Văn chương Việt đang có những bước tiến dài khi nhiều tác phẩm đã được chuyển ngữ và được giới thiệu ở nước ngoài.
Muôn kiểu “xuất ngoại”
Nhắc đến “xuất khẩu” văn học Việt Nam thì lâu nay đa phần vẫn là thông qua con đường “giao lưu văn hóa” nên tác phẩm vẫn còn manh mún và khá phân tán. Các sáng tác thường xuất hiện trong những tuyển tập hoặc ẩn dưới các công trình tài trợ, do đó cả tác phẩm lẫn tên tuổi tác giả vẫn rất ít được chú ý.
Nếu chọn hướng đi khác, tác phẩm, tác giả phải có danh tiếng cũng như dấu ấn nhất định. Có thể kể như Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh hay cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với hàng loạt tác phẩm được Nhà xuất bản (NXB) Éditions de Laube của Pháp kiên trì giới thiệu. Ngoài ra còn có Nguyễn Nhật Ánh với các tác phẩm nổi tiếng đã được nhiều độc giả châu Á chào đón.
Một số tác phẩm văn học Việt Nam đã có mặt ở thị trường sách thế giới
Những năm qua, một số tên tuổi đã ít nhiều tạo được chú ý. Nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư… cũng từng được vinh danh ở Đức, Azerbaijan, Ý… nhưng nhìn chung vẫn là các giải cục bộ, mang tính quốc gia chứ chưa tạo được sức ảnh hưởng quốc tế sâu rộng.
Mới đây, tiểu thuyết Chinatown của nhà văn Thuận đã được NXB độc lập Tilted Axis (Anh) và New Directions (Hoa Kỳ) mua bản quyền, chuyển ngữ. Bản dịch của dịch giả Nguyễn An Lý đã đoạt giải thưởng dịch thuật PEN Translates Award 2020. Được biết Tilted Axis là NXB chuyên in các tác phẩm đậm tính hàn lâm, có phần khó đọc. Thế nhưng đổi lại, nhiều tác phẩm của NXB này đã lọt vào vòng chung khảo của giải Booker và nhiều giải thưởng danh giá khác trên thế giới, cũng như được nhiều tác giả có danh tiếng tin tưởng cho xuất bản tác phẩm của mình.
Thành công của Chinatown có thể nói là tín hiệu khả quan, không còn “hữu danh vô thực”, song mới chỉ là bước đầu. Dư luận cũng đã có nhiều phản hồi rất tốt về tác phẩm này khi nó được nhiều chuyên trang văn chương uy tín như Lit Hub và tờ The New Yorker bình chọn vào tốp tác phẩm hay nhất năm qua. Điều này ít nhiều giúp độc giả nước ngoài biết tới giọng văn độc đáo của Việt Nam so với mặt bằng chung của các quốc gia trong khu vực.
Tự thân vận động
Một con đường “xuất ngoại” vừa manh nha là nỗ lực tự thân của các nhà văn. Năm 2022, tiểu thuyết The Mountains Sing của nhà văn – nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã được xuất bản ở nhiều quốc gia. Đây là tác phẩm viết hoàn toàn bằng tiếng Anh, không qua dịch thuật, phần nào cho thấy một hướng đi mới – nhà văn viết trực tiếp tiếng Anh và cho ra mắt ở những sân chơi lớn.
Các tác phẩm của tác giả Việt gây được hiệu ứng ở nước ngoài
Đáng nói, cuốn tiểu thuyết này đã được nhà văn người Mỹ gốc Việt đoạt giải Pulitzer – Viet Thanh Nguyen – giúp kết nối với người đại diện Julie Stevenson để cho ra mắt. Chính nhờ sự giới thiệu đó, The Mountains Sing đã được NXB Algonquin Books ấn hành vào tháng 3/2020, lọt vào danh sách bán chạy, được dịch ra nhiều ngôn ngữ và được vinh danh ở hàng loạt giải thưởng quốc tế.
Sau The Mountains Sing, Nguyễn Phan Quế Mai bật mí, cuốn tiểu thuyết thứ hai viết bằng tiếng Anh – Dust Child sẽ được phát hành vào tháng Ba năm nay trên toàn thế giới và đã được nhiều nhà văn danh tiếng đề lời khen tặng.
Với sự nổi tiếng của các tác giả gốc Việt như Ocean Vương, Linda Lê hay Viet Thanh Nguyen… thì sự giúp đỡ cũng như kết nối giữa các tên tuổi trong nước với NXB nước ngoài được chờ đợi sẽ giúp mở rộng hơn mạng lưới văn học Việt Nam ở các nước.
Ngoài việc tác giả tự thân vận động, nhiều NXB cũng cố gắng giới thiệu tác phẩm hay đến độc giả nước ngoài. NXB Trẻ và NXB Phụ nữ Việt Nam từng có chuỗi series song ngữ hoặc hoàn toàn bằng tiếng Anh để độc giả nước ngoài đến Việt Nam có thể tiếp cận. Đại diện Phòng Truyền thông NXB Trẻ chia sẻ: “NXB Trẻ luôn mong mở đường cho văn chương Việt ra nước ngoài, nhưng việc chuyển ngữ cũng như phát hành là rào cản lớn. Các tác phẩm chúng tôi vừa cho ra mắt bằng tiếng Anh hướng tới cả hai đối tượng: bạn đọc quốc tế cũng như bạn đọc trong nước yêu thích trải nghiệm đọc thêm ngoại ngữ”.
Cách làm của NXB Trẻ tuy chưa thể đem tác phẩm ra thế giới một cách sâu rộng và có hệ thống, nhưng du khách đến Việt Nam cũng như độc giả trong nước sẽ có cơ hội đọc văn Việt. Nhiều nhà sách Việt Nam ở nước ngoài cũng mong muốn giới thiệu văn chương Việt cho người xa xứ. Thông qua kênh này, các tác phẩm cũng sẽ có cơ hội chạm đến độc giả bản địa.
Trong một thế giới mở, có rất nhiều cách để mang văn chương Việt Nam đĩnh đạc bước ra thế giới. Từ những nỗ lực của các NXB trong nước cho đến bản thân tác giả, hy vọng tương lai văn chương Việt Nam sẽ giành được vị trí xứng đáng trên văn đàn quốc tế.
Theo Ngô Minh/PNO
Bình luận (0)