Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những bước chân trưởng thành

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Mùa hè năm nay, khi nhịp sống dần thích nghi sau đại dịch, nhiều bạn trẻ lên kế hoạch cho những chuyến đi của tuổi thanh xuân để trưởng thành và lan tỏa giá trị sống tốt đẹp vì cộng đồng. Cảnh đẹp đất nước hay đặc sản miền xa được xếp sau những phần việc chia sẻ và trải nghiệm cuộc sống bản địa.
Mùa hè “xanh”
Chia sẻ lên trang cá nhân hình ảnh sân banh trong xóm được dọn sạch rác, Phạm Tấn An (27 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) cho biết: “Tôi theo dõi nhóm Xanh Việt Nam trên mạng xã hội khá lâu, chủ nhật vừa rồi thấy các bạn phát động nhặt rác toàn quốc, dọn dẹp các khu vực còn bề bộn xung quanh nơi mình đang sống. Sẵn dịp về quê ở tỉnh Nam Định, tôi cùng một số bạn trong xóm dọn dẹp lại sân banh gần nhà, để nghỉ hè tụi nhỏ có chỗ chơi sạch sẽ”.
Gần 3 năm hoạt động, nhóm Xanh Việt Nam tổ chức nhiều đợt nhặt rác – với tên gọi “Clean up” – trên cả nước. Nguyễn Thị Thanh Hương (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sài Gòn) cùng nhóm bạn tổ chức chuyến du lịch hè tại tỉnh Bình Định, sẵn dịp hưởng ứng chiến dịch “Clean up” cùng các thành viên Xanh Việt Nam.
Thanh Hương chia sẻ: “Nhóm mình đến đây vào ngày thứ bảy, đọc thông tin qua mạng xã hội thì biết hôm sau nhóm Xanh Việt Nam tổ chức nhặt rác, nên tụi mình quyết định dành ngày chủ nhật tham gia cùng các bạn, còn kế hoạch đi chơi và tắm biển dời lại sau. Chuyến đi của mình có ích hơn khi làm được một việc nho nhỏ cho môi trường thêm xanh”.
Trong hành trình thanh xuân, những điểm đến miền xa không chỉ là để ngắm nhìn cảnh đẹp đất nước. Mỗi chuyến đi được nhiều bạn trẻ chú trọng những giá trị cộng đồng, màu xanh bền vững cho môi trường. Chương trình học ở trường kết thúc sớm, Lương Thị Hoàng Oanh (sinh viên năm 2, Trường Đại học Kinh tế TPHCM) đăng ký làm tình nguyện viên tham gia dọn rác tại tỉnh Ninh Bình.
Điểm cầu tỉnh Bình Định trong chiến dịch “Clean up” vào ngày 5-6, do nhóm Xanh Việt Nam tổ chức

“Tôi đăng ký làm tình nguyện viên “Clean up” đợt này tại đầu cầu Ninh Bình vì sẵn dịp về thăm nhà một người bạn ở đây. Trước đó, nhóm bạn tôi lên kế hoạch để vừa tham gia hoạt động nhặt rác vừa tham quan cảnh đẹp ở Ninh Bình, như vậy thì mùa hè trôi qua sẽ không lãng phí”.
Hành trang trong kỳ nghỉ của Hoàng Oanh cùng nhóm bạn khi về Ninh Bình là túi quần áo có cũ, có mới, được xếp gọn gàng. “Chỗ quần áo này tụi mình vận động được từ bạn bè và người quen để gửi cho một nhóm thiện nguyện ở Ninh Bình, chủ yếu là quần áo trẻ em và một ít đồ chơi”, Hoàng Oanh kể thêm.
Trải nghiệm thanh xuân
Hơn hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, mùa hè trôi qua thật lặng lẽ, khi mọi hoạt động tạm gián đoạn vì giãn cách xã hội. Đăng ký cho mình chuyến dã ngoại ở rừng Nam Cát Tiên với mức phí hơn 2 triệu đồng, Nguyễn Thanh Tuấn (sinh viên năm 1, Trường Đại học Công nghệ TPHCM) hào hứng: “Em tốt nghiệp cấp 3 rồi lên đại học, mùa hè cũng chỉ ở nhà vì dịch bệnh, nên năm nay em muốn trải nghiệm những chuyến đi nhiều hơn. Chuyến dã ngoại sắp tới của em không chỉ có đi chơi mà còn học kỹ năng sinh tồn khi ở rừng nên gia đình em rất ủng hộ, nhất là tụi em có một ngày được trải nghiệm tham quan các loại dược liệu quý ở rừng”.
Phan Thị Thùy Linh (học sinh lớp 11, Trường THPT Tạ Quang Bửu, quận 8) trở về từ chuyến dã ngoại ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) với những ngày được học và trải nghiệm kỹ năng đi rừng, như: cách nhận biết các hướng Đông – Tây – Nam – Bắc thông qua tán cây rừng; quan sát và nhận diện các loài cây thuốc nam ở rừng, những cây có độc; kiến thức về phòng cháy rừng… Linh còn được hòa mình cùng đời sống người dân bản địa, tham gia các hoạt động tìm hiểu cách đánh cồng chiêng, giã gạo, tìm hiểu về văn hóa người S’tiêng… 
“Những ngày dã ngoại ở rừng và sống cùng người dân bản địa cho em thêm nhiều kỹ năng rất hay. Bây giờ, em tự tin trong việc đọc la bàn – điều mà trước đây em loay hoay, không biết phải làm sao. Ở nhà ba mẹ lo lắng em bị cảm lạnh, cảm nắng, nhưng bây giờ em thấy sức chịu đựng của mình tốt hơn nhiều”, Thùy Linh chia sẻ.
Trong những chuyến đi của mùa hè, nhiều bạn trẻ chọn điểm đến là những miền quê với chút gom góp sách vở, quần áo dành cho những hoàn cảnh còn khó khăn. Vận động bạn bè, người thân được 50 bộ quần áo mới dành cho các em nhỏ độ tuổi cấp 2 và gần 30 bộ sách giáo khoa, Đặng Thị Trang (22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Văn hóa TPHCM) gói lại cẩn thận thành từng phần quà nhỏ.
Trang kể: “Tôi mới tham gia vào nhóm thiện nguyện Trái tim đồng cảm. Chuyện quyên góp kinh phí giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn đã có các anh chị điều hành nhóm lo. Phần mình, tôi vận động quần áo (sơ mi trắng và quần tây xanh), sách vở cho các em nhỏ. Chủ nhật tuần tới, cả nhóm sẽ có hoạt động thiện nguyện ở Sóc Trăng, mọi người đang chuẩn bị quà và nôn nao lắm”.
Có những mùa hè không cần phải rực rỡ, chỉ cần trôi qua thật chậm. Hành trình tuổi trẻ hẳn sẽ còn dài, nhưng những trải nghiệm của tuổi xuân biết hướng đến cộng đồng, môi trường hẳn là một tín hiệu đáng mừng.
THIÊN THANH (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)