Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhức nhối tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

 

Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD). Nhiều nạn nhân trong số đó đã phải làm mẹ ở  tuổi 12-13. Đây là một vấn đề nhức nhối và gây bức xúc trong dư luận xã hội…
Làm sao để trẻ được an toàn? làm sao để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân?… là những vấn đề được mổ xẻ tại hội thảo: “Phòng chống XHTD trẻ em” do Ban Văn hóa Xã hội (HĐND TP) và Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM tổ chức ngày 27-6 vừa qua.
“Yêu râu xanh” xuất hiện ở nhiều nơi
Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), năm 2011 cả nước có 1.640 trẻ em bị XHTD, trong đó các địa bàn trọng điểm là Hà Nội, Sơn La, Bình Định, Đồng Nai, An Giang… Tại TP.HCM, từ đầu năm 2010 đến tháng 6-2012, toàn TP có 145 trường hợp bị XHTD (144 nữ và 1 nam). Trong đó, năm 2010 có 45 trường hợp, năm 2011 có 76 trường hợp và 6 tháng đầu năm 2012 có 23 trường hợp. Tuy vậy, theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì đây chỉ là những con số rất nhỏ so với thực tế.
Tệ nạn XHTD trẻ em xảy ra nhiều ở những khu vực có đông dân nhập cư như huyện Bình Chánh (38 trường hợp), huyện Củ Chi (35 trường hợp), Q.Thủ Đức, Q.Bình Tân…
Bà Nguyễn Thị Hồng Phí – Phó phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi – cho biết: “Năm 2011, Củ Chi xảy ra 20 vụ XHTD trẻ em. Trong đó có 6 trường hợp xảy ra tại nhà, 2 trường hợp xảy ra tại khu vực vắng vẻ, còn lại 12 vụ xảy ra tại các nhà nghỉ. Sáu tháng đầu năm 2012 xảy ra 4 vụ với 6 trẻ em bị XHTD – 4 em bị xâm hại tại khu đường vắng và 2 em bị tại nhà. Kẻ xâm hại không chỉ là bạn của nạn nhân mà còn là hàng xóm, người lạ dụ dỗ, thậm chí là người thân trong gia đình (1 trường hợp là cha dượng, 1 trường hợp là bạn của cha, 1 trường hợp ở chung nhà). Còn nạn nhân, ngoài trẻ đã nghỉ học, còn có học sinh tiểu học, THCS, trẻ mầm non”.
Nói về những vụ án XHTD trẻ em, Thượng tá Lê Ngọc Phương – Phó phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP.HCM) – kể lại: “Lúc 20 giờ ngày 2-7-2011, tại ấp 3 xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, cháu P.T.T.N (SN 2003) đang ở nhà một mình thì bị tên Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1996) tạm trú cùng địa chỉ trên hiếp dâm. Một vụ án khác xảy ra vào lúc 9 giờ ngày 15-4-2012 tại ấp 4 xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi. Lúc đó cháu T.T.T.T (SN 2008) ở nhà một mình thì bị tên Nguyễn Văn Hiếu (SN 1994), là hàng xóm vào nhà hiếp dâm. Cũng có những em bị XHTD cả hàng chục lần trong nhiều năm mà không dám nói ra…”.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Trung bình mỗi năm Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM tiếp nhận từ 150 đến trên 200 nạn nhân bị XHTD. “Trong quá trình tiếp xúc với các nạn nhân, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân trẻ bị XHTD phần lớn là do cha mẹ gửi con cho người quen để đi làm, để con ở nhà một mình…”, bà Đinh Nguyễn Thiên Kim – Phó giám đốc trung tâm – cho biết.
Thượng tá Lê Ngọc Phương đưa ra dẫn chứng: “Có trường hợp, hai mẹ con ở quê lên TP. Hàng ngày người mẹ đi làm gửi con cho nhà hàng xóm. Thật không ngờ nhà hàng xóm lại có một người đàn ông không có công ăn việc làm, suốt ngày ở nhà. Và điều đau lòng đã xảy ra, đứa trẻ đã bị người đàn ông này XHTD”.
Hậu quả của việc bị XHTD không chỉ tổn hại sức khỏe mà cả tâm lý. “Đa số các em có biểu hiện hoang mang, lo sợ, bất an. Những em đang học tại các trường tiểu học đều cảm thấy xấu hổ với bạn bè, ít tiếp xúc với mọi người. Ở Củ Chi có một trường hợp bị XHTD dẫn đến mang thai, hiện nạn nhân đã sinh con”, bà Hồng Phí chia sẻ.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết – Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ – cho biết: “Bệnh viện Từ Dũ là nơi tiếp nhận, giải quyết hậu quả của nhiều trường hợp bị XHTD. Trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 trẻ vị thành niên nạo phá thai và 5.000 trường hợp tới sinh. Ở lứa tuổi này, nạo phá thai dễ dẫn đến tai biến, thậm chí là vô sinh. Còn sinh con thì dễ bị băng huyết sau sinh, nguy hiểm đến tính mạng…”.
Từ thực tế trên cho thấy, hiện nay các cơ quan chức năng chủ yếu chỉ giải quyết hậu quả của tệ nạn XHTD trẻ em chứ ít chú trọng đến công tác phòng ngừa. Vấn đề bây giờ là làm sao ngăn chặn tệ nạn này, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”?
Ông Nguyễn Đức Trọng – Trưởng khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM – cho rằng: “Ở nước ngoài, một đứa trẻ khi có nguy cơ bị XHTD sẽ nói: Nếu ông xâm hại tôi, ông sẽ bị phạt tù 20 năm, nghe vậy kẻ có ý đồ xâm hại cũng e ngại hơn. Còn ở nước ta, nạn nhân bị XHTD và cả kẻ xâm hại đều không biết như vậy là phạm pháp. Vì vậy cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là ở những vùng nguy cơ nên xét xử lưu động các vụ án hiếp dâm thật, hiếp dâm giả định”.
Hòa Triều
Ông Nguyễn Trọng An – Cục phó Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – cho rằng: “Để bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị XHTD cần hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa cho các em; thay đổi chương trình giáo dục giới tính trong trường học sao cho dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải thường xuyên hơn…”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)