Hội nhậpGiáo dục phát triển

Những bước trưởng thành của ngành GD-ĐT tỉnh Đắc Nông

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

NGƯT-TS. Phan Văn Bé – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắc Nông

Tôi đã gặp ông vào những ngày cuối năm bộn bề công việc, nhưng ông vẫn niềm nở dành cho tôi một cuộc trò chuyện thật cởi mở và thẳng thắn xung quanh vấn đề của ngành GD-ĐT tỉnh Đắc Nông.
PV: Ông đánh giá thế nào về toàn cảnh ngành GD-ĐT tỉnh Đắc Nông từ 6 năm qua?
TS. Phan Văn Bé: Vào năm học 2003-2004, những ngày đầu mới thành lập, toàn tỉnh có 174 trường với 105.147 học sinh (trong đó có 30.374 học sinh dân tộc) vậy mà đến cuối năm 2008-2009, từ bậc mầm non đến THPT có 295 trường với 132.458 học sinh (trong đó có 44.228 học sinh dân tộc). Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên rõ rệt, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng (năm 2004 tỉ lệ thi đỗ là 7%, năm 2007 tỉ lệ là 32,7% và năm 2009 tỉ lệ là 43,83%). Trong 3 năm liền từ 2007 đến 2009, tỉnh đã có 8 học sinh đậu thủ khoa vào các trường đại học. Đây là niềm tự hào của toàn ngành GD-ĐT của tỉnh.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng lớn mạnh, số lượng được tăng hàng năm, chất lượng có nhiều mặt chuyển biến tích cực. Năm 2003-2004, có 4.250 cán bộ giáo viên, nhân viên thì đến năm 2008-2009, toàn ngành có 8.054 cán bộ, giáo viên, nhân viên, tỉ lệ đảng viên toàn ngành được nâng lên đạt 24% (tính đến tháng 12-2008). Số giáo viên đạt chuẩn là 98% (trong đó trên chuẩn đạt tỉ lệ 15% và có 85 thạc sĩ so với năm 2004 không có thạc sĩ). Hầu hết cán bộ quản lý từ Sở GD-ĐT đến các đơn vị trường học đều đã qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và công tác quản lý, nâng cao trình độ chính trị đủ khả năng thực thi công vụ được giao.
Trong những năm qua, Sở GD-ĐT luôn chú trọng đến việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các bậc, tăng cường công tác chỉ đạo, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Các đơn vị đã tập trung cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên. Tính đến cuối năm học 2008-2009, toàn tỉnh đã được công nhận 32 trường chuẩn quốc gia (gồm 4 trường mầm non, 20 trường tiểu học, 7 trường THCS và 1 trường THPT).
Đặc biệt đến nay, toàn tỉnh có 26 trung tâm học tập cộng đồng, trong đó trên 2/3 số trung tâm hoạt động khá thường xuyên, thu hút 14.372 lượt cán bộ, nhân dân trong địa phương theo học các lớp hỗ trợ kiến thức pháp luật, kinh tế đời sống, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân.
Với những nỗ lực không ngừng, toàn ngành GD-ĐT của tỉnh đã được phong tặng nhiều danh hiệu thi đua cao quý, trong đó 2 Huân chương Lao động hạng ba, 8 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 45 bằng khen của Bộ GD-ĐT và 65 bằng khen của UBND tỉnh.
Thưa ông, những kết quả có được của ngành GD-ĐT trong 6 năm qua không thể không nói đến vai trò của người lãnh đạo. Vậy theo ông điều gì làm nên sự thành công này?
– Có rất nhiều yếu tố để làm nên sự thành công này, trong đó có vai trò của lãnh đạo.
Theo tôi, tạo dựng lòng tin là điều kiện cốt lõi để một lãnh đạo thành công trong công tác quản lý, điều hành. Người lãnh đạo phải có lòng tin ở cấp dưới của mình, cùng đồng cam cộng khổ với đồng nghiệp và ngược lại. Có như vậy, họ mới dốc hết tâm sức cùng lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung. Đồng thời, người lãnh đạo cũng cần có lòng tin đối với cấp trên vì cấp trên có tin tưởng mình sẽ ủng hộ mình trong mọi hoạt động, đặc biệt là những ý tưởng mới mẻ và táo bạo. Một nhân tố đặc biệt là có sự hỗ trợ phối hợp giữa các ngành, sự ủng hộ của đồng bào các dân tộc trong tỉnh và sự phấn đấu vươn lên của giáo viên, công nhân viên toàn ngành giáo dục và đào tạo để có cơ sở tốt đẹp như ngày hôm nay.
Mai Đào (thực hiện)
Với chất giọng to khỏe của xứ sở Sơn Trà, Đà Nẵng và cái chân chất thật thà của người dân vùng biển nơi quê ông, TS. Phan Văn Bé – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắc Nông cho biết: Năm 2008 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú và năm 2009 được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng ba.
 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)