Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những buồn tủi của thầy cô giáo thời đại 4.0

Tạp Chí Giáo Dục

Đời giáo viên vốn được ví như phận kẻ đưa đò, ấy vậy mà “đưa người qua sông” trong “thời đại 4.0” lại càng buồn buồn tủi tủi.

Ngày càng có thêm nhiều thứ đang đè lên vai người thầy.

Cấm dùng vũ lực với học sinh là quy định thích đáng với những người lạm dụng hình phạt với học trò. Thế nhưng, chừng như không yên tâm, người ta lại còn muốn bố trí camera để giám sát mọi hoạt động tại lớp học. Dù không nói ra nhưng chắc chắn đối tượng chính của “biện pháp an ninh” này là thầy cô…

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là áp lực cao nhất của người làm nghề giáo. Cho đến bây giờ, căn bệnh “kinh niên” chạy thành tích với những con số báo cáo rỗng tuếch vẫn ám lấy nhiều ngành nghề. Bệnh này trong lĩnh vực giáo dục lại càng nặng nề hơn. Hàng chục năm trước khi còn đi dạy, tôi từng nghe một đồng nghiệp than về chuyện hằng đêm cô vẫn thường giật mình tỉnh giấc, toàn thân vã mồ hôi, bởi cơn ác mộng “mất sổ điểm”.

Hiện nhiều “lề thói” vẫn chưa thay đổi mấy so với hàng thập niên trước mãi chèn ép kẻ “bán cháo phổi”. Dù đã có bảng điểm nhập vào máy tính được in ra nhưng giáo viên vẫn đau đáu duy trì việc lập và giữ sổ điểm cá nhân, không dám bỏ. Một số nơi đã bỏ nhưng phần lớn các trường vẫn “bắt” giáo viên phải giữ, vừa mất công, vừa mất tiền của Nhà nước chỉ vì không ai dám đưa ra quyết định khi mà “ở trên” chưa có văn bản chính thức cho phép.

Nhung buon tui cua thay co giao thoi dai 4.0
Học sinh tặng hoa cho cô giáo nhân ngày 20/11. (Ảnh: Phùng Huy)
Ngoài sự vất vả lên lớp hằng ngày, căn bệnh “mãn tính” thành tích còn gây cho phần lớn giáo viên cảm giác chua chát trong việc thi đua dạy tốt, dạy giỏi. Họ sợ nỗi ám ảnh mang tên các tiết dạy tốt, các tiết thao giảng cấp trường, cấp quận… bởi mỗi người phải đăng ký ít nhất một tiết dạy này trong một học kỳ hoặc năm học. Hoặc trong tổ bộ môn bắt buộc phải có một đại diện đứng ra thao giảng cấp trường trong năm học, nếu đạt lại tiếp tục đề nghị thao giảng cấp quận, thành phố.

Thế nhưng, ai mà không biết những tiết học kiểu mẫu ấy chỉ là những “vở diễn” của cả thầy lẫn trò và người đến dự giờ. Để có những tiết học “chất lượng” như thế, trước khi mang ra “trình diễn”, có khi cả tháng trước đó, giáo viên đã phải chọn lớp thật kỹ, trang bị cho học trò kiến thức liên quan, chuẩn bị thật kỹ giáo án, học cụ… Rồi tất cả thành viên tổ bộ môn cũng phải dành thời gian, công sức để giúp giáo viên chuẩn bị thao giảng, hòng đạt danh hiệu dạy tốt.

Bên cạnh danh hiệu, các tiết thao giảng với những tiêu chí khá cao ấy chỉ để đổi lấy những lời khen ngợi, tiếng vỗ tay, hoàn toàn không phản ánh được chất lượng dạy và học. Chưa hết, bất cứ chương trình, chính sách nào ban giám hiệu hay các cấp trên nữa “ban xuống”, giáo viên là người chịu trách nhiệm và áp lực chính trong việc lớp ấy phải đạt bao nhiêu phần trăm cho chương trình, chính sách đó.

Do thầy sợ học trò bị đánh giá dở, sợ bị lưu ban và sẽ bị ban giám hiệu khiển trách, hầu như trò nào ở cấp tiểu học cũng dễ dàng đạt thành tích xuất sắc. Cũng xuất phát từ áp lực thành tích mà có giáo viên sẵn sàng cho điểm ảo, thậm chí đôi lúc, cô còn hướng dẫn luôn cho trò làm bài thi…

Tương tự, giáo viên các môn văn thể mỹ (nhạc, thể dục, họa) đa phần đều phết “đạt” vào bảng đánh giá học sinh bởi nếu có em nào đó “không đạt”, giáo viên sẽ bị chất vấn ngược tại sao và phải kiểm tra lại, dù có đến lần hai, lần ba cũng phải làm cho đến khi “đạt” thì thôi. Trên nguyên tắc, khi một em có điểm thể dục, nhạc, họa “không đạt” thì có nguy cơ toàn bộ điểm của các môn văn hóa sẽ bị kéo xuống…

Cải cách giáo dục hiệu quả, phải chăng cũng chính là triệt tiêu dần những áp lực vô lý, dai dẳng này?

Theo Quốc Ngọc/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)