Sinh ra và lớn lên từ làng nghề chẻ đá, trăn trở trước đầu ra bấp bênh của bà con và nuôi khát vọng được làm nhịp cầu nối để sản phẩm đá chẻ quê mình đi xa hơn, Nguyễn Thị Liên, quê thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã bắt tay xây dựng dự án “Du lịch làng nghề đá Hòa Sơn”.
Nguyễn Thị Liên (bìa phải) – người sáng lập dự án “Du lịch làng nghề đá Hòa Sơn” |
1.Nguyễn Thị Liên (SN 1990) từng tốt nghiệp ĐH Sư phạm Đà Nẵng, chuyên ngành du lịch. Với vốn kiến thức về văn hóa, xã hội, lịch sử khá cộng thêm sự năng động nên vừa ra trường, Liên đã tìm được việc làm ngay với mức thu nhập khá ổn định. Từ một hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour, Liên mạnh dạn thành lập công ty chuyên về mảng du lịch do chính cô làm giám đốc với mức thu nhập khiến nhiều người mơ ước. “Cuộc sống khá ổn định nhưng mỗi lần từ phố về quê, nhìn những người thợ lưng áo ướt đẫm mồ hôi bên những tảng đá nhọc nhằn mà đầu ra quá bấp bênh, em lại nghĩ tại sao mình không làm điều gì đó để đưa đá làng nghề tìm thấy lối đi”, Liên nói.
Nghĩ là làm. Cuối năm 2017, khi đang tìm kiếm ý tưởng về lối đi cho đá thì Liên tình cờ nắm bắt được thông tin về Vườn ươm Sông Hàn – nơi có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp. Ý tưởng xây dựng dự án về du lịch làng nghề chẻ đá Hòa Sơn được nhen nhóm từ đó.
Ý tưởng hình thành dần qua những buổi thực tế khảo sát đó bằng những bản kế hoạch chi tiết. Ít lâu sau, Liên mạnh dạn dự thi vào startup để ươm tạo ở Vườn ươm Sông Hàn. Tháng 5-2018, vượt qua vòng thi khắc nghiệt, dự án được lựa chọn. Một tháng sau đó, dự án bắt đầu ươm tạo. Từ đây, Liên bắt đầu thành lập team để triển khai dự án với tên gọi “Cherry stone – em yêu đá” gồm Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Mai Sa (nhân viên của chương trình Kí ức Hội An) và Nguyễn Thị Bình (đang là sinh viên năm 2, Trường ĐH Kinh tế – ĐH Huế).
2.Điểm đặc biệt của dự án là team toàn nữ. Ba “bóng hồng” ấy suốt nhiều tháng liền lặn lội đi khảo sát từng làng đá để tìm hiểu đặc tính, mẫu mã sản phẩm, nhận định thị trường… “Đó là thời điểm em và team bắt đầu tập trung mọi công sức cho dự án. Sau hai tháng ươm tạo với sự góp ý của các chuyên gia khởi nghiệp, trực tiếp là chuyên gia khởi nghiệp Lý Đình Quân, team đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên của dự án. Vất vả không kể hết nhưng nhóm luôn động viên nhau nỗ lực bởi không có đường đi nào có sẵn. Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng 4.0 lại luôn đòi hỏi ở mỗi team sự sáng tạo, khác biệt”, Liên bộc bạch.
Ở giai đoạn này, team tập trung hoàn thiện kế hoạch dự án, đi thực tế tại làng nghề chẻ đá tìm hiểu và thống kê các mẫu vật liệu có sẵn ở làng nghề để hoàn thành bộ sưu tập sản phẩm độc đáo từ đá chẻ, tìm hiểu tâm tư của bà con làng nghề. Theo team, hiện làng nghề đá xây dựng Hòa Sơn có khoảng trên dưới 50 mẫu đá chẻ. Những mẫu mã sản phẩm từ đá này thu hút khách hàng của các loại đá này là các resort, quán bar, nhà hàng, cà phê vườn những không gian nghệ thuật… rất tiềm năng. Điểm thuận lợi nữa là người làng đá có tính đoàn kết và cố kết cộng đồng rất lớn. Tuy nhiên, lâu nay việc xuất bán đá của người dân chỉ mang tính chất tự phát, phụ thuộc vào nhu cầu của thương lái nên có những vụ đá bà con vừa làm nghề vừa lo lắng bởi không tìm được đầu ra. Sản phẩm tồn đọng, không có thu nhập để sinh hoạt. Mặt khác, khi tự phát và mọi thứ còn phụ thuộc đầu ra thì ít nhiều môi trường sẽ bị ảnh hưởng. Từ trăn trở đó, team bắt tay xây dựng dự án theo hướng tìm kiếm tạo ra nhịp cầu nối để đưa người làm đá tiếp cận gần hơn với thị trường mà không bị phụ thuộc vào thương lái ép giá và bảo vệ môi trường sống. “Khi team hình thành được chuỗi sản phẩm độc đáo, tìm kiếm được đầu ra ổn định, đời sống kinh tế của bà con sẽ được cải thiện”, Liên nói. “Tuy nhiên để làm được điều đó. Team sẽ phải nỗ lực hết mình để tìm kiếm con đường tạo ra một thị trường mới, thay đổi ý thức sử dụng vật liệu xây dựng đồng thời đưa ra chân giá trị để các đối tác nhìn nhận giá trị đó. Từ đó thay đổi cách nhìn của khách hàng, đối tác cả về mua bán, cạnh tranh nội địa để tạo ra một môi trường sản xuất ổn định cho người làng nghề”, Sa chia sẻ thêm.
“Tương lai, khi tạo được cầu nối xuất bán sản phẩm cho bà con làng nghề, team sẽ nghĩ tới việc mang sản phẩm đá ra nước ngoài. Khi dự án phát triển ổn định, nhóm sẽ nghiên cứu phát triển lên giai đoạn 2 hướng đến dịch vụ du lịch homestay về làng nghề đá để giúp bà con có thêm nguồn thu nhập ổn định và bền vững hơn”, Liên cho biết. |
3.Để tạo nội lực cho dự án, Liên quyết định hoạt động cầm chừng với Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Liên Tiến Phát do chính cô làm giám đốc để lấy ngắn nuôi dài. Dành hết những đồng vốn tích cóp của mình nhiều năm làm việc để dồn sức cho dự án. Nhìn vào team với ba “bóng hồng” mảnh mai, nhiều người lắc đầu cho sự “đối nghịch” nhất định giữa dự án với người khởi nghiệp từ đá nhưng ở team luôn có sự đồng thuận, san sẻ và động viên nhau quyết tâm thực hiện. “Cứ mỗi ngày, nhóm đều phải nghĩ ra phương án thực hiện mới. Khởi nghiệp không cho phép mình dừng lại lâu, phải tạo ra cái mới, làm được cái chưa ai làm. Có những ngày ba chị em đi thực tế làng đá giữa tiết trời nắng cháy bỏng tận Bình Định để tìm hiểu. Do tính chất công việc mỗi người đang theo đuổi nên thời gian rất gắt khiến ai cũng mệt phờ sau mỗi chuyến đi khảo sát. Những lúc đó ba chị em động viên nhau nghĩ tới ngày dự án thành công, đem được điều gì đó tốt hơn đến cho người làng nghề thế là lại thấy vui”, Liên trải lòng.
Theo Liên, dự án hướng đến lợi ích cộng đồng, an sinh xã hội ấy, sự nỗ lực của team là vẫn chưa đủ. Cần nhiều hơn sự chung tay của các mentor, nhà đầu tư và cả sự đồng thuận của người làm nghề trong sản xuất, sáng tạo ra mẫu mã bắt mắt, đảm bảo chất lượng.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)