Việc gần gũi, gắn bó với trẻ đã giúp cô Anh Thư càng yêu nghề hơn
|
“Không ít lần, bạn bè hỏi sao tôi không chọn nghề khác đi làm cho khỏe mà lại chọn nghề “gõ đầu trẻ” cho cực thân. Tôi chỉ mỉm cười, nghề nào cũng có cái hay và thú vị riêng. Chính bản thân tôi từng do dự trong những năm đầu đứng lớp, thế nhưng càng gần gũi với trẻ, tôi càng thấy yêu nghề, thậm chí tôi còn trăn trở mình phải làm sao để bù đắp thật nhiều cho những thiệt thòi của các em có hoàn cảnh khó khăn…”.
Đó là những lời tâm sự của cô Nguyễn Thị Anh Thư, chủ nhiệm lớp 12, Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Bình Thạnh).
Tôi đã học được sự yêu thương…
Sau cái ngày nhận lớp 1 năm học 2009-2010, cô Anh Thư vô tình nhìn thấy một em học sinh (HS) khá đặc biệt: Em mang trên người bộ quần áo rất cũ, quần rất ngắn, còn đồ dùng học tập thì không đầy đủ. Hỏi ra, em thật thà nói ba mẹ chưa kịp mua đồ mới. Cô bắt đầu chú ý nhiều hơn đến em HS này, để rồi cô thật bất ngờ khi thấy người em gọi là ba, đưa đón em đi học hàng ngày phải ngồi trên xe lăn, tay cầm những tờ vé số. Em đứng phía sau xe lăn, còn em gái nhỏ học mầm non ngồi trên đùi ba. “Hình ảnh ba cha con lam lũ ra về sau mỗi buổi tan trường khiến tôi không kìm được sự cảm thương và muốn làm điều gì đó giúp em”, cô tâm sự.
Thực ra, những năm đầu về trường giảng dạy, cô Anh Thư có quan niệm thật đơn giản về công việc của mình. Ngày ngày đến trường chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy là được, bởi sở thích chính của cô là được theo học ngành tiếng Anh, là những mối quan hệ giao lưu ngoài xã hội… Chính những suy nghĩ này đã “khép lại” sự cảm nhận sâu sắc về cuộc sống xung quanh, hay nói đúng hơn, giờ đây nghĩ lại, cô bảo rằng khi đó mình thật vô tâm. Chỉ khi chứng kiến hình ảnh em HS bên chiếc xe lăn của người cha mới giúp cô cảm nhận được cuộc sống còn nhiều điều để mình phải làm. Ở ngôi trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển còn có nhiều HS cũng khó khăn như em HS kia. Chỉ riêng lớp 12 cô Anh Thư chủ nhiệm hàng năm có vài em như vậy. Ba mẹ bận bịu lao động, ít có thời gian quan tâm đến cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của các em.
“Không ai khác, chính giáo viên là người gần gũi hàng ngày dễ dàng nhận ra điều ấy. Và cũng chính giáo viên là cầu nối có thể bù đắp phần nào sự khó khăn, thiếu thốn cho các em. Trong thâm tâm, tôi luôn tự nhủ rằng mình may mắn hơn nhiều người, mình đang đi trên con đường người đưa đò, trách nhiệm của mình phải mang kiến thức của bản thân truyền đạt đến các em, để các em không phải thiệt thòi vì thiếu chữ”, cô Anh Thư chia sẻ.
…Năm học 2010-2011, cô Anh Thư vinh dự được nhận bằng khen Nhà giáo trẻ tiêu biểu do Sở GD-ĐT TP.HCM trao tặng. Niềm hạnh phúc trong cô trào dâng, thế nhưng điều khiến cô hạnh phúc hơn cả là thấy học trò của mình lớn khôn lên từng ngày, và hơn hết “Tôi đã học được sự yêu thương những người xung quanh nhiều hơn từ các em”, cô tâm sự.
Và khéo léo hơn trong mọi việc
Bất cứ công việc nào cũng đều có khó khăn riêng. Làm nghề giáo cũng vậy, cực cũng có nhưng vui và hạnh phúc cũng nhiều. Với các em HS tiểu học, lứa tuổi bắt đầu hình thành nhân cách thì người thầy đóng vai trò đặt nền tảng đầu tiên cho các em, vì thế trong công việc luôn đòi hỏi người thầy phải có trách nhiệm cao. Thế nhưng, chính trách nhiệm ấy lại mang đến nhiều giá trị cuộc sống cho người giáo viên, đặc biệt là những giáo viên nữ như cô.
Cô Anh Thư nói rằng, cô như có duyên với lớp 1. Từ ngày ra trường (5 năm nay) cô đều được Ban giám hiệu phân công chủ nhiệm lớp 1. Lứa tuổi HS lớp 1 vừa chuyển từ mẫu giáo lên, mọi hành vi hay suy nghĩ vẫn còn tự do chưa đi vào nề nếp. Nhiều lúc cô giáo đang dạy, có em lấy bánh ra ăn, lấy đồ chơi ra nghịch, thậm chí có em chạy ra ngoài đi toilet một cách tự nhiên không xin phép cô giáo. Chỉ khi được nhắc nhở, các em mới biết và nghe lời.
“Nhờ những trải nghiệm này, tôi hiểu nhiều hơn về tính cách trẻ nhỏ để làm tốt hơn vai trò người mẹ khi về nhà. Thậm chí, tôi còn học được nhiều điều thật thú vị khác từ các em”, cô chia sẻ. Cô Anh Thư cho biết từ nhỏ cô khá vụng về trong mọi việc dành cho phụ nữ như thêu thùa, cắt dán, nội trợ… Thế nhưng khi bước chân vào nghề giáo – một nghề đòi hỏi người giáo viên phải có những sáng kiến trong phương pháp giảng dạy, sự sáng tạo khi làm đồ dùng dạy học – cô đã “tiến bộ” rất nhiều về các kỹ năng này. Cô kể: “Những ngày đầu tôi rất vụng về trong việc làm đồ dùng dạy học. Vì vậy thường đưa ra ý tưởng rồi nhờ ông xã hoàn thành sản phẩm. Thậm chí nhiều lúc ông xã còn đùa: “Em mà đạt giải giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy là nhờ 50% công sức của anh”. Dần dà tôi cũng học được nhiều cách làm, khéo léo hơn trong mọi việc. Tôi thấy rằng, khi một người giáo viên cố gắng làm thật tốt vai trò người thầy cũng chính là đang trang bị cho mình những kỹ năng hữu ích cho vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình. Đó sẽ là thứ gia vị làm cho cuộc sống gia đình thêm thi vị, ý nghĩa”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Nhiều em HS tỏ ra rất yêu mến cô giáo song không dám trực tiếp nói ra mà bày tỏ bằng cách ghi sự yêu mến vào trong hộp bút, có em về nhà ghi tên cô giáo khắp mọi chỗ. Những tình cảm rất đỗi thân thương đó khiến những người làm thầy như chúng tôi hạnh phúc vô cùng”, cô Anh Thư chia sẻ. |
Bình luận (0)