Sự kiện giáo dụcTin tức

Những bất cập mang tên giáo dục mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 15-10, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm và Ban Văn hóa Xã hội – HĐND TP đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP cùng lãnh đạo phụ trách công tác giáo dục mầm non (GDMN) của 24 quận, huyện. Tại đây, nhiều ý kiến cho thấy GDMN đang tồn tại rất nhiều bất cập. Và nếu không sớm giải quyết thì chất lượng GDMN sẽ khó đáp ứng được mong đợi của phụ huynh cũng như xã hội…

Xây trường nhưng không xây bếp
Theo báo cáo của Phòng GDMN, Sở GD-ĐT, hiện nay toàn TP có 293.053 trẻ đang theo học MN tại 759 trường (trong đó công lập: 412 trường) và 1.090 nhóm – lớp tư thục có phép.
Trong năm học 2011-2012 có 9 trường MN được khánh thành và đưa vào sử dụng, bao gồm: Trường MN 6, MN 12 – Q.3; MN1, MN 15, MN Sơn Ca 3 – Q.11; MN Tuổi Xanh – Q.Tân Bình; MN 30/4 – huyện Bình Chánh; MN Tân Hòa, MN Bà Điểm – huyện Hóc Môn. Có một thực tế mà ít ai ngờ rằng, có những trường MN được xây mới nhưng không đạt chuẩn. Cụ thể là hai trường MN Tân Hòa và Bà Điểm – huyện Hóc Môn được xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng nhưng… không có bếp.
Như chúng ta đều biết, khác với các bậc học khác, GDMN không chỉ dạy mà còn nuôi. Và khâu nuôi cũng quan trọng không kém gì khâu dạy. Theo đó, bắt buộc các trường MN phải có bếp. Nhiều trường cũ và nhỏ nhưng cũng tận dụng chỗ nọ, chỗ kia để xây bếp ăn phục vụ nhu cầu ăn uống của trẻ. Bởi thế, trẻ ở lứa tuổi MN không thể ăn suất ăn công nghiệp như các bậc học khác.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT cho biết: “Khi chúng tôi xuống trường dự lễ khánh thành mới hay trường không có bếp. Hỏi về vấn đề này thì được Ban quản lý dự án cho biết là trong thiết kế không có bếp. Điều đó chứng tỏ, ngành GD – đơn vị thụ hưởng nhưng không được tham gia vào quá trình thiết kế, xây dựng đề án”.
Hiện nay, để đảm bảo nội dung nuôi, Trường MN Tân Hòa đã phải lấy một phần diện tích sân chơi của cháu để xây bếp. Còn Trường MN Bà Điểm thì mượn một phòng học để làm nhà bếp.
nhìn của trẻ ra bên ngoài. Trong khi đó yêu cầu của chương trình GDMN mới hiện nay là trẻ phải được nhìn ra ngoài. Bây giờ muốn sửa chữa cũng rất khó, thủ tục nhiêu khê, kinh phí thì không có”…
Phải tự bơi đến bao giờ?
Nói về những tồn tại của GDMN, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: Hiện nay còn thiếu 24 cán bộ quản lý và 783 giáo viên. Trong thời gian qua, bậc học MN có 422 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nghỉ việc. Nguyên nhân chủ yếu là thu nhập thấp (tổng thu nhập từ 1,8-2,4 triệu đồng/người/tháng), thời gian lao động dài hơn 12 giờ (từ 6 giờ 30 đến 18 giờ). Đặc biệt là mức thu học phí, phí phục vụ bán trú, vệ sinh phí từ năm 1996 đến nay vẫn không thay đổi, mặc dù mức lương tối thiểu đã tăng từ 180.000 đồng lên 830.000 đồng.
Từ những tồn tại này, “Đề nghị HĐND TP thông qua mức thu mới,cụ thể: tiền công phục vụ bán trú từ 30-50 ngàn đồng/cháu/tháng tăng lên từ 150-200 ngàn đồng/cháu/tháng; tiền vệ sinh phí từ 3-5 ngàn đồng/cháu/tháng lên từ 15-20 ngàn đồng/cháu/tháng”, bà Kim Thanh kiến nghị.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đăt ra câu hỏi: “Nếu HĐND quyết tăng tiền vệ sinh phí, phục vụ bán trú thì các trường chi như thế nào? Liệu phụ huynh có đồng ý không?”
Qua điều tra thực tế tại các trường MN, chúng tôi nhận thấy với 5 ngàn đồng/tháng (tiền vệ sinh phí) chỉ đáp ứng được 40-50% nhu cầu của trường. Số tiền thâm hụt, các trường vẫn đang vận động phụ huynh bằng cái gọi là “công trình phụ huynh”. Hay như tiền phí phục vụ bán trú cũng vậy, nhiều trường vẫn đang xin phụ huynh thêm 30-70 ngàn đồng/cháu/tháng. Và hầu hết phụ huynh đều hỗ trợ nhà trường.
Tuy vậy, “Chúng tôi muốn được HĐND thông qua để các trường “đường đường chính chính” mà thu chứ không phải đi xin phụ huynh. Cô giáo mà cứ phải năn nỉ phụ huynh thì vị thế của người thầy không còn nữa”, bà Kim Thanh bức xúc.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cũng cho rằng: “Ngành GDMN có rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi không dám đề nghị HĐND tháo gỡ tất cả các khó khăn mà chỉ đề nghị những cái quá bức xúc. Những mức thu mà chúng tôi đề nghị là rất hợp lý, nó được xuất phát từ thực tế ở các trường”…
Hòa Triều

Bình luận (0)