Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những anh hùng làm nên lịch sử ngày 30-4-1975 kể chuyện lịch sử giữa sân Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Tạp Chí Giáo Dục

Những anh hùng làm nên lịch sử ngày 30-4-1975 kể chuyện lịch sử giữa sân Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 Những anh hùng làm nên lịch sử ngày 30-4-1975 kể chuyện lịch sử giữa sân Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Audio

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2025) của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sáng 28-4, những câu chuyện lịch sử cách đây 50 năm trong ngày 30-4-1975 đã được kể lại giữa sân trường bởi chính những người lính trên 2 chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và 390 – 2 chiếc xe tăng đã làm nên lịch sử khi húc cổng Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30-4 để bộ đội ta xông vào dinh bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội cát, tướng Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện.

Những anh hùng làm nên lịch sử ngày 30-4-1975 giao lưu với học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Khoảnh khắc lịch sử trưa 30-4-1975

Đã nửa thế kỷ đã trôi qua, Đại úy Vũ Đăng Toàn – nguyên chính trị viên xe tăng T-59 số hiệu 390 vẫn nhớ như in những khoảnh khắc lịch sử trưa ngày 30-4-1975.

Ông kể, sáng 30-4-1975, xe tăng T-54 số hiệu 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận làm trưởng xe và xe tăng T-59 số hiệu 390 do ông làm trưởng xe cùng lái xe Nguyễn Văn Tập và Trung úy Ngô Sỹ Nguyên – pháo thủ; 2 xe tăng cùng tiến về Dinh Độc Lập theo 2 con đường khác nhau, trong đó xe 843 đi theo đường Lê Duẩn (hiện nay), xe 390 đi theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (hiện nay), 2 xe giao nhau gần như cùng lúc tại cổng Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30-4.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đầy hào hứng khi lần đầu được gặp những anh hùng làm nên lịch sử

Xe tăng 843 tiếp cận cổng Dinh Độc Lập trước song không vào cổng trước mà rẽ sang húc vào cổng phụ của dinh và bị chết máy.

“Ngay lúc đó, đồng chí Tập lái xe mới hỏi tôi là anh Toàn ơi, giờ thế nào. Tôi lúc đó bằng tất cả trái tim của người chiến sĩ, lệnh cho lái xe tông thẳng vào cổng chính Dinh Độc Lập. Lập tức lái xe Nguyễn Văn Tập đã rồ ga rất mạnh để xe tăng 390 húc tung 2 cánh cổng Dinh Độc Lập. Xe lao vào trong sân, đến tiền sảnh thì dừng lại. Tôi cùng Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chạy lên dinh, đến cửa lớn thì gặp 1 sĩ quan cao cấp ngụy quyền Sài Gòn lúc bấy giờ”.

Đại úy Toàn kể tiếp, thấy anh em tôi, ông này đã chào rất lịch sự: “Thưa ông, tôi là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh – phụ tá cho Đại tướng, Tổng thống Dương Văn Minh. Hiện nay Tổng thống vẫn còn, mời 2 ông lên làm việc”.

Chúng tôi đi theo ông Hạnh, tại lầu 1 của dinh, nội cát chính quyền Sài Gòn khi đó đang tập trung rất đông, cỡ trên dưới 60 người cả nam, nữ. Khi trông thấy chúng tôi họ rất sợ vì chúng tôi đang cầm súng.

Sau đó, tôi yêu cầu ông Nguyễn Hạnh dồn toàn bộ nội cát vào Phòng Khánh tiết, đồng thời yêu cầu cho người đưa đồng chí Bùi Quang Thận lên treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trước yêu cầu đó, ông Nguyễn Hạnh nói rằng: “Thưa ông, Chính phủ chúng tôi mới tiếp quản được 2 ngày rưỡi, không biết đường thang máy lên tầng thượng chỗ nào”. Rất may, lúc đó anh Nguyễn Hữu Thái – Tổng Hội sinh viên Sài Gòn đã có mặt và nhận dẫn đường đưa đồng chí Thận lên cắm cờ.

“Lúc đó chúng tôi mừng quá, vì cắm lá cờ của chúng ta lúc này rất ý nghĩa. Càng nhanh bao nhiêu thì đồng bào đồng chí của ta đỡ đổ máu bấy nhiêu. Đồng thời cũng báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng” – Đại úy Toàn xúc động.

Đồng thời kể thêm, sau đó ông đã hỏi ông Nguyễn Hạnh rằng Tổng thống Dương Văn Minh đâu, ông Hạnh nói: “Thưa ông, để tôi đưa Tổng thống ra chào các ông”. Lúc này ông Dương Văn Minh đang ngồi đằng sau Phòng Khánh tiết. Tại Phòng Khánh tiết, sau khi ông Nguyễn Hạnh giới thiệu Tổng thống Dương Văn Minh, thì Đại úy Phạm Trung Thệ – Trung đoàn phó, Trung đoàn 46 – lúc đó cũng đã có mặt đã ra chào và giời thiệu.

“Tôi và anh Phạm Trung Thệ chỉ xã giao với ông Dương Văn Minh vài câu. Và ông Dương Văn Minh hỏi chủ yếu về chế độ chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta ra sao… Lúc này, anh Phạm Trung Thệ đang giải thích thì đoàn của đồng chí Bùi Văn Tùng – Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 23 – tức là thủ trưởng của anh em chúng tôi. Thấy đồng chí Tùng, ông Dương Văn Minh cúi đầu chào và nói “Thưa ông, chúng tôi đợi các ông vào để bàn giao chính quyền”.

Ban Giám hiệu Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tặng hoa cho những anh hùng ngày 30-4-1975

Song ông Bùi Tùng nói luôn: Các ông là người bại trận, không còn gì để bàn giao, các ông phải đầu hàng vô điều kiện. Lúc đó, tôi thấy Tổng thống Dương Văn Minh hơi cúi đầu xuống, vẻ mặt hổ thẹn khi lời của mình nói mà không được quân giải phóng chấp nhận” – Đại úy Toàn nhớ lại.

Kể thêm về yêu cầu đưa ông Dương Văn Minh ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng, Đại úy Toàn cho hay, trước khi theo quân ta ra đài phát thanh, ông Dương Văn Minh đã đề nghị 2 vấn đề: thứ nhất là được tuyên bố đầu hàng tại dinh và thứ 2 là cho đi xe bọc thép để đảm bảo an toàn.

“Thời điểm đó, hệ thống phát thanh tại dinh đã hỏng nên không thể tuyên bố đầu hàng tại dinh. Còn về đề nghị được đi xe bọc thép ra đài phát thanh, đồng chí Bùi Văn Tùng đã nói: Chúng tôi đã giải phóng hoàn toàn Sài Gòn – Gia Định. Tôi đưa ông ra đài phát thanh rồi sẽ đưa ông về dinh an toàn tuyệt đối. Lúc đó, ông Dương Văn Minh mới chịu ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng” – Đại úy Vũ Đăng Toàn hồi tưởng.

“Để có được hòa bình hôm nay, máu của đồng đội bác đã đổ khắp trên thành phố này”

50 năm sau ngày giải phóng, được ngồi giữa sân trường chia sẻ lại câu chuyện của ngày 30-4-1975 lịch sử với học sinh, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, với ông Nguyễn Văn Tập – nguyên trưởng máy xe tăng 390 – ngoài niềm vinh dự tự hào thì còn là quá nhiều xúc động.

“Lúc xe tăng chúng tôi tiến về đánh chiếm Dinh Độc Lập, đường phố Sài Gòn vắng vẻ lắm, tiếng máy nổ của xe tăng ầm lên, húc tung cánh cổng lên, tạo điều kiện cho bộ đội ta lên bắt Dương Văn Minh, cắm cờ chiến thắng. Những giờ khắc đó chúng tôi không bao giờ quên được. Xúc động vô cùng, vinh quang vô cùng” – ông Tập rưng rưng.

Học sinh háo hức, thích thú khi được chụp cùng với những người lính năm xưa đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập

Trong khi đó, Đại tá, bác sĩ  Nguyễn Hồng Minh – nguyên sĩ quan Tiểu đoàn B18 nghẹn lời, để giành được chiến công vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong ngày 30-4-1975 thì máu đồng đội các bác đã đổ khắp trên thành phố này, bên cầu Rạch Chiếc để xe tăng đi. Để chiếm được 2 lần cầu Rạch Chiếc, gần 100 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trước giờ giải phóng có 2, 3 ngày và đều bị vứt xuống sông, trôi ra sông Sài Gòn…

Riêng cánh quân của ông từ Trung ương cục về đến Ngã tư Bảy Hiền gần Tổng Tham Mưu ngụy thì 5 xe tăng đã bị máy bay của địch từ Cần Thơ đến bỏ bom. Gần 60 đồng đội đã hy sinh, trong đó những đồng đội trong xe tăng hầu như cháy thành than.

“Để giành được độc lập, tự do ngày hôm nay là rất nhiều máu và nước mắt đã đổ xuống. Các cháu được hưởng hòa bình hôm nay hãy cố gắng học tập, để xứng đáng với những hy sinh cao đẹp của các anh hùng liệt sĩ, học để sau này phát triển đất nước, thay các bác xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự chủ, như lời Bác Hồ đã dạy là “sánh vai với các cường quốc năm châu” – Đại tá Nguyễn Hồng Minh nhắn nhủ.

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là thành quả của Đảng quanh vinh, Bác Hồ vĩ đại và nhân dân Việt Nam anh hùng

“Xe tăng 390 húc tung 2 cánh cổng Dinh Độc Lập để đại quân phía sau tiến lên tiêu diệt, bắt sống nội cát của Dương Văn Minh, Tổng thống Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện đã đại diện cho sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đại diện cho khát vọng hòa bình của dân tộc ta trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ trường kỳ gian khổ, hy sinh. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là thành quả của Đảng quanh vinh, Bác Hồ vĩ đại và nhân dân Việt Nam anh hùng” – Trung úy Ngô Sỹ Nguyên – pháo thủ xe tăng 390 nhấn mạnh đến thế hệ học sinh, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Yến Hoa

Bình luận (0)