Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Những bàn tay vàng lành nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Nguyễn Duy Thanh (SN 1993) và Đinh Duy Tân (SN 1987) là hai trong số 20 đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015, với những thành tích nổi bật trong lĩnh vực sản xuất. Một người giành huy chương đầu tiên của kỳ thi tay nghề thế giới về Việt Nam; một người có nhiều sáng kiến có giá trị kinh tế cao.

Ghi danh tay nghề Việt

Nguyễn Duy Thanh – sinh viên khoa Công nghệ Thông tin, ĐH Công nghiệp TPHCM giành huy chương đồng nghề Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, đồng thời đạt giải thí sinh xuất sắc nhất quốc gia – Best Of Nation trong kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2015 tại Brazil. Thành tích của Thanh không chỉ giải “cơn khát” huy chương của đoàn Việt Nam sau nhiều lần tham dự đấu trường thế giới này, mà còn góp phần khẳng định trình độ tay nghề của lao động trẻ Việt so với lao động trẻ các nước phát triển.

Thanh đã được T.Ư Đoàn trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo năm 2015; Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Trước khi đến với đấu trường thế giới, Thanh giành huy chương vàng kỳ thi cấp quốc gia và được Tập đoàn Samsung tuyển chọn, đưa sang Hàn Quốc học tập, ôn luyện hơn một năm. Thanh cho hay, khoảng thời gian tại xứ sở Kim Chi đã cho Thanh cơ hội tìm hiểu sâu hơn về chuyên ngành, nâng cao tay nghề và thái độ, kỹ năng chuyên nghiệp từ các đồng nghiệp trẻ.

Những bàn tay vàng lành nghề - ảnh 1
Nguyễn Duy Thanh.

Sau khi đạt kết quả ấn tượng tại cuộc thi nghề thế giới, Thanh tiếp tục học tập tại khoa Công nghệ Thông tin của ĐH Công nghiệp TPHCM; tiếp tục theo đuổi lĩnh vực lập trình và quản lý phần mềm. Đến nay, Thanh cũng tham gia nhiều hoạt động tư vấn hướng dẫn, chia sẻ về kinh nghiệm lập kế hoạch, quản lý thời gian bài thi… với lớp sinh viên khóa sau.

Kể về cơ duyên gắn với công nghệ thông tin, Thanh cho biết, từ lớp 6 đã rất thích máy tính, chơi game và luôn muốn tìm hiểu nguyên lý hoạt động của trò chơi. Tình yêu công nghệ thông tin của cậu càng lớn hơn khi vào đại học, tham gia sâu hơn trong lĩnh vực lập trình và quản lý phần mềm. Chính niềm đam mê của Thanh đã ghi dấu ấn trong đồng nghiệp những ngày học tại Hàn Quốc khi mỗi tháng đề xuất tới hai đề tài (trong khi yêu cầu của ban huấn luyện mỗi tháng một đề tài kiểm tra), như: Phần mềm quản lý một cửa tiệm, phần mềm bán hàng…

Thanh cũng cho hay, trở về từ kỳ thi tay nghề thế giới, đã được công ty Samsung ngỏ ý mời về làm việc tại Samsung TPHCM sau khi ra trường. “Đây là cơ hội tốt để mình tiếp tục theo đuổi đam mê lập trình và quản lý phần mềm và học hỏi kinh nghiệm trong công việc”, Thanh nói.    

Người thợ đầu đàn 8X

Vượt qua nhiều thợ có thâm niên tuổi nghề hàng chục năm, anh Đinh Xuân Tân – xí nghiệp Công nghiệp và dịch vụ ô tô (ISAMCO) thuộc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, là một trong những người thợ trẻ nhất được Tổng công ty bình chọn danh hiệu “Người thợ đầu đàn” nhiều năm liền từ 2013 đến nay.

Để đạt danh hiệu này, mỗi người thợ phải đạt bảy tiêu chí, trong đó ngoài có tay nghề giỏi, cần phải được đồng nghiệp tín nhiệm ít nhất đạt 70% số phiếu. Điều đặc biệt, người thợ đầu đàn này đã có bằng kỹ sư, hiện là cố vấn dịch vụ cho xí nghiệp để đảm bảo việc nâng cấp máy móc thiết bị sản xuất. Anh Tân còn là Bí thư Đoàn Thanh niên xí nghiệp Công nghiệp & Dịch vụ ô tô ISAMCO. Năm 2015, anh được trao giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc, Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM.

Những bàn tay vàng lành nghề - ảnh 2
Người thợ đầu đàn Đinh Xuân Tân (áo cộc tay).

Không chỉ vững tay nghề, nhiệt huyết tuổi trẻ, Đinh Xuân Tân còn ghi điểm khi có nhiều đề xuất, hiến kế giải pháp hay cho xí nghiệp xây dựng mới những hệ thống tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và nhân công, góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất cho xí nghiệp trong thời gian qua. Chẳng hạn, sáng kiến “Giải pháp lắp đặt hệ thống hẹn thời gian bật và tắt cùng ống nước cho hệ thống làm mát nhà Xưởng 139 Cô Giang” và “Giải pháp thiết kế giá đỡ và đồ gá trên bàn ép thủy lực khi thay thế khớp các đăng trục láp” đã giúp tiết kiệm cho đơn vị khoảng 30.960.000 đồng/năm.

Với những thợ trẻ của xí nghiệp, anh Tân còn truyền tinh thần yêu nghề, cầu thị học hỏi. Anh Tân kể, khi học hệ Cao đẳng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, anh đã dành nhiều thời gian trong phòng máy thực tập, mày mò tìm kiếm những giải pháp khắc phục, sửa chữa khi máy móc gặp sự cố. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, anh Tân ngày đi làm, tối lại lên lớp học liên thông đại học và hoàn thành chỉ trong vòng 1,5 năm. “Khi đó, nhiều buổi lên lớp tối chỉ ăn bánh mỳ để kịp giờ học. Mình đăng ký học vượt nên càng phải nỗ lực nhiều”, anh Tân nói. Hiện nay, tại đơn vị, anh Tân còn phụ trách đào tạo lớp thợ trẻ trở thành những người giỏi tay nghề và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp ô tô. Trong vai trò thủ lĩnh Đoàn và cố vấn dịch vụ của xí nghiệp, anh Tân còn linh hoạt khéo kết hợp hoạt động đào tạo nghề với sinh hoạt, hoạt động của Đoàn để bồi đắp tay nghề và đời sống tinh thần cho ĐVTN.

“Khi được nhận danh hiệu Người thợ đầu đàn mình thấy rất vinh dự, cũng là động lực để cố gắng và gương mẫu đi đầu trong mọi hoàn cảnh để hỗ trợ anh em, cũng như xây dựng thương hiệu của đơn vị”.

Trong vai trò thủ lĩnh Đoàn và cố vấn dịch vụ của xí nghiệp, anh Tân còn linh hoạt khéo kết hợp hoạt động đào tạo nghề với sinh hoạt, hoạt động của Đoàn để bồi đắp tay nghề và đời sống tinh thần cho ĐVTN.

Theo Tiền Phong

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)