Xây dựng dễ, “nuôi” sống mới là khó Nếu các trường học muốn xây dựng một website động với yêu cầu trung bình thì chỉ cần thời gian khoảng 1 tuần với kinh phí “cứng” tầm 5-7 triệu đồng. Đó là một khoản không nhỏ nhưng cũng là “chấp nhận được” với các trường học. Tuy nhiên, cái khó là làm sao để website không bị “chết yểu” sau khi ra đời. Theo anh Nguyễn Trung Hiếu, giám đốc một công ty chuyên thiết kế web thì thông thường, việc “nuôi” một website, ngoài các thiết bị cần thiết như một máy tính cấu hình khá, mạng Lan, kết nối internet (có máy scan và máy ảnh số thì càng tốt) thì quan trọng nhất là vấn đề nhân sự. Phải có người chuyên trách có những hiểu biết về mạng máy tính, thực hiện tốt các kỹ năng như sử dụng trình duyệt, đăng ký, hoạt động trong các diễn đàn, email, download, upload các tài liệu, hiểu biết về HTML và cơ sở dữ liệu…Người phụ trách nội dung có khả năng viết tin, bài và biên tập tốt. Công việc chiếm nhiều thời gian và công sức nhất là thường xuyên phải có quản trị viên theo dõi hoạt động của website từng ngày, từng giờ. Việc đáp ứng được những yêu cầu này, đặc biệt đối với các trường khối công lập bậc phổ thông, tiểu học, mầm non còn rất hạn chế. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều trường mặc dù có kinh phí nhưng chưa mạnh dạn làm web. Cũng có nhiều trường làm web theo phong trào mà chưa tính đến những vấn đề nảy sinh để duy trì nó hoạt động nên chỉ tồn tại được một thời gian. Nếu search để tìm website các trường học trên mạng, ta sẽ bắt gặp rất nhiều tên miền không truy cập được hoặc gặp những thông báo tên miền đang bị tạm ngừng sử dụng. Đó thực sự là một lãng phí không đáng có. Thực trạng các website trường học hiện nay Hiện nay, việc các trường học xây dựng website đã trở thành phổ biến, cũng là phù hợp với xu thế chung của xã hội. Với chức năng là kênh trao đổi thông tin dễ dàng và thuận tiện nhất giữa giáo viên, học sinh và nhà trường, giữa nhà trường, gia đình và xã hội, website của nhiều trường học đã thực sự phát huy được những tiện ích. Tuy nhiên, không ít website của các trường sau khi xây dựng xong gần như trở thành một “ngôi nhà” hoang vắng ít người ghé thăm. Có số lượng website ít nhất hiện nay là các trường mầm non khối công lập. Tuy nhiên, một trong những trường xây dựng website sớm nhất khối này là Trường mẫu giáo Chim Non (http://www.maugiaochimnon.edu.vn) lại hoạt động khá hiệu quả. Website các trường như Chu Văn An (www.chuvanan.org); Amstecdam (www.hn-ams.org); Trường tiểu học Cát Linh (www.catlinhschool.edu.vn); Trường THPT Bỉm Sơn, Thanh Hoá (thpt-bimson-thanhhoa.edu.vn)… cũng hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, số lượng những trường có website hoạt động phát huy được tiện ích như vậy không nhiều. Nếu chịu khó lướt qua hàng loạt website của các trường có thể truy cập được trên mạng, có thể bắt gặp những trang mà nội dung hàng năm không được cập nhật. Vào website Trường THPT Yên Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội) (http://thpt-yenhoa-hanoi.edu.vn), ta hầu như không tìm được thông tin gì về trường, mục Tin tức nhà trường cũng hoàn toàn trống rỗng. Website của Trường tiểu học Kim Đồng (quận Gò Vấp – TP. HCM) (http://www.kimdonggv.com), mặc dù phần thông tin về giới thiệu nhà trường, hoạt động trong tuần, hoạt động đoàn đội vẫn để trống thì đã có tới hơn 100 trò chơi game từ game bắn súng, hành động, đua xe… được cập nhật. Ta cũng sẽ gặp một số tên miền mang tên trường nhưng thực ra là diễn đàn do các học sinh trong trường lập ra. Không có người kiểm duyệt nên nội dung trong những diễn đàn này vô cùng tạp nham, lộn xộn. Việc thành lập website trong các trường học là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của xã hội. Nên chăng, các trường nên tính toán một cách kỹ lưỡng trước khi xây dựng website để tránh lãng phí, khi đã xây dựng thì cần đầu tư một cách nghiêm túc để website hoạt động thực sự hiệu quả, trở thành công cụ đắc lực cho các hoạt động của nhà trường. Nguyễn Nhung (Giáo dục & Thời đại) |
Bình luận (0)