Da đổ mồ hôi trong môi trường ô nhiễm nhiều bụi bẩn, bạn dễ bị nổi mụn, mọc rôm sảy, nám, viêm hoặc nấm da.
Bác sĩ Trình Ngô Bỉnh, Khoa Da liễu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park TP HCM, đúc kết 8 bệnh da thường gặp trong thời tiết nắng nóng mùa hè và cách phòng tránh, xử lý.
Rôm sảy
Rôm sảy là bệnh lành tính và không cần điều trị.
– Dấu hiệu nhận biết: Nổi nhiều mụn nhỏ ngứa ngáy, khó chịu trên đầu, cổ và vai. Rôm sảy có nhiều dạng như dạng tinh thể, đỏ, có mủ, rôm sảy sâu…
– Cách xử trí: Trong hầu hết trường hợp, rôm sảy tự hết trong một vài ngày. Bị rôm sảy nặng, bạn bôi thuốc mỡ như calamine lotion ở ngoài da hoặc đến bác sĩ da liễu để tham vấn.
Mụn trứng cá
Mụn trứng cá là bệnh lý nang lông tuyến bã mạn tính thường gặp. Thường xuất hiện ở lứa tuổi dậy thì, mùa nóng cũng dễ gây mụn. Mụn trứng cá thường mọc trên mặt, cổ, vai, ngực và lưng.
– Dấu hiệu nhận biết: Mụn nhân đóng, mụn nhân mở, sẩn mụn mủ, cục, nang, nốt.
– Cách xử trí: Giữ làn da khô thoáng. Hạn chế trang điểm gây bít tắc nang lông. Không tự nặn mụn. Giảm stress và có chế độ ăn ít đường, ít béo. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ tùy thuộc vào độ nặng của mụn.
Các bệnh da ngày hè bạn cần lưu ý.
Nhiễm nấm chân
Nấm chân do sợi vi nấm cạn gây nên, thường xuất hiện trong điều kiện nóng và ẩm ướt như giày, vớ, hồ bơi, phòng thay đồ và sàn nhà phòng tắm công cộng. Người bệnh tiểu đường hoặc suy giảm hệ miễn dịch cũng có thể bị nấm chân.
– Dấu hiệu nhận biết: Mu bàn chân hoặc lòng bàn chân có mảng đỏ tróc vảy kèm theo ngứa, bờ gồ cao, có mụn nước, hình tròn hoặc vòng cung. Giữa các ngón chân xuất hiện nốt viêm, tiết dịch, có vẩy. Ngứa dữ dội.
– Cách xử trí: Dùng thuốc thoa hoặc uống kháng nấm. Giữ chân khô thoáng. Hạn chế mang giày kín. Rắc bột chống nấm vào chân và giày hàng ngày. Mang dép khi đến hồ bơi hoặc phòng tắm công cộng.
Nấm da
Nấm da hay còn gọi là hắc lào, do các sợi vi nấm cạn gây ra. Tùy theo vùng cơ thể mà có tên gọi khác nhau như nấm da toàn thân, nấm da đầu, nấm da chân, nấm bẹn.
– Dấu hiệu nhận biết: Mảng đỏ tróc vảy kèm theo ngứa, bờ gồ cao, có mụn nước, hình tròn hoặc vòng cung. Thường ngứa dữ dội.
– Cách xử trí: Thuốc thoa hoặc thuốc uống kháng nấm. Giữ cơ thể khô thoáng. Không dùng chung hoặc giặt chung với người bị nấm da. Không mặc quần áo chật hoặc bó sát.
Viêm kẽ
Viêm kẽ do vi khuẩn (Erythrasma) là nhiễm trùng nông mạn tính các nếp kẽ, nếp gấp của da do vi khuẩn Corynebacterium minutissimum.
– Dấu hiệu nhận biết: Dát màu nâu hoặc hồng, ranh giới rõ, bong vảy mỏng, bề mặt có những vết nứt nông, ngứa ít hoặc vừa. Các vị trí hay gặp là nách, háng, giữa các ngón chân, nếp dưới vú, quanh rốn.
– Cách xử trí: Dùng kháng sinh thoa. Giữ các nếp khô thoáng.
Viêm da mủ
Viêm da mủ là tình trạng nhiễm trùng da tại chỗ do vi khuẩn, thường là do tụ cầu hoặc liên cầu. Tùy theo thể bệnh lâm sàng mà có biểu hiện khác nhau như viêm nang lông, nhọt, áp xe da hoặc chốc lở.
– Dấu hiệu nhận biết: Sẩn hồng ban mụn mủ ở nang lông. Nặng hơn là tạo nhiều nhọt hoặc áp xe da, sốt, mệt mỏi, sưng đau ở vị trí tổn thương.
– Cách xử trí: Kháng sinh uống và thoa tại chỗ. Tắm rửa sạch sẽ. Hạn chế thức ăn nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt.
Viêm nang lông
Viêm nang lông nhiễm trùng là tình trạng viêm ở phần nông của nang lông. Yếu tố thuận lợi để viêm nang lông là khí hậu nóng ẩm; cạo râu, nhổ lông hoặc tẩy lông; người bị tiểu đường, suy giảm miễn dịch. Viêm nang lông có thể do vi trùng (tụ cầu trùng), vi nấm hoặc demodex gây ra.
– Dấu hiệu nhận biết: Tùy theo tác nhân gây bệnh mà có biểu hiện khác nhau. Thường là sẩn hồng ban mụn mủ ở nang lông, sau đó đóng mày tróc vảy ở các vị trí có nhiều lông.
– Cách xử trí: Dùng kháng sinh, kháng nấm hoặc thuốc diệt demodex tùy theo tác nhân gây bệnh. Loại bỏ các yếu tố thuận lợi gây viêm nang lông.
Nám da
Nám da thường xuất hiện khi mang thai, dùng thuốc tránh thai hoặc trong thời kỳ mãn kinh. Tiếp xúc trực tiếp nắng quá nhiều cũng gây nám da.
– Dấu hiệu nhận biết: Các mảng nâu, rám hoặc có màu xanh, xám trên khuôn mặt, thường là hai bên má.
– Cách xử trí: Tránh nắng. Kem trị nám hoặc dùng laser theo hướng dẫn của bác sĩ.
Để có làn da khỏe mạnh ngày hè, bác sĩ Bỉnh khuyến cáo bạn rửa mặt thật sạch bằng nước và sữa rửa mặt nhiều lần trong ngày. Thoa kem chống nắng hoặc che chắn kỹ khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Uống nhiều nước và ăn nhiều rau củ quả. Thoa kem dưỡng ẩm về đêm. Cần chủ động vệ sinh chăn, gối. Người có cơ địa tiết nhiều mồ hôi nên mặc đồ rộng rãi, chất liệu vải hút mồ hôi. Nếu mắc bệnh da nặng, nên đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh da do ánh nắng
Một số bệnh da có nguyên nhân do ánh nắng hoặc nặng lên khi đi ra nắng. Các bệnh da nhạy cảm ánh sáng như bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, Lupus ban đỏ bán cấp và Luput ban đỏ dạng đĩa đều nặng lên vào mùa hè. Bệnh porphirin da và pellagra cũng tổn thương nặng hơn về mùa nắng. Một số bệnh gây ra do phơi nhiễm nhiều với ánh sáng mặt trời như bệnh sẩn ngứa đa dạng do ánh sáng, viêm da ánh sáng, khô da sắc tố đều nặng hơn trong mùa hè và tổn thương da thường xuất hiện ở các vùng da hở…
Điều trị các bệnh này rất phức tạp nhưng nguyên tắc quan trọng là tránh nắng chủ động như đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang, kính râm, mặc đồ dài, kín, hoặc tránh nắng bằng các loại kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên. Ngoài ra, tùy cơ chế từng bệnh mà dùng các loại thuốc toàn thân phù hợp.
Bệnh tuyến mồ hôi
Mùa hè nắng nóng, mồ hôi ra nhiều dễ dẫn tới tình trạng viêm tuyến mồ hôi, đặc biệt ở trẻ nhỏ với các biểu hiện mụn nước, sẩn li ti, đỏ da ở vùng có nhiều tuyến mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ. Người bệnh thường ngứa nhiều, nhất là khi trời nóng, ra mồ hôi.
Điều trị viêm tuyến mồ hôi có thể dùng hồ nước bôi ngày 2 – 3 lần, kem có chất kháng khuẩn và corticoid nhẹ như fucidin H bôi ngày 1 – 2 lần, tắm cho trẻ bằng các dung dịch tắm dành cho em bé như lactacid, cetaphil… mặc đồ mát, thoáng, dễ thấm mồ hôi bằng vải cotton giúp da khô thoáng.
Nhạy cảm với ánh nắng
Đây là bệnh ngoài da phản ứng với ánh nắng.
Đây là bệnh ngoài da phản ứng với ánh nắng, thường gặp ở những người có nước da trắng, quá nhạy cảm với ánh nắng. Trong quá trình tiếp xúc với ánh nắng, da ở vùng cánh tay và mặt có thể bị đỏ, thậm chí phồng rộp.
Ngoài ra, các vết tàn nhang không thuộc loại bệnh này nhưng cũng sẽ nặng hơn nếu tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Bạn nên chú ý tránh tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian quá lâu, bổ sung các loại vitamin B và C, sử dụng các sản phẩm chống nắng…
Cách phòng bệnh về da trong những ngày nắng nóng
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng khoa Điều trị Bệnh da Phụ nữ và Trẻ em cho biết: “Mọi người cũng cần chú ý dưỡng ẩm cho da trong quá trình sử dụng điều hòa hàng ngày. Mỗi 2-3 tiếng, nếu thấy da hơi căng, khô, chúng ta có thể thoa lại một lớp kem dưỡng ẩm hoặc xịt khoáng để giảm tình trạng này, tránh mất nước tạm thời”.
Ngoài ra, người dân cũng cần thực hiện đủ các bước chăm sóc da cơ bản gồm làm sạch bằng dung dịch phù hợp, dùng nước hoa hồng hoặc serum dưỡng ẩm, thoa kem dưỡng để ngăn mất nước và cuối cùng là bôi kem chống nắng.
Trong điều kiện thời gian hạn hẹp, chúng ta có thể sử dụng ngay kem chống nắng. Mọi người cần lưu ý các bước làm sạch phải được áp dụng cả năm, không phân biệt mùa đông hay hè.
Khi ở trong phòng sử dụng điều hòa nhiệt độ, người dân cần uống đủ nước dù không có cảm giác khát. Nguyên nhân là lúc này, nước vẫn mất đi. Nước lại là chất cần thiết cho các hoạt động chuyển hóa và chống oxy hóa tế bào da.
Bác sĩ Linh khuyến cáo: “Mọi người cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, mỗi lần uống chậm, chia đều thành các ngụm nhỏ trong 10-15 phút. Cần tránh uống nhiều nước cùng lúc sẽ khiến chất lỏng được lọc qua bàng quang quá nhanh, ít thẩm thấu vào các tế bào, từ đó giảm hiệu quả dưỡng ẩm”.
Lưu ý cuối cùng là cần đảm bảo chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày khoa học. Mùa hè thường có nhiều loại hoa quả tươi, ngọt, nhưng cũng nên hạn chế sử dụng quá nhiều.
Nguyên nhân là da sẽ bị lão hóa nhanh hơn khi chúng ta nạp quá nhiều đường (có nhiều trong hoa quả). Chúng ta nên ưu tiên sử dụng các loại hoa quả, rau xanh chứa nhiều vitamin tự nhiên.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)