Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài; vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Cả cuộc đời “tận trung với nước, tận hiếu với dân” ấy đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho mỗi con người Việt Nam. Vì thế, khi kết thúc bản Di chúc thiêng liêng, Người đã viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên và nhi đồng quốc tế”. Đặc biệt, có rất nhiều bài học quý giá từ Di chúc cho chúng ta hôm nay khi toàn Đảng, toàn dân đang ra sức học tập và làm theo Di chúc của Bác.
Như chúng ta đều biết, di chúc là “dặn lại trước khi chết những việc người sau cần làm và nên làm”. Những lời căn dặn của Bác vẫn còn nóng hổi tính thời sự hôm nay bởi Di chúc là lời căn dặn của non sông, của hồn thiêng đất nước.
Bài học thứ nhất là bài học về tinh thần lạc quan cách mạng mãnh liệt của Bác trước tình hình đất nước lúc bấy giờ. Những năm 1965-1969 (năm Bác khởi thảo và viết Di chúc) là những năm tháng cực kỳ gian khổ; đầy gian nan, thử thách của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến tranh lan rộng cả hai miền và ngày càng ác liệt. Vào thời điểm này, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh đưa hơn nửa triệu lính Mỹ và chư hầu vào trực tiếp xâm lược miền Nam. Miền Bắc bị máy bay, tàu chiến Mỹ đánh phá đêm ngày bởi Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố “sẽ đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”!
Nhưng với bản lĩnh vững vàng của nhà chính trị kiệt xuất, một niềm tin sâu sắc vào thắng lợi cuối cùng; mở đầu bản Di chúc, Bác đã viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Ở đây, Bác dùng cụm từ “kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa” để chỉ rõ mức độ khốc liệt của gian khổ, khó khăn. Thấy được vấn đề trước như vậy để có tinh thần chủ động, sẵn sàng vượt qua gian khổ, khắc phục gian khổ để đi tới và con người không bị động trước mọi gian nan, thử thách. Dù gặp gian khổ đến mấy, hy sinh đến mấy nhưng cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta “nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Bác khẳng định niềm tin qua các từ “nhất định, chắc chắn” để khắc sâu; truyền ngọn lửa niềm tin vào mỗi con người và tạo nên sức mạnh to lớn – sức mạnh của niềm tin, của ý chí cách mạng.
Ở phần cuối, Bác viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay! Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Chỉ một đoạn văn ngắn, Bác dùng đến bốn lần từ “nhất định” để khẳng định, để nhấn mạnh niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng. Thực tiễn đã chứng minh hùng hồn niềm tin của Bác, niềm tin của toàn dân tộc Việt Nam với đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử.
Bài học thứ hai là lời dặn dò sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Bác khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã viết nên những trang sử hào hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Điều gì đã làm nên sức mạnh, làm nên tinh thần quật cường ấy? Phải chăng, đó là nhờ tinh thần đoàn kết được hun đúc tự ngàn xưa. Cũng như nhà thơ Nguyễn Trãi từng viết: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” (Bình Ngô đại cáo).
Bác dùng cụm từ “cực kỳ quý báu” để nhấn mạnh truyền thống đoàn kết là hết sức quý; không thể mua được bằng vật chất, bằng tiền bạc. Đó là một “báu vật” của dân tộc Việt Nam ta, của Đảng ta. “Báu vật” đó chúng ta phải giữ gìn, phải phát huy trong thời đại mới. Việc giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng là nhân tố quyết định sự thành công trong mọi nhiệm vụ. Điều đó chúng ta mới thấy được tầm quan trọng bậc nhất của tinh thần đoàn kết mà Bác đã chỉ rõ. Vì vậy, Bác căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các Chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Nghĩa là phải hết sức chú trọng, hết sức toàn tâm toàn ý trong việc giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng; nhân tố đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng. Cách nói ẩn dụ vô cùng sâu sắc“Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”… Người xưa thường nói “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Đôi mắt có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống, sinh hoạt của con người. Chẳng may bị khiếm thị là một điều bất hạnh, vô cùng đau khổ. Giữ gìn con ngươi của mắt chính là giữ gìn mạng sống, giữ gìn hạnh phúc, niềm tin! Bởi đoàn kết là nhân tố quyết định sự sống còn của một tổ chức, một dân tộc. Nếu chúng ta chăm chút, quý trọng, bảo vệ con ngươi của đôi mắt mình như thế nào thì phải chăm chút, bảo vệ sự đoàn kết như vậy!
Bác căn dặn về sự thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Mỗi đảng viên vừa là đồng chí, vừa là anh em; hiểu nhau và thương nhau vì cùng chung chí hướng, chung lý tưởng cao đẹp. Ai có gì sai sót thì mình góp ý trên tinh thần đồng chí yêu thương, thấu hiểu lẫn nhau. Mục đích cuối cùng không có gì khác hơn ngoài việc giúp cho đồng chí, anh em mình cùng tiến bộ, tự hoàn thiện mình. Bác chỉ rõ: “Nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Kết thúc phần dặn dò về Đảng, Bác dành cả niềm tin cho mỗi đảng viên. Bởi đảng viên là người tiên phong, là người gương mẫu, luôn luôn đi đầu trong tất cả mọi công việc. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” là vậy. Bác dặn dò với tất cả tấm lòng của vị cha già dân tộc. Bác nhấn mạnh từng lời, từng ý để mỗi đảng viên thấm nhuần lời căn dặn đầy tình cảm và đầy trách nhiệm: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Điệp ngữ “thật sự” được lặp lại nhiều lần ở đây có ý nghĩa gì? Phải chăng Bác nhằm nhấn mạnh, ghi sâu vấn đề được đặt ra là mỗi đảng viên phải “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
“Thật sự” có nghĩa là “Thật, có thật, với mức độ đầy đủ hoặc với đầy đủ ý nghĩa”. Rõ ràng Bác muốn mỗi đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng với mức độ đầy đủ, mức độ cao, có thực chất. Bác còn nhấn mạnh mỗi đảng viên phải thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” với đầy đủ ý nghĩa của những từ ngữ này trong lời nói, trong việc làm hàng ngày chứ không chỉ là hô khẩu hiệu suông.
Bên cạnh đó, giọng văn luôn nhấn mạnh những chỗ cần thiết đã góp phần khẳng định sự tất yếu của vấn đề nêu ra (Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân)…
ThS. Lê Đức Đồng
Tài liệu tham khảo: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – NXB Chính trị quốc gia, 2012; Từ điển Tiếng Việt – Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 1997.
Bình luận (0)