Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những biểu hiện “kêu cứu” của cơ thể do nắng nóng

Tạp Chí Giáo Dục

Kiệt sức do nóng là một dạng bệnh nhẹ do thời tiết nóng và nó thường xảy ra sau vài ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao. Đây là phản ứng của cơ thể do mất quá nhiều muối và khoáng chất qua đường mồ hôi.

Kiệt sức do nóng
Kiệt sức do nóng là một dạng bệnh nhẹ do thời tiết nóng và nó thường xảy ra sau vài ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao và lượng chất lỏng bù đắp không tương xứng hay mất cân bằng. Đây là phản ứng của cơ thể do mất quá nhiều muối và khoáng chất qua đường mồ hôi. Hầu hết những trường hợp đổ bệnh là người già, người có huyết áp cao và những người phải làm việc hay luyện tập trong môi trường nóng bức.
Dấu hiệu nhận biết:
– Đổ nhiều mồ hôi
– Da tái nhợt
– Các cơ bị chuột rút
– Mệt mỏi
– Ỉu xìu
– Đau đầu
– Buồn nôn hay nôn vọt
– Ngất, choáng
– Da có thể mát và ẩm.
– Mạch đập nhanh nhưng yếu, hơi thở nhanh và nông.
Nếu kiệt sức do nóng không được điều trị, sẽ diễn tiến thành đột quỵ. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc người bị bệnh. Cần gọi bác sĩ ngay lập tức  nếu thấy:
– Các triệu chứng tăng nặng
– Người bệnh có tiền sử tim hay huyết áp cao
Ngoài ra, hãy giúp bệnh nhân hạ thân nhiệt và tìm kiến sự giúp đỡ từ y tế nếu tình trạng ngày càng xấu đi và kéo dài hơn 1 giờ.
Điều cần làm:
– Cho uống nước mát và không có chứa cồn
– Nghỉ ngơi
– Tắm nước mát hoặc lau người
– Đưa vào môi trường có điều hòa
– Mặc quần áo nhẹ, thoáng
“Chuột rút” do nóng
Hiện tượng “chuột rút” thường gặp ở những người bị ra mồ hôi quá nhiều khi làm việc quá tích cực. Một lượng lớn muối và độ ẩm của cơ thể bị thất thoát. Khi lượng muối trong các cơ xuống thấp sẽ gây ra hiện tượng “chuột rút”. “Chuột rút” do nóng cũng là một biểu hiện của kiệt sức do nóng.
Dấu hiệu nhận biết: “Chuột rút” do nóng là tình trạng đau hay cơ bị co thắt – thường là cơ vùng bụng, tay hay chân – và thường liên quan với quá trình lao động quá cố gắng trước đó. Nếu có vấn đề về tim hay đang thực hiện chế độ ăn ít muối thì nên được chăm sóc y tế ngay khi thấy bị chuột rút trong thời tiết nóng bức.
Điều cần làm: Nếu thấy chưa cần tới sự giúp đỡ chuyên nghiệp (các bác sĩ) thì có thể làm theo các bước hướng dẫn sau:
– Ngừng mọi hoạt động và ngồi vào nơi có bóng mát, yên tĩnh
– Uống nhiều nước quả và nước khoáng
– Không quay trở lại làm cố trong những giờ sau khi tình trạng chuột rút đã hết bởi vì cố quá sẽ dễ thành “quá cố” (tức là bệnh sẽ chuyển sang kiệt sức hay đột quỵ).
– Tìm kiếm sự giúp đỡ từ các trung tâm y tế nếu thấy tình trạng chuột rút không hết trong 1 giờ.
Cháy nắng
Cháy nắng là một hiện tượng hoàn toàn nên tránh vì nó gây hại cho da. Với tình trạng nhẹ, sự khó chịu thường chỉ diễn ra trong khoảng 1 tuần nhưng nếu nặng hơn thì cần phải tới cơ sở chuyên khoa.
Dấu hiệu nhận biết: Các biểu hiện của cháy nắng gồm da trở nên đỏ, đau rát và nóng sau khi tiếp xúc với nắng.
Điều cần làm: Cần tới bác sĩ chuyên khoa ngay nếu trẻ dưới 1 tuổi bị cháy nắng và có các biểu hiện như sốt, mảng da rộp lên, đau rát.
Dưới đây là những cách để “trị” cháy nắng:
– Tránh tiếp xúc vùng da đó với nắng
– Làm mát vùng da bằng 1 miếng gạc hay ngâm cả vùng đó vào chậu nước mát
– Bôi kem dưỡng ẩm cho các khu vực lân cận. Không dùng bơ, thuốc mỡ hay sáp bôi lên vết thương.
– Không chọc vỡ vết rộp.
Phát ban da do nóng
Phát ban do nóng là tình trạng da bị kích thích bởi mồ hôi tăng tiết quá mức trong thời tiết nóng bức, ẩm ướt. Chứng này có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng nhiều nhất là ở trẻ em.
Dấu hiệu nhận biết: Vùng da phát ban do nóng trông như một đám mụn hay những bóng nước nhỏ. Nó thường xuất hiện ở cổ và ngực, ở háng, dưới ngực và nếp gấp khuỷu tay.
Điều cần làm: Cách điều trị phát ban do nóng là tạo môi trường mát và ít ẩm ướt hơn. Giữ cho các vùng da luôn khô ráo. Các loại bột tan (phấn rôm) rất hiệu quả trong việc phòng ngừa chứng phát ban da do nóng này.
Điều trị phát ban da do nóng rất đơn giản và không cần phải tới các cơ sở y tế.
Nhân Hà (Dan tri)
Theo CDC

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)