Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những bệnh trẻ dễ mắc phải trong mùa nồm mà các mẹ nên biết

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh trẻ em mắc nhiều nhất trong mùa nồm là các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm mũi họng, viêm phế quản. Theo số liệu từ ngành y tế, số lượng trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp vào mùa nồm thường tăng tới 30%, thậm chí 40% so với các thời gian khác trong năm.

Trời nồm gây ra không ít những khó chịu cho mọi người. Không khí mang độ ẩm quá lớn gặp lớp không khí lạnh và bề mặt lạnh nên ngưng tụ thành giọt nước, bám trên các bề mặt nhà cửa đồ đạc… khiến vật dụng dễ nấm mốc, hỏng hóc, ẩm ướt.

Đặc biệt, trời nồm là một môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh ở trẻ em. Hai điều kiện khiến cho virus và nấm mốc phát triển gây bệnh cho trẻ là thời tiết thay đổi liên tục và độ ẩm không khí cao.

Bệnh thường gặp của trẻ mùa nồm

Theo bác sỹ Lê Duy (Diễn đàn Bác sĩ Nội trú), trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi có sức đề kháng kém hơn người lớn, do vậy cứ mỗi độ xuân sang, thời tiết chuyển mùa, lạnh ẩm, mưa phùn, độ ẩm tăng cao… cũng là lúc trẻ hay bị mắc bệnh.

Trong số đó hàng đầu là các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như: Viêm mũi, viêm họng cấp, viêm VA, viêm tiểu phế quản, hen…với các biểu hiện như sốt, chảy mũi, ho, khò khè…

Nếu các triệu trứng đó không được xử lý kịp thời có nguy cơ nặng lên gây thở khó, hạn chế việc ăn uống hoặc bú mẹ, đôi khi có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết nguy hiểm đến tính mạng.

Theo số liệu từ ngành y tế, số lượng trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp vào mùa nồm thường tăng tới 30%, thậm chí 40% so với các thời gian khác trong năm.

Nguyên nhân chủ yếu là do độ ẩm cao, nhiệt độ thấp tạo điều kiện cho vi sinh vật, vi khuẩn, nấm, virus hình thành và gây bệnh. Thời tiết này không chỉ khiến virus, vi khuẩn gây bệnh mà còn phát tán mầm bệnh trong không khí, gây nên sự lan truyền bệnh từ người này sang người khác, từ người lớn sang trẻ em, từ trẻ em sang trẻ em.

Vào những ngày thời tiết ẩm, các bệnh về hô hấp gia tăng.

Tiếp theo là đến tiêu chảy cấp, bệnh có thể do vi khuẩn, do vi nấm, do ký sinh trùng hoặc do nhóm virus đường ruột, đặc biệt là virus Rota. Bệnh tiêu chảy do virus Rota có thể gặp quanh năm nhưng thường gặp nhất vẫn là mùa ẩm.

Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, dễ gây thành dịch, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời gây mất nước nặng, rối loạn điện giải có thể tử vong.

Bên cạnh đó là bệnh thuỷ đậu với các biểu hiện sốt, nổi mụn nước trên da và có khả năng lây nhiễm cao. Các bệnh về da như viêm da dị ứng, bệnh viêm kết mạc…cũng hay gặp ở thời điểm này

Sốt virus cũng là một bệnh thường phát ở trẻ em mùa nồm. Khi trẻ em mắc bệnh này sẽ có tình trạng ho, sốt kéo dài. Tuy nhiên, đây là bệnh không ảnh hưởng lâu dài hay nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ.

Tình trạng nhẹ sẽ có thể tự hết với điều kiện chăm sóc tốt về vệ sinh, dinh dưỡng, môi trường sống. Nặng hơn cần được cơ sở y tế thăm khám, điều trị.

Phòng tránh dịch bệnh hiệu quả

Theo bác sỹ Duy, yếu tố quyết định tới việc giảm thiểu mắc bệnh cho trẻ vào thời tiết giao mùa là tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bạn cũng nhớ, tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ khi chưa có chỉ định của thầy thuốc. Kháng sinh được dùng không phù hợp sẽ gây dị ứng, nổi ban, rối loạn tiêu hóa và khó kiểm soát tình trạng bệnh diễn biến phức tạp cho trẻ.

Tạo môi trường “sạch” cho trẻ cũng là một biện pháp phòng tránh hiệu quả. Các gia đình nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, hút ẩm để tạo độ khô ráo, sấy khô quần áo cho trẻ tránh ẩm mốc tạo cơ hội cho nấm phát triển.

Vệ sinh cơ thể, tay chân cho trẻ sạch sẽ hàng ngày, sau mỗi bữa ăn, sau khi ra đường về nhà. Trong mỗi gia đình không nên dùng thảm trải nhà vào mùa nồm. Nếu có phải thường xuyên hút ẩm, làm sạch tránh nguy cơ mắc bệnh ngoài da cho trẻ như viêm nhiễm da, dị ứng.

Môi trường lớp học, trường học là nơi mầm bệnh lây lan, vì vậy, khi trẻ có biểu hiện mắc bệnh, nên cho trẻ nghỉ học để môi trường nhà trường “sạch” cho các trẻ khác không bị lây nhiễm.

Để trẻ không mắc các bệnh về tiêu hóa, cần đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch. Cho trẻ ăn chín, uống sôi, thực phẩm cần được bảo quản tốt. Hạn chế tối đa việc cho trẻ ăn bằng tay, ăn đồ sống. Cho trẻ ăn thêm hoa quả, rau xanh.

Một yếu tố nữa giúp trẻ hạn chế nguy cơ mắc bệnh trong mùa nồm là tăng sức đề kháng cho trẻ. Cần thiết kế cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ dưỡng chất, các vi chất, tăng cường các vitamin cần thiết như B1, B12, C, kẽm, acid folic…

Bên cạnh đó, chế độ sinh hoạt của trẻ cũng cần khoa học như ngủ đủ giấc, uống đủ nước khoảng 1,5l/ngày). Cho trẻ tập thể dục hàng ngày, trẻ nhỏ cần được tiếp xúc ánh sáng mặt trời 15 phút/ngày.

Khi trẻ có biểu hiện ho sốt, phát ban, mọc mụn nước, quấy khóc kéo dài, cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời./

(ĐẸP/VIETNAM+) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)