Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

Những ai cần nói không với fastfood?

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu hiểu thức ăn nhanh là thức ăn có sẵn, mua nhanh, ăn nhanh, thì có thể kể đến tất cả các loại thức ăn chế biến sẵn được bày bán khắp nơi như bánh mì, bánh bao, xôi, chè, hủ tíu, phở… Tuy nhiên, khi nói đến thức ăn nhanh, thường người ta nhắc đến các loại fastfood theo kiểu Âu Mỹ.

 
Hiện nay, những cửa hàng bán thức ăn nhanh kiểu này xuất hiện ngày càng nhiều tại các thành phố lớn và trở nên ngày càng quen thuộc với cả người lớn lẫn trẻ em, nhất là với những gia đình có điều kiện sống tương đối khá giả.
Thức ăn nhanh (fastfood) luôn có những khách hàng trung thành của mình nhờ vào lợi thế cung cấp thức ăn sử dụng ngay lập tức, không cần đợi chờ, tiết kiệm được thời gian và thuận lợi cho những người đang sống trong một xã hội công nghiệp hiện đại mà từng phút trôi qua đều được tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ, đồng thời đảm bảo về mặt cảm quan, khẩu vị… Không ít trẻ em và cả người lớn trên thế giới này nghiện fastfood. Thế nhưng, trước khi thưởng thức, những khách hàng của fastfood có lẽ nên xem mình có thuộc nhóm được ăn fastfood hay không, và nếu được ăn, thì được ăn bao nhiêu.
Việc ăn quá nhiều thức ăn nhanh sẽ không có lợi cho sức khỏe.
Ảnh: P.Huy
Những người đầu tiên phải nói “không” với fastfood là những người cao tuổi đang mắc các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng và lối sống như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipit, tăng cholesterol máu, thừa cân, béo phì… Khối năng lượng khổng lồ, lượng chất béo quá cao và hầu như không có chất xơ trong các loại thức ăn nhanh kiểu Âu Mỹ hoàn toàn không phù hợp với chế độ ăn của những căn bệnh này, vốn yêu cầu lượng năng lượng vừa phải, ít chất béo, ít chất ngọt, nhiều chất xơ và rau xanh, quả tươi. Mặt khác, vào cửa hàng bán thức ăn nhanh thì không thể ăn… chậm được, mà những người bệnh này thì cần ăn chậm, nhai kỹ, dừng lại trước khi có cảm giác quá no để kiểm soát được lượng thực phẩm ăn vào của mình.
Trẻ em cũng là những đối tượng cần chú ý khi ăn thức ăn nhanh. Lứa tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi đang hình thành những thói quen, những tính cách trong ăn uống. Việc ăn quá nhiều thức ăn nhanh có thể làm gia tăng ý thích đối với những thực phẩm giàu chất béo, chất đạm, không đủ chất xơ và hình thành nếp ăn uống không có lợi cho sức khỏe. Những trẻ bị thừa cân, béo phì vốn rất khó khăn trong việc kiểm soát thực phẩm ăn vào hằng ngày, sẽ càng khó kiểm soát mình hơn khi vào cửa hàng bán thức ăn nhanh, vốn toàn những món khoái khẩu.
Với những trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường, có thể ăn các thức ăn nhanh, nhưng cũng cần lưu ý đến lượng đạm rất cao trong những món ăn này có thể không tốt cho gan thận của trẻ về lâu dài. Mỗi tuần ăn một – hai bữa fastfood thì có thể chấp nhận được, nhiều hơn thì không nên.
Người bình thường ở độ tuổi trung niên cũng tránh ăn nhiều fastfood, chỉ nên ăn khoảng một lần mỗi tuần, vì đây là giai đoạn cơ thể gia tăng tích lũy mỡ, hoạt động thể lực giảm xuống và các bệnh lý liên quan đến tuổi tác bắt đầu xuất hiện. Những người có chơi các môn thể thao hoạt động mạnh và thường xuyên thì có thể ăn nhiều thức ăn nhanh hơn, chỉ cần tránh ăn vào bữa chiều tối và không nên ăn vào các ngày mà chế độ ăn trong ngày đã dồi dào về dinh dưỡng như đi ăn đám tiệc, giỗ chạp…
Đối với thanh niên trong độ tuổi đang hoạt động thể lực nhiều và không có tình trạng thừa cân béo phì, có thể ăn fastfood thường xuyên hơn, ba – bốn lần mỗi tuần nhưng cần chú ý ăn thêm các loại rau, trái cây tươi để làm tăng sự cân đối của khẩu phần, phòng chống bệnh tật.
Nhìn chung, thức ăn nhanh cũng chỉ là những loại thức ăn vô tội như đa số các loại thức ăn khác trên đời, vấn đề là người tiêu dùng phải quyết định cách sử dụng sao cho fastfood trở thành những món ăn ngon lành, làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta, chứ không phải là mối nguy cơ về mặt sức khỏe, khiến chúng ta phải vừa ăn vừa… run.
ThS – BS Đào Thị Yến Phi
(Chủ Nhiệm bộ môn Dinh dưỡng –
ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)
Phụ Nữ

Bình luận (0)