Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những bảng hạnh kiểm “đẹp” cuối năm

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối năm, không chỉ giáo viên phải có bảng điểm đẹp cho học sinh cuối cấp mà còn phải có bảng hạnh kiểm “đẹp” nữa mới… đồng bộ! Đó là hầu như 100% học sinh cuối cấp đều đạt loại “tốt”, hiếm có loại “khá”. Nhà trường giao quyền đánh giá hạnh kiểm cho giáo viên chủ nhiệm (GVCN) nhưng sự thật vì thành tích chung của trường, nên xảy ra nhiều trường hợp bị xếp loại “tốt” một cách… oan ức.

Muốn đánh giá sát sao hạnh kiểm một học sinh, GVCN phải luôn sâu sát, theo dõi hàng tuần; có người cẩn thận, kỹ càng hơn thì đánh giá hạnh kiểm hàng tuần trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần để công khai trước lớp, cho học sinh khỏi thắc mắc. Bên cạnh đó, GVCN còn phải liên hệ thường xuyên với giáo viên bộ môn để nắm tình hình về tinh thần, thái độ học tập; liên hệ với Đoàn trường để nắm được ý thức tham gia các hoạt động đoàn thể của học sinh… Đó là chưa nói đến những ghi chép riêng, đánh giá riêng của GVCN đối với từng học sinh.

Theo quy định, cuối học kỳ và cuối năm học, nhà trường sẽ xét duyệt cuối cùng để tiến hành thủ tục ghi vào sổ. Những lớp nào có nhiều học sinh bị xếp loại hạnh kiểm “khá” (chỉ cần khoảng 3-4 em/35 học sinh) là lập tức lãnh đạo nhà trường điện thoại hỏi ngay GVCN lý do “vì sao xếp “khá” nhiều quá?”. Vậy là GVCN phải giải trình: đó là do học sinh vi phạm trên 10 lỗi các loại (theo quy định, chỉ tiêu thi đua đầu năm học) hoặc em này “quay cóp” trong đợt thi cuối năm… Nhưng nhà trường vẫn “làm công tác tư tưởng” cho GVCN là phải “giơ cao đánh khẽ”, là tìm những đóng góp của các em này trong những hoạt động của lớp để “nâng lên” thành loại “tốt”! Điều tai hại đầu tiên là uy tín GVCN bị giảm sút. GVCN nhiều khi bất lực, không còn tự chủ, không có quyền về đánh giá đúng thực chất hạnh kiểm học sinh. Vì họ đã xếp loại hạnh kiểm đúng thực chất nhưng lại được nhà trường “phù phép” nên các lớp đều có bảng hạnh kiểm “đẹp” cuối năm. Các em bị GVCN xếp “khá” nghĩ gì về thầy cô của mình? Những vi phạm trong học tập, trong rèn luyện có hệ thống của học sinh, lẽ ra bị phạt để răn dạy, nhắc nhở nhưng đều bị “vô hiệu hóa” bởi căn bệnh thành tích oái oăm này!

Những thói xấu của học sinh, lẽ ra được ghi nhận bằng xếp loại hạnh kiểm trung thực, chính xác để răn đe, giáo dục thì lại được che đậy bằng những bảng hạnh kiểm “đẹp” này? Rồi các em vào đời, lại quen thói “lừa trên dối dưới”, làm những việc thiếu trung thực trong công việc, trong giao tiếp để sau này lãnh hậu quả khôn lường.

Hng Lam Sơn
(Sóc Trăng)

 

Bình luận (0)