Là Tổ trưởng Tổ văn, giảng viên chính của Trường dự bị ĐH Dân tộc TW Nha Trang, vì vậy Đỗ Thành Dương luôn học hỏi và tìm tòi, nghiên cứu để tốt trong công tác cũng như thỏa mãn đam mê tâm huyết của mình. Hàng trăm bài viết của anh đã đăng trên nhiều báo dưới dạng những câu chuyện ngôn ngữ với cuộc sống. Anh đã tuyển chọn 44 bài viết tiêu biểu in trong tập sách này.
Học sinh THCS đọc tác phẩm trong tiết học môn ngữ văn (ảnh minh họa). Ảnh: Y.H
Ngay từ đầu sách, với bài viết tựa đề: “Nên nói giọng gì trên đài truyền hình quốc gia?, tác giả đã đề cập đến giọng phát âm một số phát thanh viên, biên tập viên, truyền hình địa phương: “… Xét về mặt chính tả, tất cả các thổ âm trên đất nước ta, không có một thổ âm nào là thể hiện hoàn toàn đúng với chính âm, mà thổ âm nào cũng có ít nhiều sai lệch so với chính âm. Trong đó, thổ ngữ Hà Nội có độ sai lệch so với chính âm ít nhất: Các âm vị đoạn tính bị sai lệch chủ yếu là ở 3 phụ âm đầu quặt lưỡi r, s, tr và các vần ươu, ưu… Còn đối với âm vị siêu đoạn tính (6 thanh điệu) thì phương ngữ Bắc, tiêu biểu là thổ ngữ Hà Nội phát âm phân biệt rõ rệt, chính xác bậc nhất trong cả 3 vùng phương ngữ”. Trong lúc đó, theo phân tích của tác giả, thổ ngữ Huế (phương ngữ Trung bộ) không những sai lệch khá nhiều về mặt âm vị đoạn tính (đặc biệt là phần âm cuối c-t, n-ng…) mà còn sai lệch về âm vị siêu đoạn tính (đồng nhất các thanh điệu huyền-sắc-nặng, mà phương diện này thổ ngữ Hà Nội không bao giờ sai lệch). Cùng với đó, thổ ngữ Sài Gòn (phương ngữ Nam bộ) cũng có nhiều sai lệch về mặt âm vị đoạn tính (đặc biệt là phần âm đầu v-d, r-g…), đồng thời còn sai lệch về âm vị siêu đoạn tính (đồng nhất các thanh điệu hỏi-ngã, mặt này thổ ngữ Hà Nội cũng không hề sai lệch). Từ những kết quả so sánh, phân tích, tác giả cho rằng xét trên góc độ ngữ âm, phương ngữ Bắc bộ (tiêu biểu là thổ ngữ Hà Nội) là tồn tại ít sai lệch nhất trong mặt phát âm so với hai vùng phương ngữ còn lại.
Tập sách của tác giả Đỗ Thành Dương
Tác giả tập sách còn đề cập đến một tồn tại khá phổ biến hiện nay trên báo viết qua bài: “Những thành ngữ thường bị dùng sai trên báo”. Trong đó có cụm từ: “Bài binh bố trận”. Theo đó, ý nghĩa của thành ngữ này là bố trí lực lượng thành thế trận sẵn sàng chiến đấu, sắp xếp thế trận để chuẩn bị giao tranh với quân địch. Nhưng có khi bài báo chạy tít, dùng thành ngữ này là “bày binh bố trận”. Đối với loại lỗi này, theo tác giả, các nhà báo, phóng viên khi sử dụng thành ngữ Hán Việt thì nên nhất quán như nguyên bản, không nên tùy tiện lắp ghép, kết hợp một cách “cọc cạch” các yếu tố Hán Việt, thuần Việt với nhau. Hay: “Đơn thương độc mã”. Thành ngữ này hay bị viết nhầm thành… “đơn thân độc mã”. Và như thế có thể bị hiểu nôm na là “một mình một ngựa”. Hoặc có khi bị nhầm là “đơn phương độc mã” – một hướng một ngựa, như vậy là chưa chuẩn xác. Tác giả cho rằng, dù các chữ “thân”, “phương” cũng đều có yếu tố Hán Việt, song nên sử dụng đúng dạng thành ngữ, điển tích nhằm tránh tình trạng tam sao thất bản.
Các bài viết nghiên cứu thường khô khan, khó đọc. Tuy nhiên, tác giả Đỗ Thành Dương dựa theo dòng sự kiện xã hội, khéo léo nói xa nói gần, lấy xưa nói nay. Có những bài tham luận, trao đổi chữ nghĩa như “Bàn thêm về từ láy”, “Bàn thêm từ gốc Hán”… giúp cho người đọc hiểu thêm một số vấn đề. Qua tập sách, những giọng nói, âm điệu, từ ngữ của các địa phương, vùng miền giúp cho bạn đọc cảm thấy hấp dẫn và thú vị, giống như một chuyến du lịch qua thế giới ngôn từ nhưng cũng đón nhận được những lời nhắc nhở không kém phần sâu sắc, ý nhị.
Lê Đức Quang
Bình luận (0)