Trong mỗi ngôi trường luôn có những con người thầm lặng, những bông hoa miệt mài tỏa hương sắc. Ở Trường Mầm non 27 (Q.Bình Thạnh), những bông hoa thầm lặng là cô Vũ Thị Tố Loan (Hiệu trưởng nhà trường) và cô Trần Thị Mai Hồng (Phó Hiệu trưởng chăm sóc nuôi dưỡng).
Nhiều năm cống hiến và đóng góp trong nghề, những câu chuyện, quan niệm về nghề từ hai cô vì thế mà cũng sâu lắng và day dứt hơn.
Cô Trần Thị Ngọc Châu vinh dự được nhận giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 18. Để có được niềm vinh dự này, phía sau là một người hiệu trưởng luôn âm thầm – nhiệt huyết hỗ trợ tích cực. Đó là cô Vũ Thị Tố Loan (Hiệu trưởng nhà trường, thứ 4 từ trái sang) |
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài
Gần 31 năm công tác trong nghề, luân chuyển qua nhiều vị trí, nhiều môi trường, bằng cái tâm yêu trẻ, say mê cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, cô Loan đã gặt hái được nhiều thành tích đáng nể. Theo đó, liên tục nhiều năm liền cô luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và TP, nhận Giấy khen của Sở GD-ĐT TP.HCM, Bằng khen của UBND TP, Bằng khen của Bộ GD-ĐT và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay từ những ngày đầu ra trường, công tác tại Trường Mầm non 19, cô Loan đã luôn tâm niệm rằng, một người giáo viên mầm non trước hết phải có cái tâm sáng và hướng thiện để yêu trẻ, yêu nghề. “Phải luôn luôn đặt mình vào vị trí của người làm cha làm mẹ để chăm sóc, yêu thương trẻ một cách vô tư và chân thành nhất. Không được phép bạo hành trẻ dưới bất kỳ hình thức nào”, cô nói.
Dù đã xác định với bản thân nhưng với cô Loan, không phải là không có những lúc tưởng chừng bỏ cuộc trong hành trình nuôi dạy trẻ. “Không có con đường nào chỉ trải toàn hoa hồng. Và con đường giáo viên mầm non thì lại càng không. Chính những lúc yếu lòng nhất là lúc tôi muốn dừng lại. Nhưng những ánh mắt ngây thơ, những nụ cười rạng rỡ, những nụ hôn êm ái đã giữ chân tôi lại. Để đến bây giờ, khi đã đi gần hết cuộc hành trình phải đi, tôi nghĩ mình phải cảm ơn các bé”, cô Loan nghẹn ngào.
Theo cô Loan, để giáo viên mầm non thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc giáo dục trẻ rất cần đến sự đồng hành của phụ huynh. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của bản thân, cô nói rằng nhiều phụ huynh chưa thực sự coi giáo viên mầm non là một người giáo viên mà chỉ là những người giữ trẻ. Bởi vậy, trong quá trình chăm sóc trẻ, chỉ cần một vấn đề nào đó như phạt trẻ để giáo dục chẳng hạn là phụ huynh sẵn sàng phản ứng, sẵn sàng la mắng ngay.
Trải nghiệm từ những ngày đầu mới ra trường, với cô Loan đó cũng chính là những “bài học” về nghề đầu tiên mà cô học được. “Khi đó, tôi đang công tác tại Trường Mầm non 19, một mình phải giữ đến 50 trẻ. Lần đó, một bé trai trong lớp xin đi vệ sinh, tôi đã để bé đi một mình vì nghĩ không thể bỏ 49 bé còn lại. Bé trai đó đã vô tình bị ngã và xây xước tay. Khi phụ huynh đến đón, không cần biết lý do gì, không cần biết tôi nói gì, họ xót con và mắng té tát. Tôi chỉ biết bật khóc nức nở…”, cô Loan ngậm ngùi.
Với cô Loan, hạnh phúc nhất trong chặng đường làm giáo dục mầm non là mỗi ngày được nghe tiếng trẻ gọi má, được chứng kiến trẻ lớn khôn, trưởng thành. “Nhờ các bé, tôi thấy yêu cuộc đời này hơn nữa”, cô Loan chia sẻ.
Trường Mầm non 27 ngày càng xanh – sạch – đẹp – hiện đại nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo hết lòng vì trẻ của đội ngũ Ban Giám hiệu nhà trường. Những người giỏi về chuyên môn, tận tụy với công việc. Trong hình là cô Vũ Thị Tố Loan và cô Trần Thị Mai Hồng (đứng đầu từ trái sang) vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba cho nhà trường từ bà Bùi Thị Diễm Thu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT) trao nhân kết thúc năm học 2016-2017 |
Nửa đời tỏa hương
Gần nửa đời thầm lặng “trao thân” cho sự nghiệp giáo dục mầm non, trong mắt đồng nghiệp, cô Hồng như một đóa hoa lặng lẽ vươn mình tỏa hương.
Công tác trong ngành từ năm 1987, qua 31 năm cống hiến, với nhiều vai trò từ trực tiếp đứng lớp đến quản lý, ở bất kỳ vị trí nào, người giáo viên ấy vẫn luôn không ngừng nỗ lực phấn đấu. Trái ngọt cho chặng đường đó chính là những ghi nhận của các cấp, các ngành. Liên tục nhiều năm liền cô Hồng được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp quận, cấp TP; luôn đạt danh hiệu “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà” từ năm 1987 đến nay, nhận Bằng khen của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt là Huy chương vì sự nghiệp giáo dục.
Bên cạnh công tác chăm lo giáo dục cho trẻ mầm non, cô Hồng còn tích cực tham gia vào các hoạt động phong trào của Đoàn, của Hội chữ thập đỏ và luôn là hạt nhân đi đầu trong các phong trào đó. Với những nỗ lực đó, cô đã vinh dự nhận được kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nhân đạo của Hội chữ Thập đỏ Việt Nam.
Miệt mài là thế nhưng cô Hồng đã có lúc muốn chùn chân, bỏ cuộc. “Xa lắm rồi, khi đó tôi còn trẻ, mong muốn tìm một nghề khác. Nhưng rồi chính sự hồn nhiên của trẻ, tiếng gọi thân thương của trẻ đã níu chân tôi lại”, cô Hồng tâm sự.
Niềm vui của cô Hồng mỗi ngày là được nghe những câu chuyện không đầu không cuối của trẻ, được hít hà mùi tóc thơ ngây của trẻ khi trẻ sà vào lòng. “Chỉ cần yêu trẻ thôi đã là đủ đối với một giáo viên mầm non. Chỉ cần yêu trẻ thôi thì sẽ chẳng còn bạo hành, chẳng còn bỏ nghề hay than trách”, cô Hồng nhắn nhủ.
Đỗ Yến
Bình luận (0)