Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những bài văn chắp vá

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo M. (đồng nghiệp mới của tôi) kể, mấy năm công tác ở trường cũ luôn được nhiều học trò yêu mến. Khi viết bài văn đề tài về thầy cô, cô M. vẫn được nhiều học trò lựa chọn. Có lần một học trò tên V. tâm sự với cô M.: “Hôm làm bài kiểm tra tả về một cô giáo mà mình yêu mến, em đã miêu tả cô H. dạy văn lớp em, nhưng em tả cả cô nữa đấy”. Cô M. ngạc nhiên: “Sao em tả cô giáo đang dạy em lại còn tả cả cô vào bài văn nữa?”. V. ngập ngừng trả lời: “Người mà em muốn tả là cô. Nhưng em sợ tả cô sẽ làm cho cô giáo đang dạy em buồn”. Cô M. chưa kịp hỏi thì V. thanh minh tiếp: “Em chỉ mượn dáng đi, khuôn mặt, nụ cười, giọng nói và lời giảng của cô để viết về cô giáo dạy văn. Nhưng khi tả thân hình, em không mượn cô để tả thân hình cô ấy được, vì cô ấy hơi mập và không cao như cô”. Nghe thế, cô M. thật sự không bằng lòng: “Em miêu tả ai thì miêu tả một người chứ sao lại lấy một số điểm của cô để ghép vào cô ấy. Ngoại hình của cô giáo như thế nào thì em cứ miêu tả như vậy chứ sao lại “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”, như vậy là em đã viết dối rồi”.

Những người dạy văn có tâm huyết rất buồn vì điểm số ảo trong các bài kiểm tra, vì sự sáo rỗng xa rời thực tế trong bài làm của học sinh. Việc học trò “chắp” cô giáo dạy mình năm trước để “vá” vào cô giáo đang dạy văn lớp mình là một điều dễ hiểu đối với “lối văn công thức” hiện nay. Vậy sự chắp vá bắt nguồn từ đâu? Có thể nói rằng cũng một phần do học trò, nhưng cái gốc cần nhổ là từ chính thầy cô và cha mẹ. Tại sao lại như vậy?

Thứ nhất, nếu miêu tả hay ngợi ca cô giáo khác sẽ khiến cho cô giáo đang dạy “phật lòng”, bởi nhiều giáo viên muốn học sinh viết về mình dù biết mình không xứng. Thứ hai, chính trong gia đình cha mẹ cũng hướng cho con cái viết xa sự thật theo ý người lớn để mong kiếm điểm cao cho bằng bạn bằng bè. Nhớ một lần tôi ra đề cho học sinh viết về thầy cô mà các em yêu mến. Đã có nhiều em viết về tôi, trong đó có một bài viết khá hay nhưng tôi chỉ hạ bút điểm 5. Nhận lại bài viết em thắc mắc, tôi giải thích rằng thầy ở ngoài đời đâu có ngoại hình đẹp, trắng trẻo như em tả…

Thực tế cho thấy, hiện nay những bài văn “chắp vá” vẫn còn đất sống vì căn bệnh thành tích. Không biết bao giờ việc dạy và học văn trong trường học mới thực sự đúng với tuyên ngôn: “Văn học là nhân học”.

Hoàng Thái Hùng
(Trường THCS-THPT Bác Ái, TP.HCM)

Bình luận (0)