Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những bất cập của văn nghị luận

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Văn nghị luận là phần “xương sống” của chương trình tập làm văn lớp 12. Tuy nhiên thực tế cho thấy, khi ra đề văn nghị luận, giáo viên (GV) chỉ loanh quanh ở vài câu tục ngữ quen thuộc, không bám sát thực tiễn cuộc sống, đề thi lớp trên giống như lớp dưới, từ đó không tạo được hứng thú và sáng tạo cho học sinh (HS) khi làm bài.
Đây là ý kiến đánh giá của PGS. Vũ Nho (Vụ Giáo dục Trung học – Bộ GD-ĐT) tại đợt tập huấn của Bộ GD-ĐT về sử dụng sách hướng dẫn dạy học lớp 12 cho đội ngũ GV cốt cán năm học 2009-2010.
Đề bài phải được làm mới

Giờ học môn văn lớp 12 ở Trường THPT Mạc Đĩnh Chi. Ảnh: MINH HUY

Ngay từ khi học THCS, HS đã quen với đề bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý theo kiểu: “Phân tích câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, từ đó liên hệ bản thân”. Ít năm sau, khi kiểm tra học kỳ hay thi tốt nghiệp, thi tuyển vào lớp 10, các em lại tiếp tục “tái ngộ” với đề bài này. Không chỉ có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nhiều câu tục ngữ, ca dao kiểu như: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, Cái nết đánh chết cái đẹp, Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra… cũng luôn có mặt trong các đề bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý. PGS. Vũ Nho bổ sung: “Câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” cũng thường được nhiều GV đưa vào đề thi hoặc đề kiểm tra môn ngữ văn”. Không chỉ ở bậc THCS, ngay cả khi lên học các lớp THPT, HS cũng gặp lại dạng đề quen thuộc đó. Một câu hỏi được đưa ra: Tại sao lại có tình trạng này? Một GV bộc bạch: “Đây là những câu tục ngữ có trong chương trình học phổ thông rất quen thuộc nên HS nào cũng biết. Nếu ra đề bài khác tâm lý, GV sợ các em lúng túng, dễ làm sai ý, lạc đề”.
Một thực tế khác cho thấy, do thời gian soạn giáo án và đứng lớp quá nhiều nên hầu hết thầy cô không có điều kiện soạn thêm các kiểu đề khác lạ, thôi thì cố gắng tận dụng những gì đã có. Nếu ra đề mới thì GV phải mất thêm thời gian tìm tài liệu, soạn đáp án và biểu điểm để phục vụ cho công đoạn chấm bài. Từ đó sinh ra bao nhiêu chuyện nhiêu khê khác. Ngoài ra có một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng mà thầy cô thường né là nếu sử dụng đề bài cũ thì độ an toàn sẽ cao hơn.
Thực trạng này đã để lại những hệ quả buồn trong quá trình giảng dạy bộ môn ngữ văn. Những đề bài mà thầy cô cứ “làm tới làm lui” dễ gây nhàm chán cho HS và tạo cho các em thói quen ỷ lại vào những bài văn mẫu, không cần suy nghĩ và không biết sáng tạo. Điều nguy hại hơn là khi gặp đề bài mới lạ, HS dễ bị “khớp”, không có ý tưởng, không biết bắt đầu chấp bút từ đâu. Trong lúc đó, xu thế đổi mới phương pháp đánh giá HS đang coi trọng năng lực tư duy, tổng hợp của các em, bài trừ lối học thuộc lòng “tầm chương trích cú”.
Theo PGS. Vũ Nho, nghị luận về một hiện tượng đời sống không chỉ quanh đi quẩn lại ở một số đề bài như trước nay GV thường ra cho các em làm tại lớp hay về nhà. Đúng như đại văn hào Goethe khẳng định: “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Hiện thực cuộc sống bao giờ cũng phong phú và đa dạng. Khi dày dạn kinh nghiệm sống, GV mặc sức đưa ra vô số hiện tượng xã hội cho HS phân tích, đánh giá làm cho ngân hàng đề luôn phong phú. Tất nhiên, những hiện tượng đó phải gần gũi, thân thiết với con người, đặc biệt là các em HS. Kiểu bài nghị luận về hiện tượng xã hội mà các em từng được học ở cấp THCS không ngoài mục đích khơi nguồn mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường với đời sống xã hội. Các đề bài hiện đang được nhiều GV “quan tâm” và vận dụng thường xuyên có thể kể như: tác dụng của việc đọc sách, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, công nghệ thông tin… Tuy nhiên, nếu “xài” thường xuyên mà không chịu “làm mới” thì những đề ra kiểu đó sẽ nhanh chóng “lạc hậu” với thời cuộc.
Ranh giới để phân định
Khi đề cập tới nghị luận văn học, PGS. Vũ Nho lưu ý phải biết phân biệt nghị luận văn học với văn thuyết minh. Nếu văn thuyết minh chỉ dừng ở mức độ diễn giải, thuyết trình thì nghị luận văn học đòi hỏi ở cấp độ cao hơn – người viết phải lộ ra được cảm xúc, sự hiểu biết, cách nhận xét, đánh giá của mình về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm văn chương. Do không phân định rạch ròi ranh giới giữa hai kiểu bài nên nhiều HS dễ bị lạc đề, xa đề trong khi làm bài. PGS. Vũ Nho cảnh báo thêm, đây cũng là lỗi mà các em thường mắc phải giữa kiểu bài phát biểu cảm nghĩ và phân tích. Theo ông Nho, nói tới cảm nghĩ là phải trả lời được câu hỏi: “Cảm như thế nào, nghĩ như thế nào?”, còn phân tích thì nên nhớ: “Không hề bộc lộ suy nghĩ của cá nhân”. Thế nhưng trên thực tế, các em HS vẫn lúng túng trước kiểu bài cảm nghĩ, không “bật” lên được “chính kiến” của mình mà cứ sa bút vào việc “giải phẫu” tác phẩm. Trong văn cảm nghĩ, thái độ và tình cảm của người viết phải được đưa lên mặt giấy công khai, không thể lấp ló một cách mờ nhạt.
Phát biểu chủ đềPhát biểu tự do là hai bài mới được các nhà biên soạn đưa vào chương trình giảng dạy ngữ văn lớp 12. PGS. Vũ Nho mở ngoặc: “Bất cứ một phát biểu nào cũng đều phải theo một chủ đề. Đừng nghĩ phát biểu tự do là phát biểu lung tung không theo chủ đề, người nói tự do muốn nói gì thì nói. Phát biểu tự do thực chất cũng là phát biểu theo một chủ đề nào đó mà đang được mọi người đem ra trao đổi”. Theo PGS. Vũ Nho, hai kiểu bài này nên đổi tên thành “Phát biểu có chuẩn bị trước” và “Phát biểu không chuẩn bị trước”. Kiểu phát biểu không chuẩn bị trước thường do không khí cuộc họp lôi cuốn nên phát biểu tức thời, ngẫu hứng, hầu như không có thời gian chuẩn bị hoặc có nhưng rất ngắn. Mặc dù không chuẩn bị trước nhưng vẫn có ý kiến hay, lóe sáng như nhà thơ Sóng Hồng từng phát hiện: “Nhiều khi ý kiến lớn/ Vụt đến khi đi đường”.
So với chương trình trước đây, các kiểu bài trên là những “gương mặt mới” của phần tập làm văn lớp 12. Sự phong phú của các kiểu bài sẽ giúp người dạy thoát ra khỏi những “thực đơn” nghèo nàn trong quá trình đứng lớp và từng bước khơi gợi sự sáng tạo cũng như rèn giũa thêm năng lực tư duy cho HS.
Phan Ngọc Quang
Một thực tế khác cho thấy, do thời gian soạn giáo án và đứng lớp quá nhiều nên hầu hết thầy cô không có điều kiện soạn thêm các kiểu đề khác lạ. Nếu ra đề mới thì GV phải mất thêm thời gian tìm tài liệu, soạn đáp án và biểu điểm để phục vụ cho công đoạn chấm bài. Từ đó sinh ra bao nhiêu chuyện nhiêu khê khác.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)