Khi tiếng trống trường báo hiệu một năm học mới bắt đầu vang vang trên các bản làng vùng cao phía Đông dãy Trường Sơn, chiếc máy may cũ kỹ trong căn nhà của cô giáo Trần Thị Châu – giáo viên Trường Mầm Non A Xing (xã Lìa, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cũng lạch xạch những âm thanh rộn ràng không kém. Âm thanh của những đường chỉ may áo tặng học trò nghèo!
Gần 20 năm, cô Châu làm thợ may bất đắc dĩ may áo tặng học trò
Những bộ đồng phục nặng tình cô giáo vùng cao
Miền biên Hướng Hóa những ngày mùa thu, khung cảnh thật đẹp và yên bình. Đêm, trong những mái nhà sàn sáng ánh đèn điện, thanh âm đọc bài của lũ trẻ gợi lại trong tôi nhiều nỗi nhớ. Trong miên man hoài niệm về tháng ngày ấu thơ cắp sách đến trường, tôi dừng lại trước ngôi nhà nhỏ phát ra âm thanh lạ lẫm. Tiếng lạch cạch của một chiếc máy nào đó nghe thật xưa cũ. Một cụ bà đang đi ngược chiều nhìn tôi, dừng lại nói: “Nhà cô Châu đó. Cô Châu đang may áo quần mới tặng cho các cháu học trò nghèo để đến trường trong năm học mới. Đêm nào cô cũng may đến khuya”.
Tôi ngập ngừng giây lát trước khi quyết định “gõ cửa” nhà cô Châu theo quán tính nghề nghiệp. Đón tôi là một người phụ nữ trung niên có nụ cười phúc hậu. “Vùng rẻo cao này còn nhiều thiếu thốn, thương các cháu học trò nghèo chưa có điều kiện sắm áo quần mới đến trường nên tôi tranh thủ may ít quần áo đồng phục tặng cho các cháu. Tôi không làm được gì nhiều, chỉ mong các cháu có thêm niềm vui và động lực để đến trường học tập thôi”, cô Châu khiêm tốn bảo.
Ngay trước thềm năm học mới, 50 bộ đồng phục dần hoàn thành. Cô Châu nói: “Vùng cao vào mùa đông rất lạnh. Mưa rừng kéo dài sẽ khiến các em học trò không có áo quần để thay đổi. Tôi tranh thủ ban đêm để may tặng các em, thêm một bộ áo quần là bớt đi một nỗi khổ. Tôi thường phải tranh thủ ban đêm để hoàn thành việc may vá của mình. Vất vả nhưng nhìn các em vui vẻ, hân hoan trong những bộ quần áo mới, lòng lại thấy vui lây”.
Niềm vui của trẻ vùng cao khi nhận được những chiếc áo trắng lành lặn để đến trường
Đây không phải là lần đầu tiên cô Châu may áo tặng trò nghèo. Gần 20 năm cắm bản, cảm thông với sự thiếu thốn của đồng bào, cô Châu tích cóp từng đồng lương để mua cái bàn máy may, lặng lẽ may vá, sửa chữa áo quần giúp bà con. Đi đâu có đồ cũ, vải thừa cô cũng xin về rồi may thành áo quần, tặng lại cho người nghèo. Lâu dần, như một thói quen, bà con dân bản hễ có áo quần sứt chỉ, sút tà, đứt cúc… đều đem đến gọi cô sửa giúp. Đôi khi cô còn bỏ cả tiền túi ra để mua vải và tự may tặng bà con những tấm áo mới. “Bà con và các cháu học trò ấm thân thì mình ấm lòng”, cô Châu nói.
Một tấm lòng vì trẻ nghèo
Cô Châu sinh năm 1975, quê ở vùng trung du thuộc xã Cam Chính (huyện Cam Lộ, Quảng Trị). Năm 1998, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành lâm nghiệp tại Trường Công nhân kỹ thuật ở Quy Nhơn, cô khăn gói lên huyện miền núi Hướng Hóa nhận công tác tại thị trấn Khe Sanh. Đến đầu năm 1999 thì chuyển vào xã A Xing (nay là xã Lìa) làm việc.
A Xing ngày đó đời sống của đa phần bà con đều rất nghèo. Kinh tế chỉ dựa vào cây ngô, cây sắn trồng trên rẫy nên đời sống bà con rất khó khăn. Từng trải qua những năm tháng ấu thơ “khổ tận cam lai”, cô Châu đồng cảm với bà con ngay từ ngày đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này. Nhắc đến quá khứ, cô Châu lặng đi giây lát, đưa tay áo gạt giọt nước mắt lăn dài, kể: “Mình luôn tâm niệm, lớn lên sẽ làm một điều gì đó để chia sẻ với những mảnh đời kém may. Đến A Xing, nhìn lũ trẻ trong bản chạy chơi đùa dưới các góc nhà sàn trên đôi chân đất và mặc những bộ áo quần rách rưới, có đứa cởi trần. Bữa cơm của con trẻ chỉ có cơm chấm muối hoặc sắn với rau rừng. Nhiều đêm thao thức, mình nghĩ cần làm gì đó giúp bà con và các em, dù nhỏ”.
Năm 2000, cô Châu nên duyên với thầy giáo Đỗ Xuân Thành – giáo viên Trường Tiểu học và THCS A Xing. Yêu chồng và yêu luôn nghề giáo của chồng đang theo đuổi, hai năm sau đó cô Châu quyết định nghỉ việc, theo học lớp sơ cấp sư phạm mầm non. Tháng 9-2002, hoàn thành khóa học, cô Châu trở về lại A Xing và dạy hợp đồng. Nghề giáo của cô cũng trải qua một giai đoạn khá khó khăn với nhiều lần “đứt” hợp đồng. Đến năm 2007, cô mới chính thức được biên chế vào dạy tại Trường Mầm non A Xing.
Lặng thầm từng việc nhỏ nhất với một trái tim yêu thương, cô Châu như “sứ giả” giúp nhiều trẻ em đồng bào được đến trường. Một năm học nữa trở lại trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch dồn dập, hỏi cô trăn trở điều gì nhất? Cô Châu nói, đó là các cháu nhà trẻ dưới 3 tuổi vẫn chưa có chế độ hỗ trợ ăn trưa. “Tôi mong năm học mới có nhiều mạnh thường quân hỗ trợ để các cháu được đến trường, bởi để các cháu ở nhà trong khi phụ huynh thường lên rẫy cả ngày thì nhiều hiểm nguy rình rập, không an tâm”, cô Châu trải lòng.
|
Gần 20 năm “cắm bản” ở vùng Lìa, thời gian nhiều nhất là ở xã A Xing, cô Châu thường âm thầm trích những đồng lương của mình để mua áo quần, đồ chơi, giày dép, cặp sách tặng học sinh. Cô Châu cũng lặn lội khắp nơi, kết nối với các mạnh thường quân để hỗ trợ chăn màn, áo ấm, đồ dùng học tập, rồi hỗ trợ các bữa ăn cho trò, những suất quà nhu yếu phẩm tặng bà con dân bản…
Bản Amor nơi cô Châu công tác đã 10 năm nay rất nghèo. Cả bản có hơn 100 hộ dân với số trẻ lên lớp đông nhưng còn nhiều thiếu thốn. Chuyện lội suối cõng trẻ đến lớp không phải là chuyện hiếm. Cô Châu bảo, phụ huynh nghèo, vất vả làm ăn nên ít có thời gian quan tâm con trẻ. Nếu giáo viên không tích cực, chủ động đến động viên cho trẻ đến trường thì câu chuyện thoát nghèo, xóa mù sẽ rất dài và xa.
Thời điểm nhiều nơi vận động bữa cơm bán trú dân nuôi cho trẻ dưới 3 tuổi, nhiều trẻ đến trường không có cơm ăn. Cô Châu đưa ra giải pháp vận động phụ huynh góp gạo, tự cô trích thêm lương giúp các em. Nhiều bữa, cô mang gạo đến trường nấu thêm cho học trò hoặc chia sẻ bớt phần cơm của mình để trẻ ở lại theo học: “Cô ăn gì trò ăn đó, tôi sẻ chia cùng các cháu để phụ huynh không phải đến đón con về giữa trưa. Nhiều phụ huynh đi rẫy cả ngày mới về nên nếu không được ăn cơm ở trường thì các cháu nghỉ học”, cô Châu nói.
Thiên Phúc
Bình luận (0)