Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Những “An Tiêm” đi gieo… chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp học ở Trường THCS Thạnh An

Cách trung tâm thành phố 70km đường bộ cộng khoảng nửa giờ đi tàu, cũng có “hộ khẩu thành phố” nhưng các em xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ khi đến với con chữ sẽ càng xa vời vợi hơn nếu như không có những người thầy tâm huyết xung phong đi “cấy” chữ cho đảo từ 20 năm về trước. 
Cấy chữ trên đất đảo
Nguyên Chủ tịch UBND xã Thạnh An – Hồ Văn Luông, đưa chúng tôi tới trước ngôi trường mới xây bồi hồi nhớ lại: “5 năm trước, nếu nói tới việc phát triển giáo dục là tôi cảm thấy rùng mình, vì trình độ dân trí ở đây trung bình chỉ mới lớp 3. Những ngôi trường cũng chẳng thành trường mà lớp thì cũng chẳng ra lớp, nó cứ xập xệ làm sao ấy, càng khiến chúng tôi nản lòng”. Điều này cũng dễ hiểu, ở một nơi mà cái đói cứ luôn cận kề, rình rập từng ngày thì đâu ai thiết tha gì đến việc học chữ. Ấy vậy, như có phép mầu, 5 năm sau, ai ngờ rằng Thạnh An lại là một trong những xã đầu tiên của huyện Cần Giờ hoàn thành chương trình phổ cập trung học cơ sở đúng độ tuổi theo chủ trương thành phố đề ra, bởi vì các thầy đã tâm huyết “chở chữ” ra đảo nghèo này và quyết gieo mầm xanh cho nó bén rễ, xanh cây…
Chính vì sự “kỳ diệu” này, khi chúng tôi đi từ đầu đến cuối xã, ai ai cũng nhắc đến 2 bậc “tiền bối” giáo dục là thầy Dương Hồng Đệ, nguyên là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An và thầy Nguyễn Công Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Thạnh An. Nhiều người dân trên đảo còn ví các thầy như những “An Tiêm” của thời nay, vì thầy đã đến và “gieo cấy” những cái chữ đầu tiên cho xã đảo Thạnh An. Hôm gặp chúng tôi thầy Minh ôn tồn nhớ lại những ngày mới đặt chân ra đảo: “Vào những năm sau giải phóng, tôi và thầy Đệ ra đảo dạy học gian nan lắm. Mang tiếng là ngoại thành TP.HCM nhưng muốn ra được Thạnh An thì phải ngồi xe đò ra Vũng Tàu, rồi sau đó mới tiếp tục ngồi tàu hàng giờ mới đến được đảo. Vì đường sá nhiêu khê như vậy, nên 2 anh em có muốn về cũng đành chịu. Riết rồi đâm ra quen, 1 tháng, 2 tháng, rồi 3 tháng cũng chẳng muốn về. Còn lớp học, ôi thôi nhắc lại mà chúng tôi cảm thấy ngán ngẩm. Lớp học của chúng tôi gọi cho vui vậy thôi chứ thật ra đây là những căn nhà sàn được dựng tạm theo lối “dã chiến”, vì thế mỗi khi có con sóng lớn nó như cái răng sắp rụng và cứ đưa qua đưa lại, làm cho cả thầy trò lo thấp thỏm. Lại còn nạn nước triều lên nữa chứ, mỗi ngày có 2 đợt, và mỗi đợt lên như vậy thì cả thầy trò đều ngồi chen chúc nhau trên bàn để cùng dạy cùng học… Thấm thoát thế mà đã hơn 20 năm, bây giờ trường mới ra trường, lớp mới thành lớp, chúng tôi có nằm mơ cũng không dám nghĩ…”.
Ngày ấy, Thạnh An là một hòn đảo còn hoang sơ của TP.HCM, chưa được xây dựng cơ sở hạ tầng về đường sá, chợ búa, trường học… và những bờ kè chắn sóng cũng chưa được xây dựng. Vì thế khi con nước thủy triều lớn thì xã chìm trong nước. Mỗi ngày hai bận, con nước lớn rồi ròng và lớp học cũng gian nan không kém trên ngôi nhà sàn như thế.
Câu chuyện của 20 năm trước về những cái chữ đầu tiên mới bắt đầu “nảy mầm” nơi đất đảo này vẫn được tiếp tục nuôi dưỡng để bén rễ, xanh cây cũng bằng tấm lòng của những người thầy đầy tâm huyết như thầy Minh, thầy Đệ. Họ cố gắng giữ mầm xanh về chữ nghĩa cho đảo bằng cơm đùm, cơm gói, nồi niêu, xoong chảo cùng lên tàu ra đảo để dạy chữ mà bỏ lại sau lưng quãng đời của tuổi thanh xuân, để chôn chặt với cái chữ, với những cô cậu học trò lam lũ, cơ cực.
Mành lưới, con thuyền… đe dọa việc học của lũ trẻ

Những đứa trẻ ở Thạnh An bắt hàu sau giờ học

Nguyễn Minh Hùng, một trong những đứa học trò đầu tiên của thầy Hồng Đệ nhớ lại: “Hôm thầy mới đặt chân đến đảo, thấy em ra con đường chính của xã đảo đá banh, thầy hỏi sao lại đá banh có một mình. Em đáp: “Chứ cả đảo này có ai rảnh như em đâu mà đá banh. Rảnh rỗi chút ít là theo ghe đi lưới hết rồi. Em may mắn được ở nhà, còn bọn nó nhà nghèo lắm nên phải vừa học vừa phụ giúp gia đình, ngày nào cũng phải như vậy cả”. Thầy Đệ hỏi: “Em và tụi nó có thích học chữ không?”. Em không chút đắn đo và trả lời ngay: “Học chữ làm gì khi nhà không có gạo nấu và đi lội sình bắt cua có phải sướng hơn không?”. Như vậy mà thầy thuyết phục mãi em và thêm một vài đứa mới chịu nghe để theo thầy đi học. Vậy mà 20 năm qua em trưởng thành và trở thành một trong những đứa học sinh đầu tiên của xã đảo có bằng đại học…”.
Đây cũng là điều chung nhất của Thạnh An không chỉ thời ấy mà ngay cả đến thời gian sau này, những em có hoàn cảnh khó khăn, mỗi khi bỏ tập sách ra là chiếc ghe, là mành lưới, là cái xô, cái đục đeo ngang thắt lưng đi bắt cua, bắt cúm… Mấy năm trước, còn có cua, ốc, cúm… ở gần bờ để lội sình lượm bắt, mấy năm nay những thứ đó không còn, vậy là phải đi xa bờ hơn… Vì thế muốn dạy được ở đây không phải yêu nghề là đủ mà thầy cô giáo còn phải yêu cả trò nữa mới bám trụ lại được.
Đưa tay chỉ một đứa học trò, thầy Minh kể: “Thằng bé trạc 13 tuổi đầu đó là Thắng, ở khu Xáng Cạp, mấy năm trước em được người ta thuê đi theo ghe, năm nay em đi cho nhà mình. Tùy ngày, tùy nước mà giờ ra khơi cũng biến động theo. Có bữa em phải ra khơi cùng với người anh họ lúc nửa đêm, ra đến nơi mới thả lưới, buông neo, rồi ngủ chờ sáng. Công việc chính của em là tát nước, gỡ lưới. Bán được cá tôm, mỗi đêm ông anh họ trả cho em từ 5.000 – 10.000 đồng… Hôm nào về sớm, em được các thầy cô ở đây đến tận nhà dạy phụ đạo thêm để theo kịp bạn bè, vì thế mà em mới theo học đến hôm nay…”.
Mỗi buổi chiều về, trên bờ kè chắn sóng, hàng chục phụ nữ đăm đắm ngóng trông về phía biển để chờ đợi chồng, con của họ từ khơi xa trở về. Những hình ảnh này, như là một điệp khúc về cuộc mưu sinh đơn giản chỉ có “con thuyền và biển cả” của người dân xã đảo Thạnh An. Trên bờ kè này, tôi gặp một phụ nữ còn khá trẻ, tay dắt đứa bé chừng 7, 8 tuổi, tên chị là Nguyễn Thị Kiều Oanh, chồng đã đi ghe từ khuya, còn chị đang dắt con chờ chồng về: “Thằng bé đã được theo ba nó thử mấy chuyến nhưng chưa đủ sức chịu đựng những con sóng lớn. Nếu quen được việc tôi sẽ cho nó theo ổng luôn để tôi được rảnh tay rảnh chân vá lưới, chắt bóp thêm được đồng nào đỡ đồng nấy…”.
Với các bậc phụ huynh, khi con cái lớn, họ chỉ trông chờ được có vậy, tập luyện, dạy dỗ dần cho chúng trở thành ngư phủ, và cũng không ước mong cái nghề lận lưng gì khác. Chính vì sự cơ cực mưu sinh này, càng làm cho những người thầy đi cấy chữ trên đất đảo phải càng yêu nghề, tâm huyết hơn nữa.
… Con tàu đưa chúng tôi về đất liền mỗi lúc một xa dần, kéo theo xã đảo Thạnh An cũng mờ dần theo sóng biển. Nhưng hình ảnh của những người thầy giáo già nua với mái tóc hoa râm đứng bên cạnh những đứa trẻ mình mẩy lem luốc, đầu tóc nắng cháy vì nắng gió của biển, vì phải sớm bước vào cuộc mưu sinh… vẫn hiện mãi. Đến lúc này đây, hai tiếng “tương lai” cho bọn nhóc ở đây chúng tôi mới chợt dám nghĩ. Điều đó, không còn là viễn tưởng, xa tít mù khơi, như hình bóng của chính hòn đảo Thạnh An, nằm tận cùng ở phía Đông Nam thành phố này.
Là một xã đảo nghèo, nhưng kể từ khi cơn bão dữ năm 1997 xuất hiện, cuốn trôi gần hết tàu thuyền đánh bắt của ngư dân đảo, Thạnh An mỗi năm càng nghèo hơn. Hình ảnh những chú bé bỏ lại con chữ phía sau lưng để cùng với mảnh lưới và những chiếc thuyền gỗ mong manh, gập ghềnh trên sóng nước, không thì chúng cũng bì bõm lội sình đến ngang thắt lưng để mò cua, bắt ốc lại là những điều rất đỗi bình thường.
 
Nguyễn Bình

Bình luận (0)