Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nhũn não: nhân quả và bù trừ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đột ngột liệt nửa người, mù một mắt, lơ mơ không tỉnh táo… là dấu hiệu của đột quỵ thiếu máu não, nếu không can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nhũn não.

Đột quỵ “bắt cầu” tới nhũn não
Nhũn não (cerebral malacia) nghĩa là một phần của não bị bệnh và “mềm nhũn” hơn phần não bình thường. Ngày nay giới chuyên môn ít còn dùng tới thuật ngữ này, nhưng đôi chỗ và đôi nơi vẫn được nhắc tới. Nhũn não là hậu quả của tình trạng tắc mạch máu nuôi vùng não đó, gây nhồi máu não (cerebral infarct). Mạch máu bị tắc có thể do một cục tắc trôi theo dòng máu tới chỗ mạch máu nhỏ hơn thì bị tắc lại. Hoặc do chính bản thân mạch máu tại chỗ đó hẹp dần gây tắc. Nếu nguồn gây tắc nghẽn dòng chảy của máu là từ nơi khác tới, người ta gọi là tắc mạch hay lấp mạch. Nếu nguồn tắc do ngay tại chỗ bị hẹp và tạo thành một cục máu, ta gọi là huyết khối. Cả hai tình trạng đó được gọi chung là đột quỵ thiếu máu não, hay tai biến mạch não gây thiếu máu não.
Nói tóm tắt, đột quỵ thiếu máu não gây ra nhồi máu (ứ nghẽn mạch máu), nhồi máu gây chết phần não được mạch máu đó nuôi dưỡng và hậu quả là “nhũn não”. Đột quỵ thiếu máu não gây ra các triệu chứng thần kinh rất đột ngột. Người bị bệnh đột ngột liệt nửa người (phải hoặc trái), nói đớ hoặc không nói được, có thể lơ mơ, hoặc đột ngột mù một bên mắt. Nhiều người sẽ bị tàn phế.
Nhập viện càng sớm, cơ hội sống càng cao
Khi bị đột quỵ (đột ngột liệt nửa người, tê bì nửa người, mù một mắt, lơ mơ không tỉnh táo…), lập tức nhập viện ngay, đừng đánh gió, giác lể, bấm huyệt hay châm cứu. Nếu có thể, nhập viện vào các khoa thần kinh ở các bệnh viện lớn. Hiện nay có một số bệnh viện lớn của TP.HCM đã thực hiện phương pháp điều trị cấp cứu làm tái lưu thông mạch máu não, có thể giúp khỏi hẳn các triệu chứng do đột quỵ gây nên. Nhưng những phương pháp này chỉ có hiệu quả nếu nhập viện thật sớm.
Sau khi bị đột quỵ, người bệnh có thể liệt nửa người, tê hoặc đau nửa người, nói khó nghe hoặc không hiểu lời người khác… Đừng thất vọng, hãy dùng thuốc theo toa bác sĩ, và tham gia tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng, có thể tình trạng sẽ cải thiện dần. Dù một bộ phận của não đã bị “nhũn”, nhưng phần còn lại có thể hoạt động bù trừ, giúp cơ thể phục hồi thêm. Vấn đề lớn nhất là phải tiếp tục phòng chống đột quỵ lần hai hay lần ba… bằng các biện pháp đã nêu trên.
Nên làm gì để phòng ngừa?
Nếu có bệnh tăng huyết áp hoặc bệnh tiểu đường, thì phải điều trị hai bệnh này cho thật tốt, đừng bao giờ bỏ thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Nếu có rối loạn mỡ máu thì phải dùng thuốc hạ mỡ máu. Ngừng hút thuốc lá ngay, đừng uống nhiều rượu quá. Hãy tập thể dục đều đặn, mỗi ngày nên đi bộ ít nhất 30 phút, trừ trường hợp bị đau lưng và đau khớp gối. Đừng ăn mỡ động vật, nên ăn nhiều rau. Đừng ăn mặn quá. Tránh béo bụng, hãy nhớ vòng bụng càng dài thì vòng đời càng ngắn!
PGS.TS.BS Nguyễn Hữu Công
Theo SGTT

Hình ảnh mạch máu nuôi não

Vòng tròn phía trên là phóng đại mạch máu bên trong não, mạch máu này bị một cục máu đông từ phía dưới theo dòng máu trôi lên và tắc lại (lấp mạch – embolus).
Vòng tròn phía dưới là phóng đại của mạch máu nuôi não. Ở đây lòng mạch máu bị hẹp dần lại (do mảng vữa xơ mạch máu), tạo điều kiện hình thành cục máu gây nghẽn mạch (huyết khối – thrombus)
Cả hai trường hợp này đều gây thiếu máu não, ta gọi chung là đột quỵ thiếu máu, hậu quả là phần não không được máu nuôi dưỡng sẽ bị “nhũn não”.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)