Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Những bất cập giao thông sau Tết

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhiều xe khách tuyến miền Tây – TP.HCM không kịp quay đầu đón khách vì bị kẹt phà
Ngày mùng 5 Tết được xem là ngày cao điểm do người dân các nơi trở lại TP.HCM để trở lại công việc thường nhật từ ngày mùng 6 Tết. Tình hình giao thông trong dịp này trở nên phức tạp là điều khó tránh khỏi. Song nổi lên ở đây là một vài bất cập chưa có lối ra.
Miền Đông: Không ùn tắc nghiêm trọng
Đây chính là hiệu quả nhìn thấy của việc đưa vào sử dụng tuyến cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây giúp giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông trên QL1A, đoạn qua TP.Biên Hòa (Đồng Nai), xa lộ Hà Nội (trước khu vực Suối Tiên, quận 9, TP.HCM) và phà Cát Lái (quận 2, TP.HCM) như những năm trước.
Anh Quốc Tuấn, lưu thông từ Lâm Đồng về TP.HCM vào chiều mùng 5 Tết xác nhận tại cửa ngõ phía Đông Bắc TP.HCM, cụ thể là xa lộ Hà Nội vào buổi chiều cùng ngày có xảy ra tình trạng đông xe do lượng xe gắn máy và xe khách lưu thông về TP.HCM tăng cao đột biến nhưng không xảy ra tình trạng kẹt xe phải xếp hàng dài như mọi năm, nhất là đoạn thường xảy ra ùn ở khu vực Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (quận 9) là một trong những điểm ùn tắc nghiêm trọng thì năm nay tình hình lưu thông cũng không phức tạp như những năm trước. Riêng giao lộ Nguyễn Thị Định – Mai Chí Thọ (quận 2) ùn ứ cục bộ, xe ô tô phải xếp hàng dài hơn 2km, các tài xế phải đợi 2-3 lượt đèn đỏ mới qua được giao lộ này do lượng xe ô tô lưu thông hướng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây quá đông, ngày thường chỉ có khoảng 18.000 lượt xe ô tô lưu thông nhưng trong dịp cao điểm Tết có ngày có đến 34.000 lượt xe lưu thông tuyến đường này.
Mặc dù lưu lượng xe ô tô phần đông chọn lưu thông bằng đường cao tốc nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ tại phà Cát Lái do phương tiện lưu thông phía bờ Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đổ dồn về một lúc để qua phà. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc bến phà Cát Lái cho biết vào chiều mùng 5 Tết, lượng khách qua phà Cát Lái đạt gần 70.000 lượt hành khách, do đó bến phà phải huy động 8 phà hoạt động hết công suất phục vụ bà con quay trở lại TP.HCM, nhờ đó mà tránh được tình trạng ùn tắc kéo dài.
Miền Tây: Trễ chuyến 6 giờ do kẹt phà
Theo các tài xế các tuyến xe khách miền Tây, vào những ngày cao điểm sau Tết việc đưa đón hành khách lại rơi vào tình trạng kẹt phà kéo dài làm cho nhiều hành khách bị trễ chuyến xe từ 1 đến 2 tiếng, trong đó hành khách ở tỉnh Kiên Giang bị ảnh hưởng nhiều nhất do bị kẹt phà Vàm Cống. Một tài xế tên Thuận cho biết, ngày thường chỉ có 4 chiếc phà phục vụ lưu thông nhưng dịp Tết tăng cường lên đến 10 chiếc và hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại vì lượng xe máy và xe khách lưu thông quá đông. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều xe khách bị kẹt phà kéo dài, không đảo tuyến kịp khiến hành khách phiền lòng. Cụ thể như vào chiều mùng 6 Tết, vợ chồng anh Đinh Thiện Đàm cùng nhiều hành khách đăng ký tuyến TP.HCM – Rạch Giá (Kiên Giang) đăng ký vé khởi hành lúc 14 giờ 15 của Công ty Xe khách Phương Trang, nhưng phải chờ đến 16 giờ 15 mới được lên xe. Trong khi các tuyến về Cần Thơ, Châu Đốc, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cao Lãnh… xuất bến liên tục.
Theo lời một số hành khách thì ngày mùng 9 Tết, nhiều hãng xe khách ở miền Tây kinh doanh chuyến các tỉnh về TP.HCM như Phương Trang, Tuyết Hon, Vũ Linh, Thảo Châu… vẫn còn tình trạng “cháy vé” vào ngày mùng 8 Tết. Riêng đối với những khách hàng đã đăng ký thì phải trực tiếp đến nhà xe trả tiền và lấy vé trước vì nhà xe không chấp thuận việc chỉ đăng ký đơn thuần qua điện thoại như những ngày bình thường.
Miền Bắc: Xe 37 chỗ chở 117 khách
Tình trạng này xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa, “bị can” là hai xe khách mang BKS 14B-004.39 và 37B-003.78 chạy tuyến Nghệ An – Quảng Ninh. Vào khoảng 20 giờ ngày 24-2, hai xe này khi lưu thông trên tuyến QL1A, đoạn qua địa phận H.Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa) đã bị Tổ công tác của Trạm CSGT QL1A phát hiện và khi CSGT ra hiệu dừng xe để kiểm tra thì tài xế hai xe trên nhấn ga bỏ chạy. Sau 30 phút truy đuổi trên đoạn đường gần 20km, lực lượng CSGT mới chặn được hai xe khách tại địa phận H.Quảng Xương. Qua kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện xe khách mang BKS 37B-003.78, loại 40 chỗ ngồi do Nguyễn Văn Dân, 45 tuổi, ngụ TP.Vinh, tỉnh Nghệ An điều khiển, chở 74 hành khách, quá 34 người so với quy định. Còn xe khách giường nằm BKS 14B-004.39 do tài xế Trần Văn Phơn, 30 tuổi, ngụ tại H.Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình điều khiển chở đến 117 hành khách trong khi theo thiết kế chiếc xe này chỉ có 37 giường. Để hành khách trên xe vi phạm không bị lỡ hành trình, ngay trong đêm 24-2, cơ quan chức năng đã điều động 6 xe khách đến hiện trường để hỗ trợ hành khách.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Thiếu tá Lê Hồng Thái, Trạm trưởng trạm CSGT QL1A (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết, từ ngày 22-2 (tức mùng 4 Tết Ất Mùi) đến nay, đơn vị này đã bắt giữ và xử phạt trên 50 xe khách vi phạm về chở quá số người theo quy định, đồng thời tước giấy phép lái xe thời hạn 30 ngày đối với các tài xế xe khách điều khiển những chuyến xe vi phạm trọng tải trên.
Bài, ảnh: Bích Vân – Đinh Vũ
Những điều tài xế và chủ xe cần biết
Theo nghị định 107/NĐ-CP ngày 17-11-2014, đối với xe chở quá tải trọng từ trên 40-60%, cá nhân (tài xế) bị phạt từ 12-14 triệu đồng, tổ chức (chủ xe) bị phạt từ 24-28 triệu đồng. Trường hợp chở quá tải trọng trên 60-100%, mức phạt đối với 2 đối tượng trên lần lượt là 14-16 triệu đồng và 28-32 triệu đồng; trên 100% mức phạt là 16-18 triệu đồng và 32-36 triệu đồng.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, chủ xe và tài xế vi phạm chở quá tải trọng cho phép trên 200% sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ trưởng Bộ  GTVT Đinh La Thăng lưu ý rằng việc cố tình chở quá tải làm hư đường là hành vi phá hoại tài sản quốc gia nên cần phải xử lý ở mức độ cao hơn mức phạt hành chính. 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)