Nhiều người cứ nghĩ rằng dầu gió là dược liệu chữa được bách bệnh như cảm lạnh, đau bụng, nhức răng, đau lợi, nhức chân tay, côn trùng đốt… Tuy nhiên, sử dụng dầu gió không đúng bệnh lý và liều lượng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Không nên xức dầu vào răng, lợi khi bị đau nhức – Ảnh: CHÂU ANH
Mọi người không nên lạm dụng dầu gió để chữa những bệnh lý không thuộc về chức năng chữa bệnh của dầu gió, vì rõ ràng chúng không có tác dụng chữa những bệnh lý này. Nếu cố tình sử dụng thì có thể gây hại cơ thể
TS.BS Trương Thị Ngọc Lan
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y dược TP.HCM, cho hay mặc dù dầu gió là dược liệu thông dụng, không cần kê đơn, dễ tìm mua trên thị trường nhưng không vì thế mà tùy tiện sử dụng.
Chữa cả sâu răng?
Nhiều người, đặc biệt ở vùng nông thôn, cho rằng dầu gió chữa được sâu răng bằng cách lấy dầu gió tẩm vào bông gòn, rồi nhét bông gòn đó vào vùng răng bị sâu. Theo họ, mức độ đau răng có nhẹ hơn sau khi áp dụng phương pháp truyền miệng này.
"Đây chỉ là cách giảm đau răng tạm thời, người dân tuyệt đối không nên áp dụng vì trong dầu gió không có ghi chữa trị nhức răng thì tại sao chúng ta lại áp dụng, điều này cực kỳ nguy hiểm" – TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, viện phó Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, nhấn mạnh.
BS Ngọc Lan giải thích vì dầu gió có tính nóng, những nơi tiếp xúc với tinh dầu sẽ nóng lên, gây tê và mất cảm giác tạm thời nên mọi người sẽ thấy triệu chứng bệnh có thuyên giảm, đặc biệt đối với những trường hợp đau dây thần kinh. Tuy nhiên cơn đau sẽ quay trở lại vì dầu gió có tính bay hơi nhanh.
Làm "mờ" triệu chứng bệnh
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết một số trường hợp người bệnh đau bụng dai dẳng nhưng vẫn kiên trì sử dụng dầu gió, đến khi cơn đau dữ dội thì mới tìm bác sĩ. Tại đây, các bác sĩ cho biết biểu hiện triệu chứng đau bụng trên là đau ruột thừa thì mới hoảng hồn.
"Đau bụng có thể là triệu chứng của cấp cứu ngoại khoa, nếu người dân lạm dụng dầu gió hay thuốc giảm đau sẽ làm việc chẩn đoán bệnh gặp nhiều khó khăn vì vô tình đã làm mất đi triệu chứng bệnh, dẫn đến trễ thời gian cấp cứu, gây nguy hiểm đến tính mạng" – PGS Hữu Đức nhấn mạnh.
BS Ngọc Lan cho biết đối với những trường hợp đau bụng thường xuyên tái phát hay tiêu chảy thì phải tìm hiểu nguyên nhân bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp, vì đến nay vẫn chưa có công trình khoa học nào chứng minh dầu gió chữa đau bụng. Tương tự như nhức răng, dầu gió chỉ giúp giảm đau tạm thời.
7 lưu ý để dùng dầu gió đúng cách
Trước việc nhiều người xem dầu gió là "vị cứu tinh, chữa bách bệnh", trở thành "vật bất ly thân", được dùng mọi lúc mọi nơi, các bác sĩ cho biết nên lưu ý các điều sau:
1 Dầu gió có thể điều trị cảm lạnh, nhức đầu, vết thương do côn trùng cắn và các bệnh liên quan đến mũi (viêm xoang, viêm mũi, nghẹt mũi…). Dầu gió không có tác dụng chữa sâu răng và đau bụng thường xuyên tái phát.
2 Không nên dùng dầu gió thường xuyên vì lâu ngày bạn sẽ bị "nhờn thuốc", làm giảm tác dụng của thuốc. Không dùng quá 4 lần/ngày.
3 Cần đọc kỹ các thông tin hướng dẫn trước khi sử dụng.
4 Tuyệt đối không nên uống hoặc thoa dầu gió lên vết thương hở.
5 Trước khi thoa cần phải rửa sạch và lau khô vùng da cần thoa. Nên lấy một lượng vừa đủ, không nên bôi quá nhiều.
6 Ngưng dùng khi cơn đau đã chấm dứt.
7 Đối với phụ nữ đang mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ dưới 2 tuổi, cần phải có ý kiến tư vấn của bác sĩ trước khi dùng.
Hầu hết các loại dầu gió trên thị trường đều chứa nhiều tinh dầu với hai thành phần chính là menthol và methyl salicylate, có vị cay, tính mát, dễ bay hơi. Từ các thành phần và đặc tính trên dầu gió thích hợp để trị cảm lạnh, viêm mũi… TS.BS Trương Thị Ngọc Lan |
Bình luận (0)