Các em HS đang nghe diễn giả nói về tình cảm cha mẹ đối với con cái
|
Hiện nay có một số bộ môn đã làm tốt chức năng giáo dục học sinh (HS) qua thao tác tích hợp trong giờ dạy. Tuy nhiên, nếu có những tiết ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp thì sẽ giúp HS rèn luyện tốt hơn kỹ năng sống.
Vừa qua, toàn thể HS Trường THCS Đống Đa (Q.Bình Thạnh) đã được tham dựbuổi nói chuyện chuyên đề rất sinh động với chủ đề: “Tình cảm gia đình”. Các em HS đã thật sự bị lôi cuốn bởi những câu chuyện xúc động về lòng thương yêu bao la của cha mẹ đối với con cái.
Gương sáng – gương mờ
Mặc dù đã được học các bài của sách giáo khoa hay đọc những câu chuyện về tình mẫu tử, tình phụ tử trong sách đạo đức, sách tập đọc… nhưng nhiều em HS vẫn xúc động với đức tính hi sinh thầm lặng của đấng sinh thành trong những câu chuyện kể của các diễn giả. Dù các câu chuyện được hai anh Nguyễn Vũ Nguyên và anh Nguyễn Hoàng Hạ (báo cáo viên của Trung tâm Châu Á – Thái Bình Dương) gom nhặt từ trong nước hoặc nước ngoài, chuyện cũ hay chuyện mới nhưng đều có một mẫu số chung đã trở thành chân lý: “Cha mẹ thương con bằng trời bằng bể”. Qua các câu chuyện được đúc kết từ thực tế, các diễn giả đã làm cho người nghe sống lại những xúc cảm về tình yêu thương của các thành viên trong gia đình mà có lúc tưởng như bị bỏ quên trong nhịp sống hối hả.
Bên cạnh những tấm gương tốt về lòng hiếu thảo vẫn còn những thái độ thờ ơ và sống thiếu trách nhiệm với gia đình, với bố mẹ như những “tấm gương mờ”. Đây cũng chính là lời cảnh báo cho những ai còn coi trọng đồng tiền hơn nghĩa nhân, chỉ biết lo cho bản thân mà không biết lo cho cha mẹ. Tuy là những câu chuyện mang màu sắc ngụ ngôn nhưng lại chuyển tải được rất nhiều thông điệp mang ý nghĩa giáo dục to lớn cho lứa tuổi học trò. Dù một việc làm rất nhỏ, một cử chỉ không đúng mực về lòng hiếu thảo nhưng chắc chắn sẽ gây tổn thất không nhỏ cho người đã rứt ruột sinh con và dày công dưỡng dục. Đó chính là một bài học mà các em thu hoạch được trong buổi sinh hoạt ngoại khóa này.
Những bài học đạo đức
Câu chuyện đứa con sống mặc cảm vì có người mẹ khuyết tật đã làm cho em Trang Minh Hiền – HS lớp 9A1 – vừa giận vừa thương. Minh Hiền thương cho cậu bé chịu quá nhiều thiệt thòi khi người sinh ra mình không đủ hình hài như bao người mẹ khác nhưng lại giận cậu bé không biết san sẻ nỗi đau của người đã sinh ra mình. Không chỉ cha mẹ là chỗ dựa cho con cái mà nhiều khi con cái lại là chỗ dựa lớn lao về tinh thần cho cha mẹ. Không một ai muốn sống mà thiếu vắng hình bóng đứa con thân yêu của mình: “Dù đi đâu con vẫn là con của mẹ”. Với em Cáp Ngọc Phương – HS lớp 9A3 – tình thương yêu mẹ cha là một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng như câu ca dao đã khẳng định: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. “Nhưng mỗi lần xem chương trình “Khoảnh khắc kỳ diệu” trên ti vi, dù là con trai nhưng em cũng không khỏi xúc động trước những tấm lòng của con cái đối với mẹ cha mà không gì so sánh được”, Ngọc Phương chia sẻ. Theo Ngọc Phương, dù được nghe các diễn giả nói chuyện trong thời gian rất ngắn (60 phút) nhưng có biết bao điều đã đọng lại trong em về tình cảm gia đình – một thứ tình cảm cứ tưởng bình thường như cơm ăn nước uống mỗi ngày nhưng vô cùng cao quý và diệu kỳ. Buổi ngoại khóa làm em hiểu thêm về tấm lòng người mẹ và tình thương yêu của con cái đối với cha mẹ.
Trao đổi về buổi sinh hoạt có ý nghĩa giáo dục này, cô Đặng Hoàng Phương Hiền – Tổng phụ trách Đội Trường THCS Đống Đa – tâm sự: “Những buổi sinh hoạt giáo dục kỹ năng sống không chỉ giúp HS có thêm sân chơi về giáo dục tư tưởng mà qua đó còn giúp các em được rèn luyện thêm về kỹ năng sống, hình thành được những phẩm chất và nhân cách của một người HS trong trường phổ thông, nhất là khi ngoài xã hội có rất nhiều ảnh hưởng xấu dễ làm nguy hại đến lối sống của các em”.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Không chỉ cha mẹ là chỗ dựa cho con cái mà nhiều khi con cái lại là chỗ dựa lớn lao về tinh thần cho cha mẹ. |
Bình luận (0)