Coi nhẹ, xem thường, và “quay lưng” với Văn, Sử, Địa, hoặc miễn cưỡng chọn khối C theo kiểu “cùng sào mới phải nhào bừa” đã thành xu hướng chung của các bạn trẻ ngày nay. Tuy nhiên, cũng vẫn có những bạn còn yêu thích, gắn bó và thành công với khối học này.
Bạn Đặng Thị Dinh, thủ khoa khối C ĐH Sư phạm Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2009 (đạt 26,5 điểm ba môn Văn, Sử, Địa) chia sẻ: “Tớ chọn khối C vì học không tốt môn Toán”. Nhưng ai đã học với Dinh thời cấp ba mới hiểu đó là một lời khiêm tốn. Dinh từng nổi tiếng học giỏi toàn diện khắp trường THPT Chuyên Thái Bình (tỉnh Thái Bình) với tổng điểm thi cuối kì, điểm tổng kết các môn Tự nhiên, Ngoại ngữ luôn thuộc tốp đầu khối. Kì thi Tốt nghiệp THPT, Dinh khiến nhiều bạn học khối A, D phải xuýt xoa khi là một trong hai học sinh có tổng số điểm cao nhất trường (57 điểm). Một số giáo viên dạy Toán, Anh, Văn từng khuyên cô thủ khoa này đăng kí thi khối D, Đại học Ngoại thương, nhưng, không chút đắn đo, Dinh đã nộp hai bộ hồ sơ đều xét tuyển bằng khối C.
Có thể, Dinh học trội Sử, Địa hơn Toán, Anh, nhưng lựa chọn ấy, trên hết, vẫn xuất từ lòng yêu thích tìm hiểu về xã hội của bạn. “Nếu được chọn lại, tớ vẫn chọn khối C”, cô nữ sinh khoa Văn lớp Chất lượng cao của Đại học Sư phạm bộc bạch. Bởi, với Dinh, “học khối C giúp mình hiểu biết đa dạng, cụ thể về xã hội đồng thời làm cho tâm hồn phong phú, nhạy cảm, tránh được phần nào lối sống thực dụng”.
Đặng Thị Dinh, thủ khoa khối C ĐH Sư phạm Hà Nội kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2009, cho biết: “Nếu được chọn lại, tớ vẫn chọn khối C”.
Á khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2010 – bạn Bùi Huyền Trang, hiện học lớp Thông tin đối ngoại K30, cũng có cùng quan điểm trên. Ban đầu, Trang học khối C không hẳn vì niềm yêu thích, nhưng trong quá trình gắn bó với nó, cô bạn đã bị cuốn hút bởi những kiến thức thú vị về xã hội. Trang hào hào hứng khoe cô giáo dạy lịch sử ở cấp ba của mình là người vừa giỏi chuyên môn lại thuần thục nghiệp vụ sư phạm.
Trong khi nhiều ý kiến chê học sinh ban C chỉ biết học thuộc, Trang đã khẳng khái bác lại: “Khối C không dành cho những người lười suy nghĩ, kém tư duy, vì đó là những môn học có logic. Nhiều bạn của mình học rất chăm, nhưng cuối cùng không nhớ rõ kiến thức, nên khối C không đồng nghĩa với học vẹt, không có khả năng tư duy”.
Bùi Huyền Trang, á khoa khối C Học viện Báo chí và Tuyên truyền kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2010: “Khối C không dành cho những người lười suy nghĩ, kém tư duy”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Một số bạn trẻ đang theo học ban C cũng có chung suy nghĩ với Dinh và Trang, mặc dù sự lựa chọn của các bạn khó khăn hơn “tiền bối” nhiều lần. Bị gia đình coi là “hết thuốc chữa” khi không chịu về trường huyện học khối A, áp lực trước tình cảnh “khối C rớt giá”, đó là tình cảnh của bạn có tên nick Ifallinlovewithyou_2129 (một học sinh lớp 12 Văn) trên diễn đàn chuyentb.org. Dù vậy, bạn tâm sự: “Nếu được chọn lại, em vẫn chọn khối C, với những môn học em thực sự yêu thích và đam mê”.
Một thành viên khác có tên nick là Phonglado187 trên cùng diễn đàn tỏ ra khẩu khí với câu trả lời “Không thèm” khi bạn bè hỏi “Sao không chọn thi khối A, D?”.
Thẳng thắn nhưng chân tình, người bạn này chia sẻ: “Ngoài chuyện việc làm, kiếm tiền sau này ra, mình nghĩ khối C chẳng thua kém bất cứ khối nào cả. Cầm mấy quyển Văn, Sử, Địa tạo cho mình một hứng thú học mà mình không thể tìm thấy ở bất cứ môn nào khác. Đọc Chí Phèo thôi thúc mình tìm hiểu thêm các tác phẩm khác của Nam Cao….
Cái cảm giác ngắm bản đồ thế giới và cố gắng học tên thủ đô, màu cờ của các nước làm mình không còn bị bó buộc ở mảnh đất hình chữ S. Mình hiểu hơn về con người và nét riêng của mỗi vùng miền”.
Theo Phonglado187, cách nhìn nhận phiến diện về khối C có thể chiếm đa số, nhưng không phải lúc nào đa số cũng luôn đúng.
Đi ngược lại xu hướng của số đông là một điều khó khăn, nhưng một tình yêu đủ lớn cộng với niềm ham hiểu biết xã hội đã giúp nhiều bạn giữ vững lựa chọn của mình, “chung tình” với khối C. Có điều, những người hiểu giá trị và trân trọng ban học này còn quá nhỏ.
Thử lí giải thực tế trên, Huyền Trang bày tỏ: “Cô dạy hay thì trò hay học. Nhưng bây giờ em thấy ít người dạy môn xã hội mà tạo được hứng thú cho học sinh”.
Còn bạn Bùi Thị Thu Huyền, sinh viên năm thứ nhất, ĐH Luật Hà Nội lại cho rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho phương pháp giảng dạy. Có những giáo viên chỉ đọc mà không giảng, nhưng cũng có thầy cô tạo niềm hứng thú, khả năng tư duy cho học sinh bằng cách chia nhóm thảo luận, đặt nhiều câu hỏi so sánh, phân tích… Hơn nữa, cùng một giáo viên dạy, với cùng phương pháp đơn thuần là đọc – chép, cũng vẫn có những học sinh yêu thích khối C, bên cạnh số đông “chán ghét” khối học này.
Phải chăng, để yêu thích và học tốt các môn xã hội, điều quan trọng vẫn là tinh thần tự học, sự ham hiểu biết, ham tìm tòi ở mỗi người? Một khi chúng ta tìm đến các môn xã hội với mục đích trau dồi tri thức thì dẫu không có nhiều người chọn thi ban C, các môn Văn, Sử, Điạ vẫn sẽ tạo sức hút và mang giá trị cao trong xã hội.
Vũ Dương Quỳnh
(Lớp Báo in K29A2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Dan tri
Tin liên quan
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, việc xây dựng một lớp học hạnh phúc không chỉ dừng lại ở những giờ...
Sử dụng nền tảng số, AI để sáng tác nhạc, thiết kế sách điện tử, xây dựng video, biển báo biết nói…...
TP.HCM xây dựng 7 giải pháp phấn đấu đến hết năm 2030 có 35% công chức ngành GD-ĐT đạt trình độ ngoại...
Tôi đang theo học một lớp cao học tại TP.HCM, đồng thời cũng nắm bắt cách học của một số bạn bè...
Bình luận (0)