Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Những bản làng mang họ Bác

Tạp Chí Giáo Dục

Người Vân Kiều, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy, Tà Ôi, Cok… mang họ Bác Hồ dọc dãy Trường Sơn từ Quảng Trị cho đến Quảng Ngãi không chỉ được biết đến như những nơi giàu truyền thống văn hóa dân gian mà còn là vùng đất với những con người giàu lòng yêu nước…

Lời hiệu triệu của trái tim
Dưới cơn mưa rừng chiều miền Tây xối xả, bên bếp lửa nhà sàn cheo leo vách núi, giọng người cựu chiến binh Hồ Thư (82 tuổi) ở xã A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị) trầm bổng kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng xa xưa. Những câu chuyện in hằn trong trí nhớ của cái tuổi đã ngoài 80 như có ngọn lửa cứ âm ỉ cháy.
“Năm 1946, Bác Hồ đã cử cán bộ vào thăm hỏi ân cần đồng bào Vân Kiều Quảng Trị và những tộc người thiểu số khác. Đoàn cán bộ mang theo nhiều ảnh của Bác tặng cho các bản làng xa xôi. Những người già sống qua hơn 80 mùa rẫy được Bác gửi tặng những chiếc áo lụa mừng thọ. Hồi đó ôm chiếc áo lụa trên ngực, không chỉ riêng ba tui mà cả tộc người Vân Kiều, Pa Cô đều vui sướng, xúc động đến trào nước mắt”, ông Hồ Thư nhớ lại. Ông bảo đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà ông và bà con dân bản được đón nhận.

Trẻ em dân tộc thiểu số đã được đến trường học chữ Bác Hồ để thoát nghèo.
Giữa không gian tĩnh lặng, lời Hồ Thư trầm ấm nói về bao ước mơ dung dị, khát vọng của những con người hồn hậu trong lòng mẹ núi rừng. Khát vọng ấy đã được Đảng, Bác Hồ “hóa giải” thành hiện thực. Ông nhớ lại: “Trước đây, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ này chỉ quen với lối sống du canh du cư. Nhiều bản làng đến chưa ấm chỗ đã vội dời đi nơi khác để kiếm cái ăn. Rồi chiến tranh xảy ra, đến cả chỗ ở yên bình cũng không có huống chi nói đến chuyện canh tác, sản xuất. Bà con bị đàn áp, o ép đủ thứ. Nhờ có Bác Hồ, có cách mạng bà con mới tìm ra con đường sáng. Dẫu chưa một lần gặp Bác, nhưng trong tâm thức của những người Vân Kiều, Pa Cô chúng tôi, hình ảnh Bác vẫn luôn ở bên cạnh”.
Ánh sáng cách mạng đã soi đường cho những người con dân tộc thiểu số ở các bản làng cheo leo trên dãy Trường Sơn tìm thấy chân lý, yêu hơn cuộc sống. Dẫu chưa một lần được gặp Bác, nhưng với đồng bào miền Tây Trường Sơn, hình ảnh của vị cha già dân tộc ấy gần gũi và thân thương lắm. Những cao niên người Vân Kiều ở Quảng Trị vẫn còn nhớ như in: “Ngày 26-6-1946 đồng bào Vân Kiều đã cử người đầu làng, trưởng bản đến chân núi Cooclapangxong làm lễ ăn thề. Lửa được đốt lên, đồng bào lần lượt cắt máu mình pha vào một ché rượu, những già làng lần lượt chuyền tay nhau uống bát rượu ấy để cùng nhau thề với Giàng, với núi rừng đại ngàn rằng người Vân Kiều và những tộc người khác mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ, dân tộc nào ăn ở hai lòng sẽ bị Giàng trừng phạt, không sinh được con để nối dòng, sẽ lụi tàn như cây gỗ mục”.
Trước khí thế cách mạng sục sôi, Mỹ – Diệm đã ra sức đàn áp, thảm sát, giết hại hơn 3.000 người Vân Kiều, Pa Cô ở miền Tây Quảng Trị. Nhưng chúng không thể nào khuất phục người mang họ Hồ. Phong trào đã lan rộng ở những tộc người khác như Pa Cô, Tà Ôi, Cok… từ Thừa Thiên Huế cho đến Quảng Ngãi.
Đã hơn 40 mùa mưa nắng đi qua nơi này, nhưng lớp người già của đồng bào Cor (Quảng Ngãi) vẫn tự hào nhắc nhở con cháu về nguồn gốc họ Hồ của dân tộc mình. Sáng 9-9-1969, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Cor vượt núi, băng rừng hàng ngày đường để về chiến khu Trà Lãnh (nay thuộc huyện Tây Trà, Quảng Ngãi) dự lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh do Huyện ủy Trà Bồng tổ chức. Nước mắt tuôn rơi trên những khuôn mặt dạn dày sương gió, từng chịu đựng đắng cay gian khổ suốt bao nhiêu năm sống mái với kẻ thù để gìn giữ lời thề sắt son một lòng theo Đảng, theo Bác.
 Tại buổi lễ truy điệu Bác, các già làng người Cor đã đề đạt nguyện vọng, đồng bào Cor “muốn được mang họ Bác Hồ – Hồ Chí Minh” để thể hiện tấm lòng trung kiên với Đảng, ghi nhớ công ơn của Bác và làm theo lời dạy Bác Hồ. Nguyện vọng ấy được trung ương đồng ý. Từ đó đến nay, đã hơn 40 năm, người Cor vinh dự và tự hào được mang họ Bác Hồ.
Những điển hình thời hội nhập
Nối tiếp lòng yêu nước của Anh hùng Hồ A Vai, Hồ Can Lịch ở miền Tây Thừa Thiên Huế, về lại các bản làng mang họ Bác hôm nay, đi đến đâu cũng nghe bà con truyền tai câu chuyện về người cựu chiến binh giàu lòng nhân ái ở xã A Dơi (Hướng Hóa, Quảng Trị). Đó là ông Hồ Mơ, năm nay ngoài 80 tuổi, thương binh 1/4.
Nói về Hồ Mơ, nhiều người gọi ông bằng cái tên trìu mến “cha đẻ một miền rừng”! Năm 1983, thấy đất rừng quê nhà bị tàn phá nặng nề, Hồ Mơ đã một mình gồng gánh vào tận chốn rừng sâu để mở đường mòn và trồng rừng như một câu chuyện huyền thoại. Ròng rã suốt ba tháng trời, trần lưng dưới cái nắng như đổ lửa, hứng những cơn mưa rừng xối xả, Hồ Mơ lặng lẽ mở gần chục cây số đường rừng, phủ xanh cánh đồi trọc, giúp dân làm kinh tế. Mở đường xong, Hồ Mơ làm thủ tục xin chính quyền địa phương vỡ đất, gây dựng trang trại nơi cuối con đường mòn với mục đích “thoát khỏi đói nghèo và có cơ sở để chỉ cho nhiều người khác cùng làm”. Ba năm sau, Hồ Mơ đã có một trang trại với đủ loại cây lương thực chuối, cao su, lúa… cùng 3 hồ cá, 120 con bò, 15 con trâu. Nguồn thu từ trang trại, vợ chồng Hồ Mơ dùng giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
“Thời đó chưa có Đảng, chưa có Bác Hồ, dân bản không thành con người, có mắt như mù, có tai như điếc, không có cơm ăn, không có áo mặc, không có thuốc chữa bệnh, sống du canh du cư dẫn đến đau ốm, bệnh tật triền miên. Nhờ có Bác, có Đảng cuộc sống của đồng bào mới được ấm no như hôm nay…”, Anh hùng LLVTND Hồ A Vai, người con ưu tú của đồng bào Pa Kô (A Lưới, Thừa Thiên Huế) nói.
Không chỉ được mệnh danh là “cha đẻ một miền rừng” mà Hồ Mơ còn có cái tên đặc biệt là “cha đẻ của trẻ em mồ côi”. Hơn 40 năm qua, Hồ Mơ đã dang rộng vòng tay nhân ái, nuôi 12 đứa trẻ mồ côi trong bản: “Con đồng bào cũng như con mình. Mình không nỡ lòng nào nhìn chúng sống đói sống khát, lớn lên trong cảnh bơ vơ. Nuôi dạy chúng khôn lớn, thành người có ích là mình mãn nguyện rồi. Mình có ba đứa con ruột, đứa nào cũng giống nhau cả, lúc lấy vợ, lấy chồng, mình đều dựng cho một căn nhà sàn, cho một con bò, một con trâu làm vốn, chỉ dạy cách làm ăn, yêu thương vun vén cho gia đình”, Hồ Mơ nói.
Ngoài gia đình Hồ Mơ, đã xuất hiện hàng trăm hộ Vân Kiều mỗi năm thu nhập cả trăm triệu đồng. Như anh Hồ Thư, Hồ Ăm Thiêm, Hồ Dỏ, Hồ A Dọa từ việc phát triển chăn nuôi, trồng cây hồ tiêu, bời lời, chuối, sắn mì…
“Điều đáng mừng hơn cả là thế hệ con cháu Bác Hồ trên dãy Trường Sơn hôm nay đã phá bỏ hủ tục lạc hậu, nhiều hộ gia đình đã thoát được cảnh nghèo. Gần 100% con em trong độ tuổi được đến trường, được học đại học và quay về phục vụ bản làng”, ông Hồ Pờn, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) phấn khởi cho biết.
Bài, ảnh: Phan Lệ

Bình luận (0)