Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những bước chân mùa xuân

Tạp Chí Giáo Dục

Nghe CD “Lúng liếng”của nhạc sĩ Quỳnh Hợp

Mùa xuân đang về và người yêu nhạc Quỳnh Hợp lại được nhận một món quà Xuân đầy ý nghĩa, đó là album nhạc với tên gọi thật độc đáo, theo cách gọi người thương của người quan họ: “Lúng liếng”, một album tập hợp những sáng tác mang âm hưởng dân gian nhiều vùng của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, một album của mùa xuân với tiếng hát ngọt ngào, lúng liếng đậm chất dân gian của ca sĩ xinh đẹp Trang Nhung. Album được Viết Tân phát hành đón Tết nguyên đán Canh Dần – tháng 1/ 2010.

“Tiếng hát ngân vang lời ru đất nước

Lúng liếng mi ngài nón quai thao

Khúc nhạc ngân rung điệu đàng tha thướt

Gọi xuân về giọt sương sớm long lanh…”

(thơ Mai Thanh Tịnh)

Bốn câu thơ của Mai Thanh Tịnh thay cho lời tựa album: vừa dân gian vừa con gái trong xôn xao rạo rực sắc xuân.

Có thể xem 12 bài hát trong “Lúng liếng” là 12 nốt nhạc, 12 cánh hoa, 12 bước chân đưa chúng ta đi vào thế giới của mùa xuân tràn ngập sắc màu, tình yêu và long lanh giai điệu. Âm nhạc Quỳnh Hợp trong “Lúng liếng” qua tiếng hát dịu ngọt, đằm thắm và trong ngần của ca sĩ Trang Nhung như những bước chân mùa xuân đưa người nghe đến nhiều địa danh dọc theo đất nước trong giai điệu bồi hồi, náo nức đậm đà âm hưởng dân gian các vùng Tây Bắc, Ca Trù, Quan Họ, dân ca người Vân Kiều (Quảng Trị), âm hưởng hiện đại của Huế, Tây Nguyên, Chăm, Nam Bộ…

“Kìa em, kìa em! Mùa xuân đã về rồi!

Giọt sương, giọt sương long lanh trên thảm cỏ”

(Kìa em mùa xuân về/thơ Đặng Hồng Thiệp).

Mùa xuân trong âm nhạc của Quỳnh Hợp thật đáng yêu, thật dịu dàng, trong vắt với ánh nắng, giọt sương, màu hoa tím biếc và ánh mắt em. Mùa xuân đưa ta về với Hội Lim để “nghe câu Quan họ mà ngơ ngẩn hồn”…Và nơi đó có “mắt ai lúng liếng đong đưa, tôi về ngơ ngẩn…lại chờ Hội Lim”… Trang Nhung đã “ngọt lịm” với nét Quan họ vừa đong đưa vừa lảnh lót (Mùa xuân trảy hội làng Lim/thơ Xuân Quỳ).

Mùa xuân đưa ta lên rẻo cao vùng Tây Bắc, đâu đâu cũng gặp hoa. Sắc hoa Đào hồng rực cùng với hoa Ban, hoa Mận trắng làm nên bức tranh mùa xuân độc đáo trong giai điệu sáng trong, thánh thót, nơi có “lập lòe hoa chuối đầu non”, có “tay em trắng muốt tung còn” và “tiếng khèn ngẩn ngơ kẽ lá” cùng “nụ cười như suối trong veo”… (Xuân rẻo cao/ thơ Nguyễn Quyết Thắng).

Trên những nẻo đường xuân Tây Bắc, ta về thăm lại dòng sông Nậm Rốm. Hoa Ban nở trắng rừng. Những cánh hoa đẹp như cổ tích cứ rung rinh sắc trắng của mình trên những triền núi trập trùng. Già làng, trai gái trong bản bên ánh lửa bập bùng, chờ hoa Ban nở, để được thấy “lộc non cựa mình, xòe cánh hoa trắng, như cô gái Thái, e lệ bước ra…” một vẻ đẹp dân dã đắm say lòng (Chuyện tình Hoa Ban trắng/ thơ Đoàn Hoài Trung).

Không dừng lại nơi núi rừng Tây Bắc, “bước chân mùa xuân của Quỳnh Hợp” tiếp tục đưa ta về với Tây Hồ, giữa một chiều thanh bình Hà Nội, để “cõi lòng ta hòa với đất trời”… để nghe “Tiếng chuông chiều vọng hồn đất nước/ Vĩnh hằng một cõi đất Đông Đô” nét ca trù thanh thoát, đài các được Trang Nhung ngân nga, nhấn nhá vừa phiêu diêu vừa huyền hoặc (Một chiều với Tây Hồ/ thơ Nguyễn Đức Nam).

Tiếp tục theo bước “mùa xuân Quỳnh Hợp”, ta cùng nhau lên đỉnh Sa Mù, trong chênh vênh của đèo dốc và chòng chành của sự say đắm ngất ngây trước phong cảnh núi rừng Trường Sơn hùng vĩ “ngắm hoàng hôn buông hồn theo khói đá, lốc cốc mõ trâu thong thả dốc dài”. Nơi đó có “cô gái Vân Kiều gùi bóng núi nghiêng vai, hé nụ cười bông cúc dại, mắt mơ màng chống chếnh nắng chiều phai”… (Chiều lên đỉnh Sa Mù/ thơ Mai Thanh Tịnh).

Tạm biệt Sa Mù, ta đến với Sông Hương trong điệu nhạc chậm rãi như lời tự tình trên nền nhạc khá mới mẻ, nhiều sắc màu lung linh, để thấy “Đại Nội trầm tư uy nghiêm, lung linh đôi bờ vui, phố phường vàng mơ ánh đèn…” và chợt thấy “Thướt tha ai qua Tràng Tiền…” để “người về thương nhớ khôn nguôi… ” (Đêm Sông Hương/ thơ Mai Hữu Phước).

Tiếp tục hành trình của nàng Xuân, ta cùng nhau đến Bà Nà trong điệu nhạc bồng bềnh lãng đãng. Ngồi trên carbin lơ lửng giữa lưng chừng mây và trong sương ta như được chiêm ngưỡng cảnh núi rừng hùng vĩ sẽ khiến du khách có cảm giác như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh: “Em choàng Xuân xao xuyến” và “mây lẫn vào trong sóng, nắng lẫn vào trong mưa, hoa bừng hương trong đá, Sông Hàn xanh vỡ bờ”…(Bà Nà mây vương/ thơ Đặng Hồng Thiệp).

Mùa xuân đưa ta lên cao nguyên lộng gió, nơi có cô gái Jrai ngắm “chiều cởi áo vắt ngang ngực núi” và “chờ cơn say cho lòng tịnh tâm, nhìn chiều nghiêng nắng ướt dầm hạt mưa bay”… để rồi “Ta chợt nhớ anh, ta chợt khát anh, nỗi khát khao mặn nồng, nỗi khát khao nồng cháy”… rất Tây Nguyên, rất “Quỳnh Hợp”. Một “Quỳnh Hợp” như được sinh ra để ghi lại những tiết tấu và giai điệu của Tây Nguyên, của núi rừng, của tình yêu nồng nàn khát cháy…(Chiều rơi / thơ Phan Tử Nho).

“Bước chân mùa xuân Quỳnh Hợp” cùng ta đến một vùng tháp cổ của người Chăm trong nhịp trống Gi – năng rộn ràng, quyến rũ. Một chút huyền bí, một chút bâng khuâng – nơi “gập ghềnh nghìn năm vọng gót lữ hành” và “bâng khuâng chiều vướng cả mắt thần linh”…(Bâng khuâng tháp cổ/ thơ Nguyên Vi & Dương Toàn Thiên)

Nhưng mùa xuân vẫn chưa dừng bước ở đây, vì những cánh hoa phong lan Đà Lạt và nhịp cồng chiêng lung linh ánh trăng vàng trên đỉnh Langbiang lạnh sương rơi đã mời gọi mùa xuân tìm đến…để được “cùng điệu xoang với em, cùng điệu xoang nhớ mãi trong xôn xao mùa xuân”… (Đêm Langbiang/ thơ Kpa Ylang)

Tạm biệt cao nguyên, bước chân mùa xuân tìm đến miền đất ngọt ngào hoa trái, mênh mông lúa vàng: vùng đất phương Nam, nơi đó, mùa xuân nhìn thấy “ánh mắt em lay, hồn anh chuếnh choáng, đổ dài nằm tháng, điệu hò mơn man”…(Một thoáng phương Nam/ thơ Mai Thanh Tịnh).

…Dường như 12 ca khúc trong album “Lúng liếng” không chỉ là 12 bước chân của mùa xuân mà còn là 12 tháng của đất trời phơi phới như mùa xuân. Bằng tiếng hát trong trẻo, dịu ngọt lúc Lúng liếng – đong đưa lúc lắng sâu – tha thiết, ca sĩ Trang Nhung đã mang đến cho chúng ta những cảm xúc của phút giây hội ngộ với đất, với trời, với rừng núi, với hương hoa và dường như ta nhìn thấy cả quê hương, đất nước, cả ký ức và hiện tại, cả tình yêu lẫn ước mơ…

Album “Lúng liếng”- những bước chân mùa xuân của Quỳnh Hợp đã khiến “lời đá vàng cất cánh” và đưa “ta bay cùng mùa xuân”. Một mùa xuân của khát vọng, của tình yêu, của nắng, gió, sương, mây… mùa xuân của cỏ cây, hoa lá… Một mùa xuân dạo bước khắp đất trời, trên mọi miền đất nước. Một mùa xuân với những giai điệu và tiết tấu tươi trẻ, đằm thắm của cái lúng liếng, ý nhị mà sâu sắc của những làn điệu dân ca cùng với mai vàng, đào thắm và những cánh én xôn xao, những ánh mắt trao duyên hòa cùng hơi ấm của Đất Trời trong tiết xuân nồng thắm.

THU PHONG

Bình luận (0)