Họ là những nữ thương binh đã hy sinh một phần máu thịt của mình nơi chiến trường khốc liệt. Hòa bình, họ lại lặng lẽ vượt lên muôn vàn khó khăn của cuộc sống để làm tròn trách nhiệm với gia đình, với công tác được giao.
Một thời dấn thân
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với tinh thần gan dạ, mưu trí, tài năng, sáng tạo, hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã lập nên những chiến công lừng lẫy trên nhiều mặt trận, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Với biệt danh là “con thoi sắt”, bà Nguyễn Thị Mai – nữ biệt động Sài Gòn lừng lẫy một thời đã khiến nhiều người xúc động khi nghe bà kể lại những năm tháng khốc liệt của hai cuộc chiến mà mình đã đi qua. Bà tham gia làm giao liên cho huyện đội từ khi tuổi đời còn rất nhỏ. 21 tuổi, ngưỡng mộ tiếng tăm của Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định, bà đã xin mẹ vào Sài Gòn gia nhập Đội Biệt động 90C để chiến đấu. Ba lần bị địch bắt, oằn mình hứng chịu những kiểu tra tấn dã man như bẻ xương, răng, đổ nước xà phòng rồi dí điện, dốc ngược đầu xuống đất, cô gái gan dạ của miền quê cách mạng Đại Lộc – Quảng Nam vẫn không hé miệng nửa lời. Ít ai có thể ngờ rằng cô gái bé nhỏ ngày ấy đã len lỏi khắp Sài Gòn, vượt qua mưa bom bão đạn để vận chuyển vũ khí và tài liệu cho cách mạng, giết giặc lập công, diệt trừ những tên chiêu hồi chỉ điểm.
Cũng tham gia cách mạng từ những ngày thơ ấu, nữ thương binh Đoàn Lê Phong, con gái của liệt sĩ Đoàn Văn Bơ đã tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình. Tuổi thanh xuân của bà gắn với những căn hầm bí mật, những chuyến đi hành quân gian khổ, những đòn roi tra tấn của quân thù, ranh giới giữa sự sống và cái chết đôi khi cận kề trong gang tấc. “Tôi nhớ nhất là chuyến đi hành quân vào năm 1968, nhiều khó khăn gian khổ nhưng hừng hực khí thế. Nơi nào qua chúng tôi cũng được bà con yêu thương, đùm bọc, trao cho những gói cơm, quà bánh để bộ đội mang theo lót dạ trên đường hành quân”. Những ân tình đó chính là niềm tin, là động lực để những người lính như bà Đoàn Lê Phong tiếp tục dấn thân, không ngại hy sinh gian khổ nơi chiến trường.
Niềm vui ngày gặp mặt của ba nữ thương binh Nguyễn Thị Mai, Đoàn Lê Phong, Lê Thị Tuyết Nga (từ trái qua) |
Cái giá của ngày hòa bình được đổi bằng xương máu của hàng triệu người con ưu tú. Bà Lê Thị Tuyết Nga, nữ thương binh sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại miền sông nước Vĩnh Long bảo rằng, bà may mắn khi được chứng kiến ngày đất nước thống nhất, trong khi bao đồng đội của bà đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Người nữ thương binh ấy đã từng nắm giữ nhiều vai trò, vị trí công tác chủ chốt tại nhiều đơn vị như: Ban Binh vận T3, Đội Biệt động Cần Thơ…
Hạnh phúc bình dị
Trở về từ “địa ngục trần gian” với những màn tra tấn dã man, tàn bạo của kẻ địch, nữ biệt động Nguyễn Thị Mai đã ngỡ mình sẽ vĩnh viễn mất đi cơ hội làm vợ, làm mẹ bởi những những vết thương trên cơ thể và chứng co giật thần kinh luôn hành hạ bà. Cuộc sống như có phép mầu kỳ diệu khi tình yêu giữa bà và người chiến sĩ biệt động có tên Mười Kiều (Huỳnh Kiều) đã đơm hoa kết trái. Hai người con lần lượt ra đời là minh chứng cho tình yêu bền bỉ của họ qua năm tháng.
Thời bình, nữ biệt động Nguyễn Thị Mai mưu sinh bằng nghề gói bánh ú, bánh giò và đội đi bán ở các con đường TP.HCM. Không ít lần những di chứng thần kinh đã hành hạ nhưng bà vẫn gắng gượng. Có kinh nghiệm trong quá trình xây dựng cơ sở hoạt động cách mạng nên bà được bà con lối xóm tin tưởng, quý mến, giao bà làm Tổ trưởng Tổ phụ nữ KP.5, P.22, Q.Tân Bình bao năm qua.
Giống như nhiều đồng đội khác, sau khi nghỉ hưu, nữ thương binh Đoàn Lê Phong và Lê Thị Tuyết Nga vẫn tiếp tục âm thầm cống hiến cho xã hội bất chấp những khó khăn trong cuộc sống. Nữ thương bình Lê Thị Tuyết Nga, hiện là Chủ tịch Hội Luật gia Q.6 chia sẻ: “Ông xã tôi cũng là người lính nên chúng tôi thấu hiểu, sẻ chia với nhau được rất nhiều điều”.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)