Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những bất thường của bệnh sốt xuất huyết

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày qua, bệnh nhi sốt xuất huyết (SXH) vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, đồng thời có những diễn tiến bất thường so với nhiều năm trước.

Dễ nhầm với bệnh khác.

Ngày cuối tuần nhưng bệnh nhi SXH rất đông tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) – ảnh: Thanh Tùng

Chiều 2.10, mặc dù là ngày cuối tuần, nhưng các y, bác sĩ của khoa SXH (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) vẫn phải làm việc tất bật với những bệnh nhi mắc SXH đang nằm điều trị rất đông tại đây. Trong phòng cấp cứu của khoa SXH có tổng cộng 14 bệnh nhi thì có đến 11 bị SXH, một số trẻ bị nặng phải truyền dịch và truyền máu. Người thân của bé gái V.A (8 tuổi, nhà ở Tân An, Long An) đang được truyền dịch, cho biết: "Lúc ở nhà, bé sốt mấy ngày, nhưng gia đình không biết. Mấy ngày sau, cháu vẫn sốt cao nên đưa thẳng lên đây". Mẹ của bé trai H.Đ (4 tuổi, nhà ở H.Bến Cát, Bình Dương) đang được truyền máu thì nói: "Mấy ngày đầu bé sốt, tưởng bé bị viêm họng, viêm mũi, đi mua thuốc hạ sốt cho bé uống nhưng vẫn không giảm. Đến ngày thứ 4, gia đình mới đưa bé đi BV thì được chẩn đoán SXH". 
Theo Cục Y tế dự phòng, trong 9 tháng qua cả nước ghi nhận 64.313 ca mắc SXH, trong đó có 51 ca tử vong. Đến nay, bệnh SXH đã xảy ra tại 48/63 tỉnh, thành, chiếm nhiều nhất là các tỉnh phía Nam với gần 36.000 ca mắc, kế đến là miền Trung với gần 18.000 ca mắc (tăng gần 130% so với cùng kỳ 2009), miền Bắc chỉ ghi nhận gần 2.400 ca.
Các bác sĩ BV Nhi đồng 1 cho biết mới đây BV này tiếp nhận bé trai N.P.T.T (7 tuổi, ngụ Cai Lậy, Tiền Giang) mắc SXH vào viện trong tình trạng rất nặng – nôn ói ra máu, huyết áp tụt, tay chân lạnh ngắt, suy hô hấp… Bệnh nhi này cũng bị sốt cao liên tục 3 ngày, đến ngày thứ 4 bé hết sốt, nhưng than đau bụng, mệt, nôn ói ra dịch nâu thì người nhà mới đưa đi viện.
BV Nhi đồng 2 cũng vừa tiếp nhận bệnh nhi T.Đ (nam, 13 tháng tuổi, ngụ TP.HCM) vào viện trong tình trạng tổn thương gan cấp, rối loạn đông máu… do SXH. Người nhà bé T.Đ cho biết trước đó ở nhà bé có biểu hiện sốt cao liên tục, ho nhiều, gia đình đưa bé đi khám phòng mạch tư, bác sĩ cho thuốc hạ sốt, nhưng uống thuốc 3 ngày tình trạng không cải thiện mới đưa bé vào viện. Trường hợp này, bác sĩ phải lọc máu liên tục và truyền máu… mới cứu sống được bé.
Bác sĩ Đinh Anh Tuấn, Phó khoa SXH BV Nhi đồng 1, nói: "Các phụ huynh cần lưu ý là gần đây xuất hiện nhiều trường hợp trẻ mắc SXH đi kèm với bệnh ở đường hô hấp – ho, sổ mũi, viêm họng. Do bệnh hô hấp cũng có triệu chứng sốt, nên người nhà rất dễ nhầm tưởng, khiến việc đưa vào viện bị trễ. Vì vậy, nếu thấy trẻ có ho, sổ mũi, nhưng sốt cao liên tục trên 2 ngày không thuyên giảm thì cần đưa trẻ đi khám ngay".
Lo ngại khả năng xuất hiện chủng vi-rút mới
Theo ông Vũ Sinh Nam, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng: "Năm nay bệnh SXH có những điểm bất thường đáng lưu ý. Đó là bệnh nhân thường có diễn biến nặng, tiểu cầu bệnh nhân xuống rất thấp, gây nguy hiểm và khó khăn cho điều trị. Nhiều địa phương có bệnh nhân nặng chiếm tỷ lệ cao hơn mức trung bình. Dịch bùng phát mạnh tại những nơi lâu nay ít xuất hiện ca bệnh… Những bất thường đó đã khiến nhiều người lo ngại về khả năng xuất hiện chủng vi-rút mới gây SXH". Ông Nam cũng khuyến cáo: "VN hiện lưu hành cả 4 týp vi-rút gây SXH là D1, D2, D3 và D4. Người dân cần lưu ý một người có thể mắc SXH đến 4 lần do 4 týp vi-rút khác nhau gây SXH. Và lần mắc sau bệnh sẽ tăng tính trầm trọng, bệnh cảnh nặng hơn lần trước".
Thanh Tùng – Liên Châu / TNO

 

Bình luận (0)