Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những bài học trong mùa dịch COVID-19 bố cần nói với con

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bố đang cố gắng làm giàu cho các con không chỉ bằng kiến thức mùa dịch chúng ta hay nói với nhau trong mỗi bữa cơm. Mà nhiều hơn nữa.

Trên mạng đang lưu truyền bài viết này: 

Cha mẹ "giàu", cha mẹ "nghèo” dạy con về vi-rút #corona.

Cha mẹ "nghèo" dọa con: Con vi-rút ấy rất là khủng khiếp, con phải ở trong nhà tuyệt đối không được bén mảng ra ngoài nghe chưa!

Cha mẹ "giàu" dặn con: Con cần tự chăm sóc và bảo vệ bản thân tốt hơn để cùng cộng đồng chiến thắng dịch bệnh nhé! 

Cha mẹ "nghèo": Hãy đi gom thật nhiều khẩu trang có thể, bao nhiêu tiền cũng mua! 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cha mẹ "giàu": Hãy mua khẩu trang vừa đủ dùng thôi để người khác cũng có mà dùng và tiết kiệm tiền của con cho những bất trắc khác có thể đến.

Đọc tin về những người nhiễm vi-rút, cha mẹ "nghèo" lẩm bẩm: Cầu cho cái bọn bệnh tật ấy không bao giờ bén mảng sang chỗ chúng ta! 

Cha mẹ "giàu" bảo con: Hãy cầu nguyện ông trời sớm chữa lành cho họ!

Con nghỉ học vì dịch bệnh, cha mẹ "nghèo" quát: Còn không mau lấy sách vở làm bài, ôn bài bù lại những ngày nghỉ học! 

Cha mẹ "giàu" chỉ nói: Chẳng mấy khi con được nghỉ ngơi khỏi chuyện trường lớp. Hãy tranh thủ thời gian này để học hay làm việc gì đó mà con rất muốn từ lâu rồi nhưng vì tất bật bài vở mà chưa làm được!

Đọc xong, bố không biết mình thuộc loại cha mẹ “giàu” hay cha mẹ “nghèo” nữa. Nỗi lo lắng con vi-rút Corona không lớn bằng nỗi thắc thỏm tám tiếng lúc các con ở trường, sự mải chơi, hay quên của các con. Nên bố cho mấy đứa nghỉ học trước cả quyết định của nhà trường. Ba tuần nghỉ, bài vở thầy cô cho nhiều ăm ắp.

Trong nhóm phụ huynh, nhiều cha mẹ than trời vì bài vở nhiều quá. Như những cha mẹ “giàu”, nhiều người đã không bắt con thực hiện yêu cầu của nhà trường. Nhiều cha mẹ “giàu” khuyến khích con nghỉ ngơi, tranh thủ làm những điều các con muốn. Bố thì rõ là giống các cha mẹ “nghèo” khi không cho các con ngủ nướng, bắt các con tham gia đúng giờ các buổi học online của nhà trường, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu nhà trường đặt ra. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bố đâu có phải vì thành tích học tập hay vì sợ các con nghỉ học lâu hổng kiến thức. Là vì bố muốn các con hiểu về trách nhiệm và nghĩa vụ. Là vì bố muốn các con thực hành kỷ luật. Các thầy cô đã rất nỗ lực, sao chúng ta hững hờ với cố gắng ấy của các thầy cô? Thứ bố muốn chỉ là sự đón nhận. Nên kể cả bài quá nhiều các con không đủ thời gian làm hết thì các con vẫn cần phải làm hết sức. 

Những ngày này, các con nghỉ học thay vì ru rú ở nhà tránh ra chỗ đông người thì bố vẫn ngày ngày “bày vẽ” đủ chuyến đi. Có khi chỉ là cả nhà đi bộ vòng quanh khu xóm mình. Có khi chỉ là chọn một công viên vắng để cả nhà tản bộ. Không chỉ là bắt các con vận động, mà còn là thực hành một thói quen. Là đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay khi về nhà.

Để chúng ta cùng tạo thành thói quen kể cả sau khi dịch đi qua thói quen đó vẫn còn ở lại. Là để cùng các con đối mặt với dịch nhưng trong tầm kiểm soát của cha mẹ. Là để các con không sợ hãi rúm ró trước con vi-rút Corona mà các con sẽ hiểu rõ về con vi-rút ấy, không chạy trốn nó, núp né nó. Bởi năm năm, mười năm nữa, khi các con có gia đình, con cái, các con sẽ có “kinh nghiệm” đi qua dịch. 

Và cuối cùng, bố đang cố gắng làm giàu cho các con không chỉ bằng kiến thức mùa dịch chúng ta hay nói với nhau trong mỗi bữa cơm. Mà nhiều hơn, là những câu chuyện xảy ra trong mùa dịch.

Từ MV “Vũ Hán, em khỏe không?” xúc động với hình ảnh những y bác sĩ Vũ Hán đang cố gắng chiến đấu với dịch. Từ chuyện cậu bé dùng toàn bộ tiền mừng tuổi mua khẩu trang phát tặng miễn phí. Từ câu chuyện thầy trò cùng nhau chế nước rửa tay để tặng mọi người… 

Mỗi câu chuyện cảm động về lòng người, tình người đều trở thành những “tài sản” làm giàu trái tim các con. 

Theo Hoàng Anh Tú/Phunuonline

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)