xích mích… Tôi nghĩ ban tổ chức phải kịp thời chấn chỉnh ngay, để du khách như chúng tôi đi chùa thanh thản không phải lo âu”.
Theo quy định của UBND tỉnh Bình Dương giá xe gửi là 2 ngàn đồng/xe gắn máy, 10 ngàn đồng/xe ô tô, nhưng nhân viên giữ xe chùa Bà (Bình Dương) ra giá: “Mỗi chiếc xe gắn máy 10 ngàn đồng, gửi thêm mũ bảo hiểm xin thêm 2 ngàn đồng nữa”. Điều dễ nhận là tất cả các bãi giữ xe không niêm yết giá. Dịch vụ giữ xe ôtô cũng lấy giá cao, anh Trần Hùng Quang, đưa gia đình đi lễ chùa Bà, gửi xe trên đường Yersin, phân bua: “Tôi đậu nửa tiếng bị lấy giá 30 ngàn đồng.. Nhân viên thu phí giữ xe ôtô nói phí do ban tổ chức quy định(!?)
Đối với dịch vụ nhà nghỉ tại khu vực chùa Bà (Bình Dương), chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM), chùa Bà Đen (Tây Ninh)… vào ngày bình thường chỉ 60 ngàn đến 100 ngàn đồng/phòng nghỉ qua đêm, nhưng hiện tại các chủ dịch vụ đã được “đẩy” lên 100 ngàn đến 300 ngàn đồng/phòng/đêm. Các cơ quan chức năng trên địa bàn cho biết sẽ thành lập đoàn kiểm tra các dịch vụ xung quanh chùa, tránh tình trạng chặt chém khách thập phương. Tuy vậy, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Minh Quang, Phó chủ tịch UBND phường Phú Cường, Phó ban tổ chức lễ hội chùa Bà cho biết: “Đối với các cơ sở có đăng ký kinh doanh thì kiên quyết kiểm tra xử lý, khó khăn là những người bán buôn nhỏ lẻ bởi khi lực lượng kiểm tra có mặt thì họ tỏ ra buôn bán rất đàng hoàng nhưng khi vắng bóng các lực lượng chức năng thì việc buôn bán xô bồ, mất trật tự, quấy nhiễu du khách”.
Đầu năm người dân đi lễ chùa ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là một nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng người Việt Nam. Các ngành chức năng và chính quyền các cấp ở những khu vực có nhiều người hành hương, sớm chấn chỉnh các tệ nạn trộm cướp và các dịch vụ ăn theo, đừng để những cảnh tượng tiêu cực làm xấu đi nét văn hóa vốn tốt đẹp từ ngàn xưa.
Văn Mạnh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)