Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những bất cập trong hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản

Tạp Chí Giáo Dục

 Sự thiếu hụt về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và sự thiếu đồng bộ trong dịch vụ cấp cứu sản khoa đang diễn ra phổ biến tại các trạm y tế xã, các bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện đặc biệt là ở những vùng khó khăn về địa lý. Thực tế này cũng đồng nghĩa với việc còn rất nhiều người dân chưa được chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Theo quy định của Bộ Y tế, một gói dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu cơ bản tại tuyến xã được gọi là đầy đủ khi mỗi trạm y tế phải cung cấp năm loại dịch vụ là: đỡ đẻ thường ngôi chỏm; xử trí tích cực giai đoạn ba chuyển dạ; kiểm soát tử cung; bóc rau nhân tạo khi băng huyết và tiêm truyền thuốc chống co giật.
Tuy nhiên theo kết quả khảo sát của Vụ sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế), chỉ 23,6% số trạm y tế cung cấp gói dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu cơ bản một cách đầy đủ. Ngoài ra, còn đến 11,5% số trạm y tế không cung cấp một loại nào trong năm loại dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu cơ bản. Đặc biệt, tại 215 huyện được xác định là khó khăn về địa lý thì có đến gần 80% trạm y tế xã không cung cấp đủ các dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu cơ bản, đặc biệt ở 62 huyện nghèo nhất nước tỷ lệ này lên đến 90,3%.
 

 Không chỉ thiếu về trang thiết bị mà ngay cả thuốc thiết yếu nhiều trạm y tế xã
cũng không có. Ảnh: tuyenquangtv.vn

Ðỡ đẻ thường là một thủ thuật quan trọng, tác động để sổ thai, giúp cuộc đẻ được an toàn. Ðể thực hiện được dịch vụ đỡ đẻ, ngoài cán bộ chuyên môn, cơ sở y tế cần sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện nay số trạm y tế đỡ đẻ có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc và một số dịch vụ tối thiểu để hỗ trợ thực hiện dịch vụ đỡ đẻ chiếm rất thấp. Thiếu hụt đáng nói nhất ở các trạm y tế này là về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Chẳng hạn, phòng đẻ riêng là một yêu cầu thiết yếu, song cũng chỉ có ở 39% số trạm y tế. Các trang thiết bị khác và thuốc cũng chỉ khoảng 50% số trạm có.
Về nguyên tắc, các trạm y tế xã thuộc những huyện khó khăn về địa lý càng cần phải cung cấp dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu cơ bản tại chỗ. Nhưng điều tra cho thấy, chỉ 20,1% số xã thuộc các huyện khó khăn về địa lý đạt tiêu chuẩn cấp cứu sản khoa thiết yếu cơ bản. Nếu chỉ xem xét ở những trạm y tế thực hiện đỡ đẻ, tỷ lệ xã cung cấp gói dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu cơ bản một cách đầy đủ cũng chỉ là 28,3%.
Tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như sự thiếu đồng bộ trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản không chỉ diễn ra tại các trạm y tế xã mà ngay tại các bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến huyện tình trạng này diễn ra cũng khá phổ biến.
Theo quy định, trong hệ thống cung cấp dịch vụ kỹ thuật của Việt Nam, BVĐK huyện là tuyến đầu tiên được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ chăm sóc sản khoa thiết yếu toàn diện (bao gồm 6 loại dịch vụ chăm sóc sản khoa (CSSK) thiết yếu cơ bản cộng thêm mổ đẻ và truyền máu). Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 68,2% BVĐK huyện có cung cấp dịch vụ mổ đẻ, 59,8% có cung cấp dịch vụ truyền máu, chỉ có 55,1 bệnh viện đạt tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ sản khoa thiết yếu toàn diện. Đặc biệt, trong số 62 huyện nghèo nhất trong cả nước, chỉ có 40 BVĐK huyện có mổ đẻ, 30 bệnh viện có truyền máu, 26 bệnh viện thực hiện cả mổ đẻ và truyền máu, đạt 44,1%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ các BVĐK tuyến huyện cung cấp các dịch vụ chăm sóc sơ sinh cũng rất thấp, mới có 26,9% bệnh viện thực hiện nuôi trẻ bằng lồng ấp, 36% điều trị vàng da sơ sinh, 16,6% thở áp lực dương liên tục không xâm nhập (CPAP).
Có nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên một phần do cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức tới công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) của người dân địa phương. Mặt khác, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác CSSKSS hiện nay còn rất hạn chế so với nhu cầu CSSKSS đa dạng của nhân dân. Chẳng hạn như Chiến lược Quốc gia về CSSKSS giai đoạn 2001 -2010 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2000, nhưng tới 2008 mới có Dự án Mục tiêu quốc gia về CSSKSS với mức đầu tưu chỉ là 15 tỷ. Đến 2010 dự án cũng chỉ tăng lên được 35 tỷ. Với kinh phí này, dự án hầu như không triển khai được các can thiệp mang lại lợi ích trực tiếp cho bà mẹ, trẻ em ở vùng sâu vùng xa.
Như vậy, để nâng cao năng lực CSSKSS cho các trạm y tế xã, các BVĐK tuyến huyện, y tế vùng sâu, vùng xa trong thời gian tới thiết nghĩ Bộ Y tế cần tăng cường đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa. Mặt khác cũng cần nâng cao năng lực cho cán bộ y tế ở vùng sâu vùng xa, đảm bảo y tế xã có thể thực hiện được chăm sóc sản khoa, sơ sinh thiết yếu cơ bản, tuyến huyện thực hiện được chăm sóc sản khoa, sơ sinh thiết yếu toàn diện (thực hiện được các phẫu thuật cấp cứu sản khoa).
Theo Xuân Thu
(ĐCSVN)

Bình luận (0)