Sống tách biệt với thế giới bên ngoài, nhiều bộ lạc vẫn lưu giữ các tập tục kỳ lạ với nếp sống cổ xưa.
Jimmy Nelson là nhiếp ảnh gia Anh. Tên tuổi của ông gắn liền với cuốn sách "Before they pass away" (Trước khi họ biến mất). Cuốn sách đầu tay của Jimmy ghi lại hình ảnh những bộ lạc sống ngoài dòng chảy của thế giới hiện đại.
"Giấc mơ của tôi là có thể bảo tồn văn hóa của các bộ lạc trên thế giới thông qua nhiếp ảnh. Lối sống của họ là một trong những vẻ đẹp điển hình của sự thuần khiết. Nơi đó không có tham lam và đố kỵ – điều đang dần mất đi trong thế giới hiện đại”, Jimmy viết trong cuốn sách.
Trong 4 năm rong ruổi khắp thế giới, Jimmy Nelson đã ghé thăm 31 bộ lạc. Trong ảnh là những phụ nữ trong bộ lạc "Miêu sừng dài" của Trung Quốc. Với nhiều dân tộc, lịch sử được ghi lại trong sách vở. Nhưng với người Miêu, lịch sử chính là chiếc mũ họ đội trên đầu. Mũ được tết bằng tóc rụng của phụ nữ. Người mẹ sẽ trao chiếc mũ cho con gái khi cô ấy lấy chồng. Chúng được gìn giữ cẩn thận và kích thước cứ thế lớn dần lên qua từng thế hệ.
Tộc người Samburu sống trên những dãy núi khô cằn và sa mạc rộng lớn của Kenya. Họ còn được các bộ lạc lân cận gọi là "Người Bướm" bởi những trang phục sặc sỡ. Ngày nay, người Samburu vẫn duy trì những nghi lễ truyền thống có từ hàng nghìn năm trước. Nelson chia sẻ, khi mới tiếp xúc với các bộ lạc, ông không mang theo máy ảnh và quay lại nhiều lần để trò chuyện. Ông chỉ chụp ảnh họ khi đã được đồng ý.
Những người đàn ông Kazakh kiếm ăn bằng cách săn bắn trên lưng ngựa. Ảnh được Jimy Nelson chụp ở Mông Cổ vào năm 2017. Kazakh là hậu duệ của những tộc người di cư cổ xưa đến từ Đông Âu. Ngày nay, những người đàn ông trưởng thành của bộ tộc thường đi săn cùng một con đại bàng đã được thuần dưỡng. Họ sinh sống chủ yếu ở vùng Bắc Trung Á (gồm các nước Kazakhstan, Uzbekistan, Trung Quốc, Nga, Mông Cổ).
Trên hành trình tìm kiếm những bộ lạc cuối cùng, Jimmy Nelson cũng ghé thăm Bhutan, nơi được mệnh danh là thiên đường cuối cùng nơi hạ giới. Khoảng tháng 9/2016, ông bắt gặp những vũ công mặt nạ trong một nghi lễ truyền thống ở Bhutan. Trong hình trên, phía sau những vũ công này là tu viện Paro Taktsang, một trong những nơi linh thiêng bậc nhất của người Bhutan.
Tộc người Surma ở Ethiopia theo tín ngưỡng vật linh giáo. Họ tin rằng những hòn đá, gốc cây cũng có linh hồn và tôn thờ những vật đó. Gia súc là tài sản quan trọng nhất với người Surma và họ dùng súng để bảo vệ chúng. Ngày nay, người Surma vẫn giữ lại những nghi lễ truyền thống như tục căng môi bằng những chiếc vòng, đĩa làm từ đất sét nung.
Những người thuộc tộc Uramana sống ở Papua New Guinea. Đây là một trong những đất nước có nền văn hóa đa dạng nhất trên thế giới, với hơn 850 ngôn ngữ bản địa. Jimmy Nelson cho biết, khi tiếp xúc với những tộc người này, ông phải nhờ người phiên dịch.
Không có quá nhiều thông tin về bộ tộc Likekaipia. Nelson cho biết, ông chụp tấm ảnh này vào năm 2010, tại Papua New Guinea ở phía tây nam Thái Bình Dương.
Những người phụ nữ ở làng Shey, Perak thuộc Ladakh – vùng đất được mệnh danh là “tiểu Tây Tạng” của Ấn Độ. Nơi đây nổi tiếng với thiên nhiên hoang sơ và nền văn hóa bản địa giàu truyền thống.
Những người Masai sống quanh thung lũng Great Rift thuộc Tanzania. Đàn ông Masai vẫn giữ nghi thức trưởng thành cổ xưa, tộc trưởng sẽ nhổ một chiếc răng cửa của một chàng trai. Ngoài ra, người đàn ông Masai trưởng thành còn xâu lỗ tai, đeo dao bên mình và tay cầm giáo nhọn để đi săn.
Những tăng lữ tha hương của bộ tộc Aghori cư trú ở Varanasi. Đây là tộc người cổ đầy bí ẩn ở Ấn Độ, có tục bôi bột trắng lên mặt và đeo nhiều tràng hạt quanh cổ. Họ sống gần các khu hỏa táng và có nhiều tục lệ kỳ dị. Người Ấn Độ truyền tai nhau rằng những tăng lữ bí ẩn này có thể nhìn thấy tương lai.
Ảnh: Jimmy Nelson
Khương Nha/Vnexpress
Bình luận (0)