Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những bông hoa nở muộn

Tạp Chí Giáo Dục

Sân khấu TP.HCM gần đây có những diễn viên mà khả năng nghệ thuật của họ phải đến tuổi trung niên mới bộc lộ, hoặc phải nhờ một duyên cớ nào đó mới phát triển. Và họ đã gặt hái thành công.

Kịch là duyên nợ bất ngờ

Họa sĩ Sĩ Hoàng đến 50 tuổi vẫn đang nổi tiếng với sự nghiệp thiết kế trang phục và đi dạy tại các trường đại học. Không ai nghĩ có ngày anh xuất hiện trên sân khấu, đầu tiên là vở Trò chơi tham vọng của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Đạo diễn Ái Như khi dựng vở có mời Sĩ Hoàng thiết kế trang phục, rồi chị thấy có một vai nho nhỏ, bèn rủ Sĩ Hoàng đóng thử. Anh có chút ngần ngại vì vai ông đạo diễn trong vở này quậy quá, lại ham tiền, mê gái, không đúng cái chất của mình, nhưng Ái Như động viên, anh đồng ý, mỗi ngày qua nhà Ái Như "thọ giáo" những bài học sân khấu. Khi vở ra mắt, cả khán phòng thích thú vì thấy có một Sĩ Hoàng vô cùng thú vị.

Những bông hoa nở muộn - Ảnh 1.

Xuân Trúc (bìa phải) và Kim Tử Long, Trinh Trinh trong trích đoạn Mộc Quế Anh dâng cây. Ảnh: H.K

Từ duyên nợ ban đầu đó, Sĩ Hoàng vào tiếp vai Hai Thẹo (vở Lạc giữa phố người), một gã giang hồ bặm trợn nhưng kỳ thực rất ngố, cực kỳ dễ thương. Anh tiến bộ rất nhanh, mọi người gọi đùa anh là "diễn viên triển vọng tuổi 50". Sau đó anh tham gia vở Yêu là thoát tội, Thành Thăng Long thuở ấy (sân khấu Thế Giới Trẻ), Cây tre thần, Tấm Cám (sân khấu Lệ Ngọc), Khóc giữa trời xanh (Công ty Sử Việt)… Anh nói: "Tôi vừa làm vừa học. Học qua các anh chị đi trước như Thành Hội, Ái Như, Lệ Ngọc, thầy Trần Minh Ngọc, thầy Trần Ngọc Giàu… Học ngay cả với các anh hậu đài, âm thanh, ánh sáng, vì họ chuyên nghiệp, sẽ cho mình những kiến thức về sân khấu. Tôi dù đến muộn nhưng vẫn quan niệm phải làm nghề nghiêm túc chứ không coi đó là một cuộc chơi".

Tiết Duy Hòa quê ở Châu Đốc (An Giang), có năng khiếu ca nhạc nên lén ba mẹ đi hát ở nhà hàng, quán xá từ năm 1992. Năm 2000, Đoàn văn công tỉnh An Giang mời anh vào biên chế, nhưng đòi hỏi phải đa năng, biết ca, múa, diễn kịch, dựng kịch. Tiết Duy Hòa thọ giáo tất cả các nhạc sĩ, đạo diễn mà anh được gặp, và tiến bộ rất nhanh. Năm 2010, đoàn văn công cho một suất đi học, anh chọn khoa đạo diễn Trường Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, học từ hệ cao đẳng rồi học tiếp đại học (thi vào đậu thủ khoa). Vừa học vừa lập nhóm kịch đi diễn ở tỉnh và thành phố, cuối cùng anh gia nhập nhóm kịch Đời của "bà bầu" Hồng Trang. Đến thời của kịch Bolero, Tiết Duy Hòa được mời diễn rất nhiều. Từ vở tốt nghiệp của anh là Đò tình lấy nước mắt khán giả, sân khấu Thế Giới Trẻ lại yêu cầu anh làm thêm một vở mang đậm màu sắc miền Tây Nam bộ. Ngược gió ra đời, anh vừa viết vừa dựng, là một tác phẩm chỉn chu, đẹp đến nao lòng. Vở còn được Nhà hát Trần Hữu Trang chuyển thể cải lương.

Cải lương là đam mê

Trong rất nhiều vở cải lương tuồng cổ hiện nay, khán giả thấy có sự xuất hiện của nghệ sĩ Xuân Trúc. Vóc dáng và gương mặt đẹp, giọng ca trầm ấm, ngọt ngào, vũ đạo nhuần nhuyễn, Xuân Trúc là một ứng cử viên sáng giá cho các vai võ tướng. Anh chính là hậu duệ của gia tộc Minh Tơ, anh ruột của nghệ sĩ Trinh Trinh. Trong khi các bạn cùng lứa mới 5 – 6 tuổi đã vào Đoàn Đồng ấu Bạch Long học ca diễn, thì 19 tuổi Xuân Trúc mới gia nhập Minh Tơ, và "ông thầy" của anh cũng chính là nghệ sĩ Bạch Long. Sau đó anh theo các đoàn tỉnh đi hát khắp nơi, vì vậy khán giả thành phố hầu như không nhớ anh. Chỉ khoảng 10 năm nay anh mới ổn định ở TP.HCM và xuất hiện liên tục. Anh nói: "Không ngờ gần 50 tuổi rồi lại được đón nhận như vậy".

Những bông hoa nở muộn - Ảnh 2.

Tiết Duy Hòa (phải) và Hồng Trang trong kịch ngắn Biển của nhóm kịch Đời

Hoàng Đăng Khoa vốn là một ca sĩ nhạc dance, thường diễn tại các tụ điểm ca nhạc tổng hợp. Một hôm nghệ sĩ Hoài Linh nói: "Có một vai quân sĩ mà diễn viên bệnh rồi, em đóng giùm được không?". Hoàng Đăng Khoa liều mình làm thử. Không ngờ từ đó đi theo thọ giáo Vũ Linh, học ca, học diễn. Rồi anh bỏ tiền ra sản xuất chương trình cho mình và anh em cải lương, hoặc tham gia các nhóm cải lương khác. Anh có vóc dáng cao ráo, giọng khỏe, vũ đạo đẹp, lên sân khấu rất sáng. Anh trầm ngâm: "Thấm thoát mà 14 năm theo cải lương, tôi thấy mình say mê đến mức đôi khi quên cả mình từng là dân ca nhạc".

Hai cô gái Phương Thảo và Nguyễn Quyên từ nhỏ đã mê cải lương nhưng không có cơ hội theo nghề, mà lại chọn con đường kinh doanh. Nhưng họ vẫn không từ bỏ ước mơ, lẳng lặng theo học ca diễn và bỏ ống heo để đầu tư cho mình. Vở cải lương Thiên định kiếp tiền duyên ra mắt lúc hai cô đã qua "tuổi băm". Ca diễn đều tốt, kịch bản hấp dẫn, vở kéo người xem ngồi trong rạp hơn 90 phút không giải lao. Nguyễn Quyên nói: "Chúng tôi đã làm nhiều MV khác coi như tập dượt trước khi dám làm vở 90 phút này. Chúng tôi sẽ "bỏ ống" nữa để tiếp tục thực hiện ước mơ, chỉ vì lòng yêu cải lương".

Theo Hoàng Kim/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)